Chuyên gia Phạm Chi Lan: Điều hành kinh tế năm 2018 phải đoạn tuyệt với “trên nóng, dưới lạnh”

(Dân trí) - Đánh giá thành tựu kinh tế trong năm 2017 với nhiều kết quả đạt được, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, để phát huy hết những “điều làm được”, năm 2018 Việt Nam tiếp tục phải cải cách mạng mẽ, trong đó phải chuyển biến cải cách từ khu vực địa phương, cơ sở để chính sách đi vào cuộc sống, hiện thực hoá tốt hơn.

Dân Trí xin trích đăng cuộc trao đổi ngắn giữa chuyên gia Phạm Chi Lan với báo giới về kinh tế năm 2017 và những dự đoán, đánh giá năm 2018.

Thưa bà, năm 2017 qua đi, cá nhân bà có đánh giá gì về những mặt đạt được của kinh tế Việt Nam trong năm và những đánh giá tích cực của thế giới dành cho Việt Nam?

- Trong năm 2017, Việt Nam đạt được tốc độ tăng trưởng khá cao, tốc độ đó cao hơn kỳ vọng và kế hoạch ban đầu dù năm 2017 có bao nhiêu lo lắng ở trong những nhà kinh tế và các doanh nghiệp vì sợ bối cảnh chung toàn cầu không thuận lợi và trong nước khó khăn sẽ khó đạt được mục tiêu Quốc hội đề ra 6,7%. Và cuối năm đạt được tốc độ tăng trưởng 6,81%, là mức độ cao hơn nhiều so với kỳ vọng ban đầu.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Năm 2017, cố gắng của Chính phủ là rất lớn và rõ rệt trong cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng. Một cách tích cực bằng cách tạo thêm động lực mới cho doanh nghiệp tư nhân trong nước vượt lên. Cố gắng tối đa khắc phục khó khăn đó.

Điều kiện kinh tế toàn cầu 2017 thuận lợi so với chúng ta dự báo ban đầu, thiên tai mức độ thiệt hại không nghiêm trọng. Nhân tố khách quan và chủ quan giúp chúng ta đạt được thành tựu tốt hơn.

Những thành công đã có, những hạn chế vẫn được bộc lộ, dưới góc nhìn của mình, bà có thể chia sẻ bài học cho nền kinh tế Việt Nam năm 2018?

- Chúng ta phải thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa và cơ bản hơn nữa về nỗ lực cải cách của Việt Nam. Kết quả đạt được trong năm 2017, phụ thuộc nhiều về cải cách thể chế trong nước như cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) như cổ phần hóa, thoái vốn.

Năm 2018 chúng ta cần nỗ lực cải cách, một trong những cái còn nợ lại của 2017 là sửa đổi Luật đất đai. Đầu tháng 3/2017, Thủ tướng giao cho một số bộ cùng nhau nghiên cứu, yêu cầu tháng 9 phải trình Chính phủ dự thảo sửa đổi Luật Đất đai. Nhưng đến giờ, chưa thấy, đất đai là điểm nghẽn lớn cho phát triển của Việt Nam.

Thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh đồng bộ và mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt là ở góc độc thực thi. Năm 2017 chúng ta được đánh giá tốt của Diễn đàn Kinh tế thế giới và WB về môi trường kinh doanh phần nhiều là nhờ ban hành các văn bản mới.

Trên thực tế các văn bản đưa ra, giữa văn bản với thực tiễn thực hiện có khoảng cách khá xa. Năm ngoái do các bộ ngành ban hành quy định, năm nay cần phải thúc đẩy mạnh thực thi cam kết của các bộ về thực thi, chấm dứt tình trạng "trên nóng, dưới lạnh".

Các vị lãnh đạo nhìn rõ, cấp trên cải cách mạnh, cả dàn cấp dưới, hàng triệu cán bộ công chức ở trung ương, địa phương chưa cải thiện thực chất cho điều kiện hoạt động kinh doanh của người dân và DN chưa có được nhiều như ta kỳ vọng.

Chính phủ vừa yêu cầu lập đề án điều tra kinh tế ngầm (hay còn được gọi là kinh tế chưa quan sát được), việc làm này góp phần tính toán chính xác tăng trưởng GDP và hiện thực hóa các chính sách điều hành kinh tế, bà đánh giá gì về điều này?

- Đo lường và đưa kinh tế ngầm vào tính toán là cần thiết nhưng không dễ dàng bởi kinh tế ngầm, buôn lậu phi pháp không tính được, các nước cũng vậy.

Thống kê vào nhằm mục đích gì, có những cái khu vực phi chính thức đã thống kê vào kinh tế rồi như hộ kinh doanh gia đình, người ta đóng thuế đầy đủ, tạo công ăn việc làm, đóng góp 31% GDP, muốn đẩy vào khu vực chính thức phải có chính sách để họ vươn lên, thêm nữa cần giải pháp ngăn chặn tham nhũng, tạo động lực lớn duy trì họ hoạt động dễ dàng, lớn mạnh.

Ngành thuế của Việt Nam đang phải bỏ ra 22% đội ngũ thuế để thu thuế khu vực phi chính thức trong khi khu vực này chỉ đóng góp 2% thuế, việc làm này không hiệu quả, thậm chí còn tham nhũng.

Tôi ngại nhất, đưa vào làm GDP to hơn, trần nợ công giảm xuống, tăng thêm nợ công, gánh nặng cho xã hội. Tính thêm vào GDP sẽ vô nghĩa bởi khi tái cơ cấu đầu tư công phải giảm nợ công và giảm cả chi thường xuyên và chi đầu tư của khu vực công.

Năm 2018, ngoại giao kinh tế của Việt Nam đạt được thành công trong vấn đề hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác Toàn điện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và các cơ chế của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam với Liên minh châu Âu (EVFTA), bà có đánh giá gì về vấn đề này?

- CPTPP, EVFTA là cơ hội cải cách thể chế, có những tiêu chuẩn rõ ràng, cải cách đạt chuẩn, chứ không chỉ có một vài bước tiến so với trước đây đã là thành công. Vì vậy, Việt Nam sẽ phải cố gắng vượt lên, cải cách là yêu cầu tự thân cho sự phát triển của mình. Có cam kết hay không vẫn phải làm.

FTA tạo ra nhiều cơ hội nhưng có nắm được cơ hội hay không phục thuộc rất nhiều vào năng lực cạnh tranh của chúng ta, năng lực thể chế phải là số 1, giúp toàn xã hội thúc đẩy cạnh tranh của mình, thúc đẩy các nguồn lực làm chúng ta tăng trưởng bền vững.

Hơn 10 năm về trước, có thể nói thẳng thành tựu đạt khai thác từ WTO không như kỳ vọng, thách thức lớn hơn nhiều so với hình dung ban đầu. Cải cách không như mong muôn, làm cho môi trường kinh doanh rối ren hơn, thể hiện sự suy giảm tăng trưởng sau 1-2 năm.

Trong WTO có 3 cam kết, đối với DNNN đặt doanh nghiệp vào môi trường kinh doanh bình đẳng với DN khác. Tuy nhiên, chúng ta không làm, thậm chí còn ra đời một loạt tập đoàn kinh tế, dồn nhiều ưu đãi, tăng vốn cho nó, cho phép kinh doanh ngoài ngành.

Tăng trưởng xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài là thành tựu đạt được, nhưng cũng nảy sinh thêm nhiều vấn đề nhức nhối như: Hai nền kinh tế trong một quốc gia, khu vực FDI tăng trưởng mạnh, chiếm 72% xuất khẩu, trong khi doanh nghiệp trong nước không phát triển được bao nhiêu, vẫn tiếp tục tình trạng gia công, giảm xuất khẩu…

Năm 2017, khái niệm xây dựng đặc khu kinh tế nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận, ba đặc khu mà Việt Nam mong muốn xây dựng là: Vân Đồn, Vân Phong và Phú Quốc được kỳ vọng sẽ tạo động lực cho phát triển đất nước, cạnh tranh thu hút với các quốc gia khu vực. Dưới góc độ của mình, bà có lời khuyên gì khi phát triển đặc khu thời gian tới?

- Phát triển tốt các đặc khu kinh tế còn tùy thuộc chính sách thực tế đưa ra như thế nào. Tôi ngần ngại khi chính sách hiện nay dường như dành nhiều ưu đãi cho DN FDI đầu tư vào đặc khu hơn như ưu đãi cho thuê đất 99 năm – thời gian quá dài như vậy có nghĩa DN FDI đã có quyền sở hữu mảnh đất đó. Cũng như giảm thuế, tăng ưu đãi cho các dự án đầu tư casino, resort quá lớn.

Lâu nay, chúng ta ngần ngại chưa muốn đầu tư phát triển casino vì có lý do thu hút người nước ngoài vào du lịch để đánh bạc nhưng đằng sau một dự án casino sẽ kéo theo nhiều tệ nạn, hệ lụy đi kèm.

Việt Nam cần công nghệ, cần đẩy mạnh công nghiệp hóa, đầu tư công nghiệp chế biến, chế tạo chứ chúng ta không cần thu hút quá nhiều nguồn lực đầu tư vào casino, resort – đây chỉ là phương tiện dành cho người giàu. Trong khi đó, người nghèo còn chưa tiếp cận được đất đai để ở, doanh nghiệp muốn có đất xây dựng nhà máy chế biến còn khó khăn.

Muốn thu hút nhiều FDI, chúng ta đưa ra nhiều ưu đãi cho những ngành nghề như casino, resort mà không biết rằng điều này làm mất đi động lực doanh nghiệp muốn đầu tư vào công nghệ cao. Như vậy, tăng trưởng kinh tế có thay đổi gì về chất hay chỉ thay đổi về GDP mà không giúp kinh tế Việt Nam tăng trưởng bền vững, cạnh tranh tốt hơn?

Trân trọng cảm ơn chuyên gia!

Nguyễn Tuyền
(Lược ghi)

Chuyên gia Phạm Chi Lan: Điều hành kinh tế năm 2018 phải đoạn tuyệt với “trên nóng, dưới lạnh” - 2