Chuyên gia Lê Đăng Doanh: Công chức vẫn ra sức bày chiêu trò chặt chém doanh nghiệp
(Dân trí) - Mặc dù Chính phủ có nhiều nỗ lực cải cách và quyết tâm cao cải thiện môi trường đầu tư, song bộ máy thừa hành, địa phương chậm chạp, khiến hiệu quả không cao.
Nhân ngày doanh nhân Việt Nam 13/10, phóng viên Dân Trí có cuộc trao đổi ngắn với chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) về những nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh của Chính phủ và sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam.
Được thừa nhận là khu vực kinh tế quan trọng không thể thiếu của đất nước, song khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam thời gian qua vẫn phát triển dưới tầm, chỉ một số ít doanh nghiệp lớn thực sự so với phần còn lại, theo ông nguyên nhân do đâu?
- Mặc dù Chính phủ có nỗ lực lớn trong cải cách và tạo lập môi trường kinh doanh tự do song dường như mọi việc mới chỉ dừng lại ở chính sách, mệnh lệnh hành chính mà hiệu quả chuyển biến chưa cao.
Tác động cải cách khá chậm, tôi phải nói thẳng là nguyên nhân do tiền lương công chức không đủ sống nên thay vì đơn vị hành chính phục vụ doanh nghiệp, những người làm hành chính lại cản trở doanh nghiệp bằng nhiều cách khác nhau.
Bởi thế nên phát sinh tình trạng công chức ra sức bày chiêu trò chặt chém doanh nghiệp để làm giàu cho mình. Chúng ta thấy đánh giá cảm nhận tham nhũng quốc tế đối với Việt Nam, chúng ta vẫn bị đánh giá 3/5, đây vẫn là tiêu chí ảnh hưởng đến sự minh bạch của nền kinh tế khi tham gia nhiều sân chơi tự do hóa toàn cầu.
Công khai minh bạch của Việt Nam hiện giờ khá kém. Luật Ngân sách của Việt Nam công khai nhưng khá chung chung, chúng ta mới chỉ công khai các khoản chi tiêu ngân sách như đầu tư công năm nay bao nhiêu, chi thường xuyên, trả nợ và đầu tư thế nào...
Theo ông thì vấn đề minh bạch ngân sách, đặc biệt chi tiêu của bộ ngành, địa phương, thậm chí cơ quan của Chính phủ, Nhà nước cũng cần minh bạch để giám sát từ đó tạo hiệu ứng lan tỏa xã hội?
- Chung chung thì không rõ nguyên do và không tìm ra nguyên nhân. Tôi liên tưởng chính sách minh bạch thu, chi ngân sách của nước Pháp, Thụy Điển, họ công khai minh bạch về ngân sách rất rõ ràng cả ở người đứng đầu.
Bộ Tài chính Thụy Điển công khai ghi tới 2.200 trang, Bộ Tài chính Pháp công khai ngân sách ghi hơn 1.964 trang ghi rất rõ những chi tiêu rất cụ thể của quan chức Chính phủ, bộ ngành và địa phương để người dân và doanh nghiệp giám sát hiệu quả.
Trong thu chi ngân sách quốc gia, ngoài các yếu tố mật, tuyệt mật liên quan đến an ninh, quốc phòng, nguyên thủ... Những vấn đề liên quan thương mại, tiêu dùng như vé máy bay cho chuyến đi của quan chức giá bao nhiêu, mời ai ăn, số tiền có vượt quá hay không? Nếu vượt quá số tiền đó phải do quan chức chi trả nếu không người dân có quyền kiện...
Các nước khác, như Mỹ, khách nước ngoài đến biếu Chính phủ quà thì phải mang về nộp cho ngân khố, đánh giá bao nhiêu tiền, sau đó nếu người lãnh đạo đó có tiền thì mới được mua đem về, còn không thì ngân sách sẽ giữ lại để đấu giá.
Ngoài môi trường kinh doanh chậm được cải cách, có nhiều chuyên gia cho hay chúng ta chưa có thống kê chính xác về doanh nghiệp tư nhân, thậm chí có bộ phận hộ gia đình không muốn lên doanh nghiệp?
- Hiện nay, doanh nghiệp tư nhân theo thống kê đóng góp 9,2% GDP, kinh tế hộ gia đình chiếm 32% đơn vị kinh tế song sự đóng góp của doanh nghiệp này vào thuế, ngân sách và GDP chưa được đo đếm.
Trong Luật Kinh doanh quy định: cá nhân, tổ chức tạo ra việc làm của 10 người thì phải kê khai, thành lập doanh nghiệp. Nhưng bây giờ ta thử xem ngay ở Hà Nội, rất nhiều chỗ tạo ra việc làm cho hàng chục người nhưng vẫn không muốn lên doanh nghiệp.
Gỗ Đồng Kỵ, xuất khẩu, có những doanh nghiệp xuất khẩu đạt 150 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho 300 người. Nhiều doanh nghiệp lớn làm dưới "mác" hộ gia đình, mà hộ gia đình thì nộp thuế khoán (thương lượng người nộp thuế).
Họ tạo ra sản phẩm rất lớn nhưng không đóng góp gì. Hộ gia đình chiếm hơn 32% đơn vị kinh tế nhưng thu ngân sách thu được tiền thuế của họ bao nhiêu? Cơ quan thống kê không có con số. Họ nói họ nộp nhiều nhưng không đến tay Nhà nước.
Theo như ông nói, vậy rõ ràng có một bộ phận doanh nghiệp không muốn lớn mạnh, không muốn gia nhập thị trường trở thành kinh tế chính thức? Nếu đó là sự thật, thì đây là xu thế ngược của sự phát triển?
- Họ lớn, tuyên bố thành lập doanh nghiệp sẽ có nhiều cái lợi, nhưng đặt trong bối cảnh họ được môi trường tốt, địa phương tốt và ngành nghề lĩnh vực làm ăn thuận lợi.
Thực tế thời gian qua, nhiều hoạt động thanh kiểm tra doanh nghiệp, các cuộc tiếp xúc đoàn thể liên miên khiến doanh nghiệp mệt mỏi. Càng lớn, càng bị soi mói, khó bảo vệ.
Bản thân các hộ gia đình cũng thiếu các chuẩn mực về hành chính như văn phòng, tiêu chuẩn lập duy trì doanh nghiệp, thói quen thương mại như hỗ trợ từ luật sư, pháp lý... nên dễ bị gặp khó khi lên doanh nghiệp, trong khi các hỗ trợ từ cơ quan địa phương, bộ ngành chỗ cần không có, chỗ có lại doanh nghiệp họ không cần.
Thực tế, có nhiều doanh nghiệp Việt vẫn chủ yếu đầu tư, kinh doanh kiểu thân quen, dựa bóng vào tầm ảnh hưởng nhóm lợi ích đặc biệt lợi ích cục bộ địa phương, ngành, bộ....
Doanh nghiệp Việt vẫn đổ nhiều tiền để nuôi ô dù, thậm chí có người mẹ của quan chức đi nằm viện, lãnh đạo doanh nghiệp xếp hàng đến thăm.
Xin trân trọng cảm ơn chuyên gia!
Nguyễn Tuyền
(Thực hiện)