1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Có bắt buộc mua bảo hiểm khi vay tiêu dùng?

Hiện nay, khi vay tiêu dùng từ các công ty tài chính, khách hàng sẽ được tư vấn mua bảo hiểm khoản vay. Bảo hiểm vay tiêu dùng tuy không bắt buộc đối với cá nhân đi vay vốn nhưng lại đóng một vai trò rất quan trọng.

Và trong thực tế, không ít khách hàng chưa hiểu được tầm quan trọng của bảo hiểm, hoặc chưa được nhân viên tín dụng tư vấn và giải thích rõ ràng về những lợi ích mà nó đem lại.

Có bắt buộc mua bảo hiểm khi vay tiêu dùng? - 1

Lợi ích từ bảo hiểm khoản vay

Bảo hiểm khoản vay là số tiền mà khách hàng chi trả để mua bảo hiểm cho gói sản phẩm vay của mình tại công ty tài chính (CTTC). Đối với hình thức vay tiêu dùng tín chấp (không có tài sản thế chấp) mang tính chất rủi ro rất cao, các CTTC cần một cơ sở để đảm bảo an toàn khoản tiền cho vay này. Đó chính là lý do tại sao bảo hiểm khoản vay ra đời.

Trên thực tế, bảo hiểm khoản vay hoàn toàn có lợi cho khách hàng. Khi khách hàng mua bảo hiểm, trong trường hợp không may gặp phải những rủi ro không lường trước được xảy ra sau khi vay tín chấp, công ty bảo hiểm sẽ trả nợ thay khách hàng. Và đây cũng là tiêu chí quan trọng để các CTTC dễ dàng phê duyệt khoản vay của khách hàng một cách nhanh chóng và thuận lợi như vậy.

Trong danh mục bảo hiểm khoản vay có nêu các trường hợp không may có thể xảy ra như: Tử vong, thương tật, mất sức lao động và một số trường hợp bất khả kháng khác. Thực tế nhiều gia đình, nhờ mua bảo hiểm tiền vay nên khi gặp điều không may xảy ra, món nợ vài chục đến cả trăm triệu đồng đã được công ty bảo hiểm chi trả. Ngược lại, cũng không ít trường hợp khi khách hàng ở trong hoàn cảnh này, những khoản vay giúp làm nhẹ gánh nặng chi tiêu lại trở thành áp lực đè nặng lên gia đình họ.

Ví dụ như trường hợp gia đình anh Nguyễn Thế Chiến (Từ Sơn, Bắc Ninh) đã hưởng lợi rất nhiều khi mua bảo hiểm khoản vay. Anh Chiến là công nhân của một doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn. Vợ anh đau ốm quanh năm nên anh là trụ cột chính trong gia đình. Khi con trai tốt nghiệp đại học ra trường, cần phương tiện để đi làm, anh và vợ đã quyết định vay tiền Home Credit để mua một chiếc xe máy cho con, trị giá chiếc xe gần 20 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi trả được 4 kỳ trả góp, anh đã bị tai nạn giao thông và liệt toàn thân, gia đình mất khả năng trả nợ. May thay, khi làm hồ sơ vay, anh Chiến đã đăng ký mua bảo hiểm cho toàn bộ số tiền vay phòng khi rủi ro. Và nhờ vậy mà gia đình anh đã được công ty bảo hiểm trả nợ thay cho CTTC. Vợ con anh Chiến đã không bị áp lực vì gánh nặng nợ nần.

Bảo hiểm khoản vay có bắt buộc?

Quy chế cho vay của CTTC đối với khách hàng ban hành kèm theo Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước không quy định việc khách hàng phải mua bảo hiểm liên quan đến khoản vay, khi khách hàng vay vốn tại CTTC.

Như vậy, việc khách hàng mua bảo hiểm tín dụng đối với khoản vay là thỏa thuận giữa CTTC và khách hàng vay trên cơ sở tự nguyện của các bên. Việc mua bảo hiểm liên quan đến khoản vay do CTTC và khách hàng thỏa thuận phù hợp với quy định của pháp luật về bảo hiểm, đảm bảo cho khách hàng sẽ được bù đắp một phần hoặc toàn bộ tổn thất trong trường hợp rủi ro xảy ra trong phạm vi bảo hiểm và góp phần hỗ trợ CTTC kiểm soát chất lượng tín dụng.

Theo đại diện công ty tài chính FE Credit, phí bảo hiểm là một trong những thỏa thuận giữa doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm với khách hàng trong hợp đồng bảo hiểm. Trong trường hợp CTTC làm đại lý bảo hiểm cho doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, CTTC chỉ thực hiện thu phí bảo hiểm theo ủy quyền của doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm theo quy định tại khoản 4, Điều 3 Thông tư liên tịch số 86/2014/TTLT-BTC-NHNNVN.

Vay tiêu dùng tín chấp mang khá nhiều rủi ro cho bên hỗ trợ cho vay vì không có tài sản đảm bảo. Khi người vay không may rơi vào những trường hợp bất khả kháng, khả năng thu hồi nợ sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Để đảm bảo an toàn cho các khoản vốn vay thì các CTTC thường đính kèm thêm “bảo hiểm khoản vay” để khi khách hàng không may mất khả năng chi trả, phía công ty bảo hiểm sẽ chi trả thay. Chính vì vậy, bên cho vay sẽ yên tâm và dễ dàng hơn khi phê duyệt khoản vay cho những khách hàng đăng ký mua bảo hiểm. Không chỉ vậy, bảo hiểm khoản vay còn giúp các CTTC tiêu dùng giảm nỗi lo nợ xấu.

Đối với khách hàng vay tín chấp theo lương có chứng minh thu nhập tốt (khách hàng có sao kê lương khi vay, khách hàng làm tại các tổ chức lớn uy tín …) thì vẫn có thể bỏ qua phần bảo hiểm khoản vay bởi mức độ rủi ro khi cho vay là thấp hơn. Hầu hết hình thức cho vay hiện nay được chấm điểm theo phương thức “đục lỗ” và khách hàng chỉ cần vượt qua số điểm yêu cầu là sẽ đủ điều kiện vay.

Phí phải đóng bảo hiểm là bao nhiêu?

Thông thường bảo hiểm khoản vay chiếm từ 5% - 6% trên số tiền gốc mà khách hàng đăng ký vay tín chấp tại ngân hàng. Ví dụ, khi khách hàng ký hợp đồng vay 20 triệu đồng tại CTTC để mua sản phẩm, thì tiền bảo hiểm khoản vay là: 5,5% x 20.000.000 = 1.100.000 đồng.

Tùy theo CTTC, khách hàng khi đăng ký vay tín chấp có thể không nhận đủ số tiền đăng ký vay mà phải trích lại 5,5% để đóng tiền phí bảo hiểm hoặc khách hàng sẽ nhận đủ số tiền đăng ký vay cộng thêm khoản phí bảo hiểm.

Ví dụ, trường hợp khách hàng không nhận đủ số tiền vay: Khách hàng đăng ký vay 20 triệu đồng thì chỉ nhận được 18,9 triệu đồng (trừ 1,1 triệu đồng tiền bảo hiểm khoản vay), sau đó mua sản phẩm có giá 18,9 triệu đồng. Trường hợp khách hàng sẽ nhận đủ 20 triệu đồng và CTTCsẽ ghi số tiền khách hàng vay là 21,1 triệu đồng.

Tóm lại, bảo hiểm khoản vay là một khoản chi phí không bắt buộc khi khách hàng đi vay tiêu dùng tín chấp.Tuy nhiên, bảo hiểm khoản vay được khuyến khích mua vì nó hoàn toàn mang lại lợi ích cho khách hàng và phần nào hỗ trợ CTTC trong việc kiểm soát chất lượng tín dụng. Chính vì vậy, CTTC cần tư vấn cụ thể, rõ ràng, minh bạch cho khách hàng và khách hàng cần chủ động hỏi rõ tìm hiểu và tham khảo ý kiến nhân viên tư vấn về những vấn đề mình chưa thực sự hiểu rõ, để tránh những hiểu lầm không đáng có xảy ra sau sau khi ký hợp đồng vay vốn./.

P.Anh