1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

"Chính phủ không để ngân hàng nào phá sản"

(Dân trí) - “Chính phủ cam kết không để một ngân hàng nào phá sản, tức mức độ hiện tại, chúng ta hoàn toàn có khả năng xử lý và kiểm soát tình hình. Trong bối cảnh hiện nay, cũng không nên để tâm lý người dân bị tác động không tốt, ảnh hưởng tới cả hệ thống”.

Chủ tịch UB Giám sát Tài chính quốc gia Vũ Viết Ngoạn trao đổi với báo chi bên hành lang Quốc hội xung quanh vấn đề lành mạnh hóa hệ thống tài chính, ngân hàng.

Việc phát sinh quá nhiều ngân hàng thời gian gần đây được nhiều chuyên gia đánh giá chính là nguyên nhân khiến thị trường có nhiều biểu hiện không lành mạnh, thậm chí là lý do gốc rễ của lạm phát. Bài toán tái cấu trúc ngân hàng phải tìm ra hướng giải để giảm số lượng ngân hàng xuống?

Tôi cho rằng không nên hiểu tái cơ cấu về mặt cơ học. Mặc dù phải ghi nhận rằng hiện giờ số lượng ngân hàng nhiều mà năng lực chưa tốt. Nhưng nói ngay con số định lượng cắt giảm đi cụ thể bao nhiêu ngân hàng khi tái cơ cấu thì không có cơ sở khoa học.
 
"Chính phủ không để ngân hàng nào phá sản" - 1
Chính phủ sẽ triển khai tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thời gian tới.

Có những nước rất nhiều ngân hàng, cũng có những nước rất ít ngân hàng, số lượng tùy thuộc vào cấu trúc và hệ thống ngân hàng tại mỗi nước quyết định. Ở Việt Nam hiện nay có tình trạng ở thành thị có rất nhiều ngân hàng trong khi ở nông thôn lại rất ít.

Nếu nhìn vào tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ ngân hàng thì thấy còn rất thấp. Như vậy, đang có tình trạng vừa thừa vừa thiếu ngân hàng. Vấn đề bây giờ là làm thế nào trong tương lai có nhiều loại ngân hàng với nhiều quy mô khác nhau.

Tùy từng góc độ quan sát, và tiêu chí mỗi ngân hàng phục vụ một đối tượng khác nhau đánh giá, xem xét. Năng lực của anh tới đâu, trình độ của anh tới đâu, vốn tới đâu thì anh được làm đến đấy. Đó mới là quan điểm phù hợp chứ không nên võ đoán hay cực đoan về vấn đề này.

Quan điểm nhận rất nhiều đồng thuận, nhưng cách thức triển khai nào để cơ cấu lại nếu không buộc phải giảm số lượng ngân hàng một cách cơ học?

Đó là chuyện của tương lai. Giờ chỉ có thể nói, không nên làm kiểu “cộng dồn” cứ 2-3 ông ngân hàng gộp lại với nhau.

Với tư cách là Chủ tịch UB Giám sát Tài chính quốc gia, ông có gợi ý gì để tránh cảnh cộng, gộp, cắt giảm cơ học như đã nói?

Theo tôi điều cần làm trước tiên là phải hình dung cấu trúc ngân hàng tương lai của chúng ta sẽ thế nào. Chúng ta phải định dạng cho rõ. Sau đó, phải xem xét các ngân hàng của chúng ta, từng đơn vị một thực tế đang ở mức độ nào để có thể hỗ trợ họ, giúp họ vượt qua những khó khăn hiện tại.

Việc hỗ trợ có thể bằng nhiều cách, chẳng hạn như cách làm BIDV đang đề xuất: Nhà nước thông qua các ngân hàng khác, khuyến khích họ hỗ trợ lẫn nhau.

Quan trọng là phải phân tích được thực trạng để có giải pháp hợp lý. Cần phân tích cụ thể từng hạng mục hoạt động của ngân hàng có gì tốt, chưa tốt, yếu kém thế nào, mức độ hỗ trợ  ra sao. Chẳng hạn về vốn, hệ số an toàn vốn còn thấp chưa đủ thì phải tăng lên hay thanh khoản mất cân đối thì điều chỉnh dần, quản trị rủi ro còn yếu kém thì phải thay đổi phương thức quản trị…

Chính phủ cam kết sẽ không để xảy ra đổ vỡ ngân hàng. Thông điệp này nên được hiểu thế nào, ngay cả ngân hàng yếu quá, không thể tồn tại ta vẫn không dám cho phá sản?

Tôi cho rằng điều đó đã được tính toán, cân nhắc trên cơ sở đánh giá cơ bản rồi. Không để một ngân hàng nào phá sản ở thời điểm hiện nay. Điều đó bao hàm 2 ý: ở mức độ hiện nay chúng ta hoàn toàn có khả năng xử lý và kiểm soát tình hình mà không cần tính tới chuyện cho phá sản hay đổ vỡ ngân hàng nào. Thứ hai, trong điều kiện nay không nên để tâm lý người dân bị tác động không tốt, ảnh hưởng tới cả hệ thống. Giả sử một ngân hàng nào đó yếu kém, nếu chủ trương cho mua lại, sẽ có rất nhiều ngân hàng khác tự nguyện xin mua, sẵn sàng kết duyên với nhau.
 
"Chính phủ không để ngân hàng nào phá sản" - 2
Ông Vũ Viết Ngoạn: "Cần tăng tính minh bạch trong hệ thống ngân hàng" (Ảnh: Việt Hưng).

Ông đánh giá thế nào về việc công bố thông tin nợ xấu các ngân hàng?

Theo tôi đây là một lộ trình rất tốt đối với hệ thống ngân hàng nói riêng và hệ thống tài chính nói chung. Trong tương lai, cần tăng tính minh bạch trong hệ thống. Trong thể chế kinh tế thị trường, bản thân thị trường phải điều tiết, người dân phải biết ngân hàng nào tốt, ngân hàng nào xấu và quan tâm gửi tiền ở những ngân hàng tốt. Lãi suất cũng được điều chỉnh theo mức độ rủi ro của từng ngân hàng.

Tính khả thi của phương án điều hành này thế nào, đặc biệt khi các kỹ thuật phân loại nợ theo chuẩn quốc tế chưa đồng nhất trong hệ thống ngân hàng và bản thân ngân hàng cũng chưa sẵn sàng công khai điểm yếu của mình?

Đúng là thời gian từ nay đến tháng 4 năm sau có vẻ hơi ngắn để chúng ta áp dụng đồng nhất một chuẩn. Nếu không đồng nhất một chuẩn, các ngân hàng tiếng là công khai nợ xấu nhưng mỗi ông công bố theo một chuẩn khác nhau vì thế bức tranh sẽ phiến diện.

Thực ra chuẩn đó do ngân hàng nhà nước quy định, nhưng bản thân quy định của ngân hàng nhà nước cũng có 2 chuẩn khác nhau và vẫn còn giá trị áp dụng. Áp dụng theo chuẩn mới, tỷ lệ nợ xấu sẽ ở mức cao hơn.

Vì vậy một trong những nhiệm vụ từ nay đến thời điểm đó, các ngân hàng phải đồng nhất chuẩn đánh giá nợ xấu. Nếu chưa đồng nhất được thì khi rõ nợ xấu áp dụng theo phân loại tiêu chuẩn nào, mức trích lập dự phòng rủi ro ra sao...

Nhưng tôi cho rằng chuẩn nợ xấu có thể đồng nhất được.

Xin cảm ơn ông!

P.Thảo (ghi)