Chuyển phát nhanh - "Trợ lực" đưa hàng Việt ra thế giới
(Dân trí) - Việt Nam không thiếu sản phẩm độc lạ, chất lượng, nhưng chưa gây chú ý người dùng quốc tế. Các đơn vị chuyển phát nhanh có mạng lưới toàn cầu đóng vai trò quan trọng tiếp sức hàng Việt xuyên biên giới.
Tọa đàm "Chuyển phát nhanh tiếp sức hàng Việt xuất ngoại" diễn ra trên Báo Dân trí ngày 28/6, với sự tham gia của ông Nguyễn Ngọc Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam; ông Phan Bình - Giám đốc Thương hiệu J&T Express Việt Nam; ông Dương Công Tấn Phát - Giám đốc Thu mua Droppii, đã thu hút sự quan tâm của nhiều độc giả. Các khách mời đã đưa ra giải pháp thiết thực trong việc hỗ trợ hàng Việt ra nước ngoài.
Triển vọng bán lẻ hàng Việt xuyên biên giới
Bình luận về doanh thu bán lẻ hàng hóa xuyên biên giới tăng trưởng trên 20% mỗi năm (theo báo cáo của AlphaBeta), ông Nguyễn Ngọc Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam - nhận định, các doanh nghiệp Việt ngày càng ý thức hơn về việc làm sao để bán được sản phẩm ra nước ngoài, đặc biệt là nông sản để giảm phụ thuộc vào xuất khẩu tiểu ngạch. Việc bán hàng ra nước ngoài cũng dễ dàng và thông thương hơn, tiết giảm nhiều thời gian và chi phí so với giai đoạn trước.
Trong đó, ông đánh giá cao vai trò của các đơn vị chuyển phát nhanh như J&T trong việc hỗ trợ bán lẻ hàng Việt ra thế giới, không chỉ trong việc giao nhận mà còn giúp doanh nghiệp hoàn thiện về đóng gói, thiết kế bao bì và xây dựng hình ảnh.
"Nhân viên đi giao nhận đóng đến 3, 4 vai - người chăm sóc khách hàng, kế toán, marketing gặp gỡ với khách hàng. Khách hàng có muốn mua hàng nữa hay không là do thái độ của người giao hàng. Do đó, vai trò của người đi giao hàng là cực kỳ quan trọng", ông Dũng nói.
Còn theo ông Dương Công Tấn Phát - Giám đốc Thu mua Droppii, đơn vị đang hỗ trợ nhiều địa phương bán các sản phẩm OCOP (sản phẩm tiêu biểu của mỗi địa phương) ra thị trường Campuchia, Thái Lan - khách hàng quốc tế rất quan tâm đến đặc sản vùng miền của Việt Nam. Ông dự báo, bán lẻ nông sản ra quốc tế sẽ là xu hướng phát triển rất tốt trong tương lai.
Dưới góc nhìn của một đơn vị vận chuyển quốc tế, ông Phan Bình - Giám đốc Thương hiệu J&T Express Việt Nam - đánh giá, Việt Nam có nhiều sản phẩm độc đáo và tiềm năng lớn khi cạnh tranh trên trường quốc tế. Điển hình như những chiếc túi làm bằng bao bì đựng thức ăn chăn nuôi mang thương hiệu cám Con Cò từng trở thành xu hướng, được sử dụng rộng rãi tại Nhật Bản.
Gần đây, khi nhìn thấy những chiếc túi đan bằng lá sen được bày bán tại các siêu thị, ông cho rằng, sản phẩm này hoàn toàn có đủ chất lượng và câu chuyện để chinh phục người tiêu dùng các nước, nếu nhà sản xuất làm tốt việc quảng bá, xây dựng hình ảnh.
Chìa khóa chinh phục thị trường
Tuy nhiên, việc xuất khẩu trực tuyến hiện nay được đánh giá chưa tương xứng với tiềm năng và có giá trị không cao, xuất phát từ nhiều rào cản. Đa phần người bán chưa thông hiểu về luật quốc tế, cách soạn thảo một hợp đồng ngoại thương bằng tiếng Anh, thủ tục thông quan đến thanh toán ngoại thương làm sao để chống lừa đảo hoặc mất hàng hóa mà không được trả tiền.
Một khó khăn khác, theo ông Phát, liên quan đến logistics - đặc biệt là việc giao nhận. Bên cạnh vận chuyển hàng hóa, chi phí ship hàng mẫu hoặc các giấy tờ liên quan kiểm định chất lượng sản phẩm sang nước bạn cũng khá cao khiến nhiều đơn vị e ngại khi trong quá trình tìm kiếm đối tác quốc tế. Họ không biết gửi hàng mẫu hay các giấy tờ chứng minh sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu có hiệu quả hay không, nhưng trước mắt đã đầu tư một khoản lớn cho chi phí vận chuyển. Ngoài ra còn vấn đề phải đóng gói làm sao để đảm bảo chất lượng sản phẩm, giữ nguyên bao bì hoặc hộp mẫu khi đến tay khách hàng. Theo ông, đó là những "điểm chạm" rất quan trọng của khách hàng khi đánh giá về sản phẩm.
"Nếu như đơn vị chuyển phát nhanh có thể giải quyết bài toán này cho các doanh nghiệp nhỏ - tức là mang hàng mẫu hay những hộp quà nguyên vẹn đến khách hàng - sẽ giúp gia tăng giá trị sản phẩm cũng như nâng tầm trải nghiệm người dùng", ông nói.
Về khía cạnh này, ông Bình cho biết, J&T Express đang nỗ lực tối đa để tiếp sức cho hàng Việt xuyên biên giới. Hiện tại J&T Express đã có mặt trên 10 nước với tuyến vận chuyển quốc tế, J&T Express Việt Nam mở rộng mạng lưới giao nhận lên đến hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Thương hiệu quốc tế J&T Express có lợi thế am hiểu chính sách thông thương, phong tục tập quán và thị hiếu tiêu dùng tại từng địa phương. Nhờ đó, doanh nghiệp có thể tư vấn lại cho các đơn vị Việt Nam có nên bán sản phẩm đó vào quốc gia này hay không, bao bì đóng gói như thế nào.
Bên cạnh mở rộng mạng lưới giao nhận trên quy mô toàn cầu, J&T Express Việt Nam vừa nâng cấp hệ thống trung tâm trung chuyển với năng lực xử lý hơn 3,6 triệu đơn hàng/ngày, phủ rộng diện tích hơn 180.000 m2. Đơn vị còn có tính năng cập nhật tình trạng đơn hàng liên tục, giúp khách hàng kiểm tra xem hàng hóa đến đâu. Khi đã được giao đến quốc gia nhập khẩu, ứng dụng J&T Express còn cung cấp số điện thoại của shipper sẽ giao hàng hóa đó đến tay khách hàng tại nước sở tại.
"Chúng tôi đã có rất nhiều kinh nghiệm nên các bạn có thể yên tâm khi sử dụng dịch vụ của J&T Express. Với dịch vụ "door to door", chúng tôi mong muốn mang tinh túy, cốt lõi nhất của hàng Việt đến cho bạn hàng ở nước ngoài. Chi phí ban đầu có thể hơi cao một chút, nhưng tôi nghĩ không quá khó khăn", ông Bình chia sẻ.
Đối với vấn đề gửi hàng mẫu hoặc những đơn hàng đặc thù, phía J&T Express có đội ngũ riêng để hỗ trợ, với đầy đủ vật tư đóng gói sản phẩm theo chất lượng cao nhất. Nhiều đối tác nước ngoài phản ánh các doanh nghiệp Việt Nam gửi hàng mẫu mà chỉ quấn gọn vào bọc đen. Khi mở ra, họ không biết đó là sản phẩm có thương hiệu hay không, từ đâu gửi tới, không gây được ấn tượng gì.
J&T Express tư vấn và hỗ trợ khách hàng đóng gói hàng mẫu, chẳng hạn với mẫu vải, làm sao để gọn nhẹ nhất, ít chiếm diện tích. Đó là bài toán mà các đơn vị chuyển phát có thể hỗ trợ được. Nhưng để mang tính cá nhân hóa hoặc thương hiệu hóa của chính doanh nghiệp đó, cần nhiều hơn sự đầu tư ở vật liệu đóng gói từ phía nhà sản xuất, hộ kinh doanh. Nếu có sự nỗ lực từ cả 2 bên, việc giao nhận, vận chuyển hàng mẫu xuyên biên giới đến hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ như J&T Express càng thuận lợi và dễ dàng hơn. Khi hàng mẫu đã được chấp nhận rồi, những đơn hàng lớn hơn sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng thống nhất rằng, đơn vị sản xuất hoặc người bán cần tập trung nghiên cứu, phát triển để tạo ra những sản phẩm có chất lượng đồng nhất và có nét riêng so với sản phẩm đang bán tại thị trường mình đang nhắm tới. Tư duy cạnh tranh về giá sẽ dẫn đến giá trị sản phẩm Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng thấp đi, chỉ dừng lại ở việc cung cấp nguyên liệu thô, thay vì bán một sản phẩm trọn vẹn.
Để tìm kiếm khách hàng tại các nước, các chủ shop, hộ kinh doanh sản phẩm thủ công, làng nghề… nên tham gia vào chương trình xúc tiến thương mại của cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội ngành nghề. Các tổ chức này không chỉ mở ra cơ hội gặp gỡ đối tác quốc tế mà còn thường xuyên có hội thảo, tập huấn để trang bị kiến thức, thông tin về các quốc gia sắp triển khai bán hàng. Qua đó, doanh nghiệp có thể từng bước chuẩn hóa quy trình bán lẻ ra nước ngoài, góp phần nâng cao kim ngạch xuất khẩu và mang về nguồn ngoại tệ cho nền kinh tế.
Chuỗi tọa đàm "Chỉ Dẫn Đỏ" là chương trình do thương hiệu J&T Express - Giao hàng chuyển phát nhanh phối hợp cùng báo Dân trí thực hiện. Với 4 kỳ phát sóng liên tục, chương trình đã mang đến cái nhìn cặn kẽ và chính xác về những thay đổi, cải tiến của ngành kinh doanh trực tuyến và chuyển phát nhanh. Từ đó, mang xung lực mới cho nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn mới.