Thuế bảo vệ môi trường với xăng gấp đôi, lạm phát trở lại trong tháng Tết
(Dân trí) - Sau khi ghi nhận lạm phát âm trong tháng 12/2022 thì bước sang tháng 1 trùng vào dịp Tết Nguyên đán cũng là khi áp dụng Nghị quyết 30, CPI đã tăng 0,52%.
Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, trong tháng đầu tiên của năm 2023, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 0,52% so với tháng trước với 8 trong số 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính tăng giá; 2 nhóm hàng giảm giá; riêng nhóm bưu chính, viễn thông có giá ổn định so với tháng trước.
Cụ thể, chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,82% so với tháng 12/2022, tác động làm CPI chung tăng 0,27 điểm phần trăm. Trong đó, chỉ số giá nhóm lương thực tăng 0,89% với chỉ số giá gạo tăng 0,84% do giá xuất khẩu duy trì ở mức cao và nhu cầu tiêu dùng các loại gạo tẻ ngon và gạo nếp tăng vào dịp Tết Nguyên đán (giá gạo nếp tăng 1,68%; gạo tẻ thường tăng 0,82%; gạo tẻ ngon tăng 0,7% so với tháng trước).
Trong tháng Tết, chỉ số giá nhóm thực phẩm tăng 0,95% so với tháng trước, tập trung chủ yếu ở một số mặt hàng như thịt lợn, thịt gia cầm… Giá thịt lợn tăng 0,33% so với tháng trước, tăng 5.000-20.000 đồng/kg trong những ngày giáp Tết Nguyên đán do nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao.
Nhu cầu tiêu dùng của người dân trong ngày lễ ông Công, ông Táo và dịp Tết Nguyên đán tăng cao cũng khiến giá thịt gia cầm tăng 1,23% so với tháng trước, trong đó thịt gà tăng 1,38% và thịt gia cầm khác tăng 0,72%; bánh, mứt, kẹo tăng 1,23%; hoa quả tươi, chế biến tăng 3,25% (giá chuối tăng mạnh 4,76%; xoài tăng 3,57%; táo tăng 2,03%; quả có múi tăng 1,88%).
Sau gần 2 tháng giá rau ở mức cao, giá rau trong tháng 1 lại giảm do thời tiết thuận lợi, nguồn cung rau dồi dào, giá rau xanh phục vụ Tết Nguyên đán ổn định. Trong đó, giá bắp cải giảm 3,24%; đỗ quả tươi giảm 2,14%; khoai tây giảm 1,88%.
Nhu cầu tiêu dùng và sử dụng làm quà biếu tặng tăng trong dịp Tết khiến giá rượu bia tăng 1,66% và theo đó, chỉ số giá nhóm đồ uống và thuốc lá trong tháng 1 tăng 1,12% so với tháng 12/2022.
Tăng mạnh nhất trong rổ chỉ số giá là nhóm giao thông với mức tăng 1,39% so với tháng trước, làm CPI chung tăng 0,13 điểm phần trăm. Nguyên nhân chủ yếu là giá xăng trong nước tăng theo giá nhiên liệu thế giới và mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) được quy định tại Nghị quyết số 30/2022/UBTVQH15 ngày 30/12/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội áp dụng từ ngày 1/1/2023 đến hết ngày 31/12/2023.
Cụ thể, trong tháng giá xăng tăng 2,31% so với tháng trước do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá, trong đó giá xăng A95 tăng 1.450 đồng/lít, giá xăng E5 tăng 1.380 đồng/lít. Ở chiều ngược lại, giá dầu diezen giảm 2,15% so với tháng trước.
Bên cạnh đó, chỉ số giá nhóm phụ tùng cũng tăng 0,48% so với tháng trước; dịch vụ khác đối với phương tiện vận tải cá nhân tăng 0,56%; dịch vụ giao thông công cộng tăng tới 8,81%.
Một số nhóm hàng hóa, dịch vụ khác có chỉ số giá tăng là văn hóa, giải trí và du lịch (tăng 0,42%); thiết bị và đồ dùng gia đình (tăng 0,36%); may mặc, mũ nón, giày dép (tăng 0,62%); hàng hóa và dịch vụ khác (tăng 0,7%). Ngược lại, chỉ số giá nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,12%; giáo dục giảm 0,15%.
Cơ quan thống kê cho hay, do Tết Nguyên đán Quý Mão rơi vào tháng 1 nên nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, giá hàng hóa và dịch vụ tăng theo quy luật tiêu dùng vào dịp Tết; giá xăng dầu trong nước tăng theo giá nhiên liệu thế giới và điều chỉnh theo mức thuế bảo vệ môi trường từ 1/1 là những yếu tố làm cho CPI tăng 0,52% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm 2022, CPI tháng 1 tăng 4,89%; lạm phát cơ bản tăng 5,21%.
Theo Nghị quyết 20/2022/UBTVQH15, mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng (trừ etanol) từ ngày 11/7/2022 đến hết ngày 31/12/2022 còn 1.000 đồng/lít.
Thuế bảo vệ môi trường với xăng (trừ etanol) áp dụng theo Nghị quyết 30/2022/UBTVQH15 kể từ ngày 1/1/2023 đến hết ngày 31/12/2023 là 2.000 đồng/lít.