Chuyên gia quốc tế: GDP năm 2023 của Việt Nam có thể đạt 7,2%

Mỹ Tâm

(Dân trí) - Dự kiến lạm phát năm 2023 tăng khoảng 6%, cán cân thương mại có thể được cải thiện dù xuất khẩu vẫn sẽ đối mặt với các thách thức toàn cầu.

Tại tọa đàm: "Triển vọng kinh tế, tài chính thế giới năm 2023 và tác động đối với Việt Nam" chiều 28/2 do Bộ Ngoại giao và Ngân hàng Standard Chartered phối hợp tổ chức, ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế phụ trách Thái Lan và Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered nhận định, năm 2022 vừa qua thế giới đối mặt nhiều khó khăn, song Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng mạnh trên thế giới.

"Lạm phát tại nhiều nước trên thế giới tăng mạnh song tại Việt Nam, lạm phát vẫn ở mức thấp", ông nói.

Ông Tim Leelahaphann cho rằng tiếp nối đà phục hồi tăng trưởng năm 2022, nền kinh tế Việt Nam sẽ có tốc độ tăng GDP đạt 7,2% trong năm 2023 và 6,7% trong năm 2024. Dự kiến lạm phát năm 2023 tăng khoảng 6%; cán cân thương mại có thể được cải thiện.

*Dự báo kinh tế vĩ mô Việt Nam (số liệu: Standard Chartered)

Chỉ tiêu  20222023 2024
 Tăng trưởng GDP (%) 8,07,2 6,7
 CPI (% trung bình năm) 3,25,5 5,5
 Lãi suất điều hành (%/năm) 67 7
 Tỷ giá USD - VND (đồng) 23.63323.400 23.000
 Cán cân tài khoản vãng lai 1,33,3 3,5
 Cán cân tài khóa (% GDP) -5,4 -5,4-4,0

Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra kinh tế Việt Nam nửa đầu năm 2023 vẫn đối mặt với một số rủi ro vĩ mô như lạm phát, nợ công, khôi phục lòng tin, song triển vọng phục hồi tích cực vào nửa cuối năm, xuất khẩu sẽ đối mặt với các thách thức toàn cầu.

"Triển vọng trung hạn của Việt Nam duy trì tích cực, tiếp tục là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu và là một điểm đến được nhiều doanh nghiệp lựa chọn", ông đưa ra nhận định.

Vị chuyên gia đến từ Standard Chartered cho rằng Việt Nam sẽ đạt được những mục tiêu quan trọng đúng hạn, có thể kể đến như hướng tới trở thành trung tâm sản xuất, chuyển từ công nghệ thấp sang cao, trở thành quốc gia có thu nhập cao trong 20 năm tới, thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp FDI…

"Việt Nam có triển vọng phát triển trong trung và dài hạn, mang lại tiềm năng tăng trưởng và thu hút đầu tư. Việt Nam đóng vai trò ngày càng quan trọng trong hoạt động thương mại quốc tế và chuỗi cung ứng toàn cầu". bà Michele Wee, Tổng giám đốc Standard Chartered Việt Nam nhấn mạnh thêm.

Cũng tại tọa đàm, ông Divya Devesh, Trưởng bộ phận nghiên cứu khu vực ASEAN và Nam Á của Standard Chartered đưa ra nhận định về triển vọng thị trường ngoại hối. Ông nhận định hiện nay thế giới cần lưu ý 2 yếu tố.

"Thứ nhất là tác động của đồng USD, đây vẫn là đồng tiền có lãi suất cao và tác động tới ngoại hối toàn cầu. Thứ hai là đánh giá khả năng suy thoái của Mỹ, dù hiện nay có tín hiệu tích cực song các thách thức có thể quay trở lại vào cuối năm 2023", vị chuyên gia cho hay.

Ông nhận định năm 2022 vừa rồi đồng USD đã đạt đỉnh và sẽ có sự giảm giá trong thời gian tới. "Với mức lãi suất hiện nay, các quốc gia, doanh nghiệp sẽ nắm giữ USD và sử dụng đồng USD hơn là các đồng tiền của địa phương họ", ông nói. Chuyên gia dự báo năm 2023 trung bình 1 USD quy đổi ra tiền Việt Nam là 23.400 đồng, còn năm 2024 là 23.000 đồng.