1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Bộ Tài chính:

Có 93,5 triệu xe máy mua bảo hiểm, chỉ hơn 100.000 vụ được đền bù

(Dân trí) - "Sau 10 năm, ngành bảo hiểm đã bồi thường cho 593.658 vụ tai nạn giao thông, trung bình 9 triệu đồng trên vụ; riêng xe máy là 101.214 vụ tai nạn xe máy, trung bình 5 triệu đồng/vụ".

Đây là thông tin được ông Phùng Ngọc Khánh, Cục trưởng, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính đưa ra trong cuộc họp báo ngày 22/5 về nội dung liên quan đến bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đang nhận được dư luận đặc biệt quan tâm.

Có 93,5 triệu xe máy mua bảo hiểm, chỉ hơn 100.000 vụ được đền bù - 1

Ông Phùng Ngọc Khánh, Cục trưởng, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính

Theo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, sau 10 năm thực hiện Nghị định 103 của Chính phủ về chế độ bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới, số lượt xe cơ giới tham loại hình bảo hiểm này lên đến 110,3 triệu xe (trong đó số lượt xe máy khoảng 93,5 triệu xe).

Lãnh đạo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho biết: "Qua thời gian thực hiện, kết quả ghi nhận ngành bảo hiểm đã bồi thường cho 593.658 vụ tai nạn giao thông, trung bình 9 triệu đồng/vụ; riêng xe máy là 101.214 vụ tai nạn xe máy, trung bình 5 triệu đồng/vụ.

Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho rằng, dù đã triển khai 10 năm nhưng tỷ lệ tham gia bảo hiểm của xe máy vẫn còn thấp, đạt khoảng 30% với xe máy (trong tổng số gần 60 triệu xe máy) so với tỷ lệ tham gia lên đến 90% đối với xe ô tô (trong tổng số trên 3 triệu xe ô tô).

Theo ông Khánh, điều này cho thấy công tác thực hiện mua bảo hiểm của người dân còn thấp, việc tuyên truyền, hướng dẫn còn vướng mắc cả về chính sách và công tác tổ chức.

“Một số quy định hiện hành về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới không còn phù hợp, đồng bộ với hệ thống văn bản pháp luật có liên quan”, ông Khánh cho hay.

Lãnh đạo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho rằng, mức trách nhiệm bảo hiểm theo quy định hiện hành chưa theo kịp với biến động ngày càng tăng về giá dịch vụ khám, điều trị, chăm sóc y tế và chi phí sửa chữa, thay thế tài sản bị thiệt hại trong các vụ tai nạn do xe cơ giới gây ra.

Có 93,5 triệu xe máy mua bảo hiểm, chỉ hơn 100.000 vụ được đền bù - 2

Hoạt động bán bảo hiểm bắt buộc đối với xe cơ giới đang loạn giá cần Bộ Tài chính nhanh chóng vào cuộc

“Phí bảo hiểm mặc dù đã được quy định trên cơ sở rủi ro liên quan đến phương tiện (loại xe, mục đích sử dụng xe) nhưng chưa căn cứ vào rủi ro liên quan chủ xe, lái xe (lịch sử tai nạn, vi phạm giao thông). Do đó, chưa phát huy tối đa vai trò công cụ kinh tế trong đảm bảo trật tự an toàn giao thông", ông Khánh cho biết.

Cũng theo đại diện Bộ Tài chính, một số quy định hiện hành về mẫu giấy chứng nhận bảo hiểm, thời hạn bảo hiểm, hồ sơ bồi thường không còn phù hợp, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp bảo hiểm và chủ xe, lái xe trong việc triển khai thực hiện.

Theo kế hoạch của Bộ Tài chính, để đưa hoạt động bán bảo hiểm đi vào khuôn khổ, tôn trọng quyền và lợi ích của người tham gia giao thông khi mua bảo hiểm bắt buộc, ngay trong tháng 5/2020, Bộ sẽ thực hiện thanh tra các hoạt động của doanh nghiệp và xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến giá bán bảo hiểm.

Đồng thời, cơ quan này cho biết đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 103/2008/NĐ-CP nhằm hoàn thiện chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới theo định hướng mới, phù hợp với thực tiễn.

Trước đó, sau khi cảnh sát giao thông cả nước ra quân xử lý người tham gia giao thông vi phạm các quy định về phương tiện cơ giới, rất nhiều người dân đã đổ xô đi mua bảo hiểm.

Nhu cầu tăng cao, khiến các doanh nghiệp tranh giành khách hàng, đưa ra nhiều mức giá dưới quy định, cụ thể nhiều nơi bán 50.000 đồng/thẻ/năm, 20.000 đồng/thẻ/năm, trong khi đó quy định của Bộ tài chính là 66.000 đồng/năm.

Lãnh đạo Cục quản lý giám sát bảo hiểm khẳng định: Các sai phạm về giá bán bảo hiểm, rồi sai phạm về đền bù thiệt hại cho chủ phương tiện xảy ra sự cố tai nạn, đã mua bảo hiểm sẽ được thanh tra, kiểm tra trong thời gian tới.

An Linh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm