Chuyên gia WB cảnh báo có “hiện tượng lạ” của vốn ngoại ở Việt Nam

(Dân trí) - “Trước năm 2016, các nhà đầu tư đến Việt Nam để xây dựng cơ sở sản xuất kinh doanh mới. Nhưng từ năm 2016 trở lại đây, vốn FDI chủ yếu chảy vào các thương vụ mua lại và sáp nhập”, đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam nói.

Ngân hàng Thế giới vừa đưa ra bản cập nhật kinh tế Việt Nam 2019, trong đó nhấn mạnh Việt Nam tiếp tục duy trì tăng trưởng ấn tương (6,8%) trong khi tăng trưởng toàn cầu giảm, nhiều nền kinh tế lớn suy giảm. Việt Nam đã có các chính sách vĩ mô cân đối như chính sách tài khoá, chính sách tiền tệ khiến nợ công/GDP giảm, lạm phát được giữ ổn định, lãi suất đang có xu hướng hạ.

Chuyên gia WB cảnh báo có “hiện tượng lạ” của vốn ngoại ở Việt Nam - 1

Chuyên gia Ngân hàng Thế giới đưa ra nhiều khuyến nghị đối với Việt Nam nếu cứ sa vào thu hút vốn ngoại FDI mà bỏ qua động lực kinh tế tư nhân

Về mặt dài hạn, các chuyên gia của WB đều khuyến cáo Việt Nam nên thay đổi lớn về phát triển khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt về hỗ trợ vốn, thị trường xuất khẩu. 

Bên cạnh đó, thu hút vốn nước ngoài hiệu quả hơn, cần sàng lọc dựa trên các tiêu chí phát triển bền vững.

Ông Jacques Morisset, chuyên gia kinh tế trưởng WB tại Việt Nam cho rằng, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam thời gian qua có thay đổi lớn. 

“Trước năm 2016, các nhà đầu tư đến Việt Nam để xây dựng cơ sở sản xuất kinh doanh mới. Nhưng từ năm 2016 trở lại đây, vốn FDI chủ yếu chảy vào các thương vụ mua lại và sáp nhập”, ông Morisset nói.

Theo đại diện của WB, xu hướng thay đổi trên cho thấy nhiều vấn đề là xu hướng đầu tư thế giới đang giảm đi; FTA không còn là “chiếc đũa thần” lôi kéo đầu tư để tăng xuất khẩu. Việt Nam còn kém cạnh tranh về sản xuất, môi trường kinh doanh so với các nước khác dù có nhiều hiệp định tự do lớn.

"FDI là động lực tăng trưởng của Việt Nam, tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách cần phải tự hỏi FDI nhiều sẽ mang lại lợi ích gì cho người dân?”, đại diện WB nói.

Ông này phân tích: “Hiện tại FDI vào Việt Nam không còn tạo nhiều việc làm trực tiếp như trước. Các nhà máy hiện đại có vốn FDI không còn sử dụng nhiều lao động nữa mà thay vào đó là robot. Vì vậy, thay vì chỉ dừng lại ở tác động trực tiếp (tạo việc làm và xuất khẩu), Việt Nam cần tăng cường kết nối khối FDI với doanh nghiệp trong nước, để tạo việc làm gián tiếp, kích thích tăng trưởng kinh tế trong nước”.

Theo nhận định của ông Morisset, tại Việt Nam doanh nghiệp xuất khẩu thực hiện các cuộc đổi mới, sáng tạo nhiều hơn so với doanh nghiệp chỉ hoạt động ở trong nước. Doanh nghiệp Việt không tham gia được vào chuỗi cuối cùng của chuỗi sản xuất của doanh nghiệp toàn cầu.

Ông này lấy kinh nghiệm của Hàn Quốc cho Việt Nam: Người Hàn rất giỏi đẩy mạnh chất tăng trưởng bằng các công ty lớn như nâng cao cạnh tranh với thế giới. Song song với đó là họ cho công ty lớn cạnh tranh.

Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của WB tại Việt Nam nhấn mạnh: Việt Nam cần dành sự quan tâm cao nhất để xử lý những hạn chế về huy động tài chính cho doanh nghiệp.

Theo lãnh đạo WB tại Việt Nam, cần làm rõ vốn FDI và khu vực FDI đang có đóng góp gì cho tăng trưởng Việt Nam và liệu trong thời gian tới có mang đến kết quả như hiện nay hay không? Việt Nam nên tư duy lại hình thức FDI nào phù hợp với mình để thu hút trong thời gian tới. FDI vào lĩnh vực có giá trị gia tăng như đầu tư nghiên cứu chế tạo (R&D) hiện nay chưa có nhiều.

"Chiến lược phát triển thành công và bền vững không thể nào chỉ dựa mãi vào FDI, mà phải cần nhìn vào nền kinh tế trong nước. Để thay đổi, cần một chiến lược về tài chính, để doanh nghiệp có thể bắt đầu và hướng ra ngoài”, ông Ousmane nói.

An Linh