Bà Phạm Chi Lan: "Vài năm đợi bỏ điều kiện kinh doanh đủ giết hàng vạn doanh nghiệp"
(Dân trí) - Bà Phạm Chi Lan cho rằng, có thể mất 2 năm, thậm chí 3, 4 năm hoặc hơn để ra được một Nghị định hoặc quy định về bãi bỏ điều kiện kinh doanh. Tuy nhiên, điều đáng nói, thời gian vài năm chờ đợi này cũng đủ giết hàng vạn doanh nghiệp.
Chia buồn với những doanh nghiệp phải "ra đi"
Phát biểu tại Hội thảo "Điểm lại pháp luật kinh doanh 6 tháng đầu năm 2018" chiều qua (31/7), chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói: "Chúng ta đã nghe rất nhiều lời cảm ơn của các doanh nghiệp vì đã giải tỏa được rào cản này, rào cản khác nhưng chưa ai lên tiếng chia buồn với các doanh nghiệp phải ra đi trước khi những điều kiện, rào cản này được cải thiện".
Bà Lan cho rằng, có thể mất 2 năm, thậm chí 3, 4 năm hoặc hơn để ra được một Nghị định hoặc quy định về bãi bỏ điều kiện kinh doanh. Tuy nhiên, điều đáng nói, thời gian vài năm chờ đợi này cũng đủ giết hàng vạn doanh nghiệp.
Dẫn con số thực tế, bà Lan cho hay, riêng 6 tháng đầu năm 2018, số doanh nghiệp đăng ký mới là 64.531, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng con số doanh nghiệp dừng hoạt động lên tới 52.803, tăng tới 34,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
"Chưa bao giờ khoảng cách giữa 2 con số nêu trên lớn như bây giờ, số doanh nghiệp dừng hoạt động bằng 80% số doanh nghiệp mới ra đời. Tôi vẫn nói rằng số doanh nghiệp chết là chết thật, còn số đăng ký mới thì chưa biết bao giờ mới hoạt động", bà nhấn mạnh.
Bà cũng dẫn số liệu thống kê việc làm mới được tạo ra trong quý II/2018 dừng lại ở con số 283.000, giảm 17% so với quý cùng kỳ năm ngoái.
"Cùng với việc doanh nghiệp dừng hoạt động, nhiều công ăn việc làm mất đi. Chưa cần tới những thách thức như Cách mạng công nghiệp 4.0, các FTA, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung thì những thách thức trong nước cũng đủ làm doanh nghiệp chết, hàng vạn người lao động không có việc làm mới rồi”, bà Chi Lan nói.
"Buông lớn - nắm nhỏ"
Bà Lan cho rằng, môi trường kinh doanh quyết định 50% việc doanh nghiệp có tồn tại, phát triển được hay không.
"Tại sao lại khó khăn, lằng nhằng tới thế trong việc thay đổi những điều vô lý tồn tại bao nhiêu năm? Tôi nghĩ tư duy vẫn là vấn đề lớn. Xuyên suốt trong tư duy của nhiều người làm công tác quản lý Nhà nước hiện nay vẫn mặc định cho rằng: Đã là doanh nghiệp thì có vi phạm, đã làm thế nào cũng sai, cho nên phải kiểm soát để tránh cái sai đó. Vì vậy, họ đặt ra rất nhiều điều kiện để kiểm soát", bà Lan bày tỏ.
Theo đó bà cho rằng, Việt Nam đang đi ngược lại nguyên lý bình thường của quản lý Nhà nước của các nước. Ở nhiều nước, Nhà nước chỉ quản lý, kiểm soát khu vực lớn nhất là khu vực kinh tế Nhà nước, khu vực sử dụng nhiều tài sản nhất của Nhà nước.
"Ở các nước người ta buông nhỏ - nắm lớn nhưng ở Việt Nam, sự giám sát với DNNN hết sức lỏng lẻo, nên mất mát đối với nền kinh tế rất lớn, đó là buông lớn - nắm nhỏ”, bà nói.
Mỗi năm ban hành hàng chục ngàn quy định
Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, trung bình, mỗi năm các cơ quan nhà nước trung ương ban hành trên dưới 1.000 văn bản quy phạm pháp luật và khoảng 50% số văn bản này có liên quan đến hoạt động kinh doanh. Trong đó, có từ 10-20 luật, khoảng 200 nghị định và quyết định của Thủ tướng, còn lại là thông tư của các bộ và cơ quan ngang bộ.
"Mỗi văn bản đó lại có hàng chục, thậm chí hàng trăm quy định. Như vậy, chỉ trong vòng 6 tháng, chính quyền trung ương có thể đưa ra hàng chục ngàn quy định có tác động đến các doanh nghiệp. Tại Quốc hội tôi đã từng phát biểu con đường dài nhất Việt Nam không phải từ Mục Nam Quan đến Mũi Cà Mau mà là từ lời nói đến hành động", Chủ tịch VCCI phát biểu.
Đánh giá về tình hình cắt giảm điều kiện kinh doanh, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho rằng, những hành động để hiện thực hóa quyết tâm cải cách thể chế trong 6 tháng đầu năm 2018 rất phong phú. Theo đó, chính sách pháp luật về kinh doanh có sự thay đổi khá lớn, phần lớn các bộ, ngành đều đã đưa ra phương án cắt giảm, với tỷ lệ các điều kiện kinh doanh cắt giảm, bãi bỏ có thể lên tới ít nhất 50%.
Mặc dù vậy, trên thực tế, tình trạng lạm dụng các điều kiện kinh doanh, đặt ra các yêu cầu không cần thiết hoặc vượt quá mục tiêu kiểm soát rủi ro, diễn ra khá phổ biến. Điều này dẫn tới hệ quả hoạt động kinh doanh bị cản trở, bị can thiệp quá mức, việc gia nhập thị trường và cạnh tranh trên thị trường bị bóp méo, trong khi các lợi ích công cộng vẫn không được bảo vệ.
"Các điều kiện kinh doanh thiếu rõ ràng, phụ thuộc ý chí chủ quan của cơ quan có thẩm quyền quản lý, cấp phép cũng tạo ra dư địa cho nhũng nhiều, hối lộ. Mặc dù các phương án cắt giảm đều đã đạt được mục tiêu nhưng khi xem xét chi tiết hơn của từng phương án thì đôi khi “con số chỉ là con số”, ông Tuấn cho biết.
Phương Dung