WB: Nền kinh tế Việt Nam vẫn còn rủi ro theo hướng xấu đi đáng kể

(Dân trí) - WB đánh giá, tuy triển vọng trung hạn nhìn chung thuận lợi, nhưng vẫn còn những rủi ro bất lợi, liên quan đến sức cầu bên ngoài giảm đi, biến động tài chính toàn cầu, và tiến độ cải cách doanh nghiệp nhà nước và khu vực ngân hàng.

WB: Nền kinh tế Việt Nam vẫn còn rủi ro theo hướng xấu đi đáng kể - 1

Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố báo cáo “Vượt qua trở ngại” cập nhật tình hình kinh tế tại các quốc gia khu vực Đông Á và Thái Bình Dương.

Theo dự báo của WB, tăng trưởng tại các quốc gia đang phát triển trong khu vực sẽ đạt mức 6,0% trong năm 2019 và 2020, giảm nhẹ so với mức 6,3% năm 2018, chủ yếu do khó khăn quy mô toàn cầu và việc nền kinh tế Trung Quốc đang chững lại do can thiệp chính sách.

WB đánh giá, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục thể hiện nền tảng tích cực, với sự hỗ trợ của sức cầu mạnh trong nước và ngành sản xuất chế tạo, chế biến theo định hướng xuất khẩu. Sau khi đạt mức tăng trưởng 6,8% năm 2017, số liệu sơ bộ cho thấy tăng trưởng GDP năm 2018 đã lên đến 7,1%, do các hoạt động kinh tế đồng loạt khởi sắc.

Theo WB, mặc dù chính sách tiền tệ nhìn chung vẫn theo hướng tạo thuận lợi, nhưng NHNN đã từng bước thắt chặt tín dụng trong năm 2018 bằng cách đặt hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại và kiểm soát cho vay các lĩnh vực rủi ro cao (bất động sản, chứng khoán, và tiêu dùng). Thanh khoản trong khu vực ngân hàng được thắt lại đáng kể, do tốc độ tăng tiền gửi giảm khiến lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn ngắn bị đẩy cao.

Mặc dù vậy, bảng cân đối tài sản của doanh nghiệp và các hộ gia đình có tỷ lệ đòn bẩy ngày càng cao – tỷ lệ tín dụng trên GDP của Việt Nam hiện rơi vào khoảng 135%. Vì vậy, nền kinh tế dễ bị tổn thương với các cú sốc và nguy cơ gặp áp lực trên thị trường tài chính, đặc biệt khi nợ xấu trước đây chưa xử lý hết và tỷ lệ an toàn vốn còn mỏng ở một số ngân hàng.

Báo cáo của WB cũng chỉ ra rằng, cán cân kinh tế đối ngoại của Việt Nam vẫn tiếp tục cải thiện trong khi tình hình tài khóa đã cải thiện khi bội chi ngân sách chung ước tính giảm xuống còn 4% GDP trong năm 2018 so với 4,3% năm 2017 và 4,9% năm 2016.

Mặc dù viễn cảnh trước mắt được cải thiện, nhưng theo WB, vẫn còn đó những rủi ro theo hướng xấu đi đáng kể.

Cụ thể, nhìn từ trong nước, các nỗ lực tái cơ cấu DNNN và khu vực ngân hàng bị trì hoãn có thể gây ảnh hưởng bất lợi đến tình hình tài chính – vĩ mô, làm suy giảm triển vọng tăng trưởng và tạo ra các nghĩa vụ cho khu vực công.

Đầu tư công tiếp tục suy giảm có thể ảnh hưởng đến các mục tiêu phát triển dài hạn. Các nỗ lực củng cố tình hình tài khóa tiếp theo cần tập trung kiềm chế tăng chi thường xuyên và đồng thời phải ổn định được kết quả thu.

"Nền kinh tế Việt Nam vẫn dễ bị tổn thương với những biến động tiếp theo của nền kinh tế toàn cầu do độ mở cửa thương mại lớn, dư địa chính sách tiền tệ và tài khóa còn tương đối hạn chế. Tăng trưởng hiện cũng chưa đồng đều giữa các vùng miền, làm nới rộng khoảng cách về thu nhập và tình trạng nghèo đói", WB đánh giá.

Phương Dung