Chuyên gia Lê Xuân Nghĩa: “Lãi suất tăng 1-2%, tôi cũng chạy!”

(Dân trí) - Nguyên Thống đốc Lê Đức Thúy cho biết, trong năm nay, dự báo lãi suất sẽ tăng 1-2% so với mặt bằng năm 2015. Trong khi đó, theo nhận xét của chuyên gia Lê Xuân Nghĩa, nếu để mặt bằng lãi suất tăng thêm 1-2% nữa thì không chỉ doanh nghiệp mà “tôi cũng bỏ chạy”.

Trao đổi tại một hội thảo do Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia tổ chức sáng nay (14/3), ông Lê Đức Thúy – nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, đang có hiện tượng các ngân hàng đứng trước sự gia tăng sức ép thanh khoản.

Theo đánh giá của ông Thúy, lãi suất có chiều hướng tăng từ cuối năm 2015 và hiện vẫn đang trong xu hướng tăng. “Tính toán của chúng tôi cho thấy, dự báo lãi suất sẽ tăng 1%-2% so với mặt bằng năm 2015” – nguyên Thống đốc cho biết.


Nguyên Thống đốc Lê Đức Thúy

Nguyên Thống đốc Lê Đức Thúy

Ông Thúy đặt vấn đề: “Tăng trưởng kinh tế sẽ như thế nào khi lãi suất huy động và lãi suất cho vay đều tăng? Không thể nói là doanh nghiệp có thể mở rộng sản xuất, hay sản xuất tốt hơn, thậm chí là để giữ được mức bình thường như 2015”.

Trao đổi thêm với phóng viên Dân Trí về vấn đề này, TS Nguyễn Đức Thành – Giám đốc Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cũng cho rằng, lãi suất trong năm 2016 không còn cơ hội giảm.

Theo nhận xét của ông Thành, cơ cấu tín dụng cho vay của các ngân hàng đang có vấn đề. Trong khi tăng trưởng tín dụng bất động sản tăng mạnh gần 30% năm vừa qua thì tín dụng cho các lĩnh vực khác chỉ đạt 14% (tức gấp đôi).

Do nguồn tín dụng cho sản xuất trở nên hạn hẹp nên chi phí lãi mà doanh nghiệp phải trả cho ngân hàng trở nên “đắt đỏ” hơn.

Sự mất cân đối này là một vấn đề vì sức khỏe của nền kinh tế “ăn nhau” là ở lĩnh vực sản xuất. Tín dụng không đồng đều, tốc độ tín dụng chảy vào sản xuất ít hơn cho thấy doanh nghiệp chưa phục hồi nên hấp thụ vốn vẫn yếu.

Bởi vậy, lãnh đạo VEPR cho rằng, Chính phủ cần phải có những chính sách nhằm “nắn” dòng tín dụng đi đúng hướng hơn vào sản xuất thay vì chảy vào các kênh tài sản, từ đó mới hỗ trợ được đà tăng trưởng của nền kinh tế mang tính bền vững hơn.

Trả lời phỏng vấn bên lề hội thảo, TS Lê Xuân Nghĩa – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh (BDI) cho rằng, việc thắt chặt tín dụng sẽ làm cho lãi suất tăng lên. Nếu để mặt bằng lãi suất tăng thêm 1-2% nữa thì doanh nghiệp “bỏ chạy”.

Theo ông Nghĩa, bắt đầu đi ra khỏi suy thoái kinh tế, doanh nghiệp hiện vẫn đang “rón rén” bước vào thị trường và “vừa bước vừa run”. Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp kỳ vọng lãi suất sẽ ổn định trong một khoảng thời gian tương đối dài, chính vì vậy, một số doanh nghiệp cũng đã bắt đầu đứng ra đi vay để bỏ vốn đầu tư. Bây giờ lãi suất tăng lên đột ngột, không ít doanh nghiệp sẽ “bỏ chạy” và “ bản thân tôi cũng phải chạy” – vị chuyên gia nói.

Hồi đầu tháng này, ông Bùi Quốc Dũng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cũng đã đưa ra nhận xét, “sang năm 2016, trong bối cảnh thị trường tài chính quốc tế có nhiều biến động theo hướng không thuận lợi, áp lực huy động vốn trái phiếu Chính phủ tiếp tục tăng cao và nhu cầu tín dụng trung dài hạn gia tăng thì áp lực lên mặt bằng lãi suất là rất lớn”.

Bích Diệp

Chuyên gia Lê Xuân Nghĩa: “Lãi suất tăng 1-2%, tôi cũng chạy!” - 2