Bình Định:

Chuyên gia hiến kế đưa gà ta "xuất ngoại"

Doãn Công

(Dân trí) - Chăn nuôi gia cầm nói chung và nuôi gà nói riêng đang đứng trước cơ hội gia tăng cả về số lượng và chất lượng. Nhưng hiện nay quy mô sản xuất nhỏ lẻ, sức cạnh tranh yếu, dịch bệnh… đang là thách thức.

Chuyên gia hiến kế đưa gà ta xuất ngoại - 1
600 đại biểu tham gia hội thảo để tìm giải pháp nâng tầm chất lượng gà ta tại Bình Định.

Cơ hội và thách thức

Nằm trong chuỗi sự kiện quảng bá sản phẩm gà năm 2020 trên phạm vi toàn quốc, ngày 24/7, tại TP Quy Nhơn (Bình Định), Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh Bình Định tổ chức Hội thảo nâng cao chất lượng và hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi gia cầm.

Trên 600 đại biểu là lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi gà lớn ở Bình Định, TPHCM và cả nước đã đăng ký trưng bày nhiều gian hàng, quảng bá các sản phẩm, tư liệu về gia cầm.

Chuyên gia hiến kế đưa gà ta xuất ngoại - 2
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến tham quan các gian hàng quảng bá các sản phẩm từ gà.

Tại hội thảo, đại diện Cục Chăn nuôi, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản… nêu lên thực trạng chăn nuôi gia cầm, định hướng phát triển; giải pháp tiêu thụ sản phẩm gia cầm, cơ hội và thách thức; mô hình chăn nuôi gia cầm hiệu quả; xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm.

Theo Cục Chăn nuôi, cơ hội phát triển chăn nuôi gia cầm đang đứng trước cơ hội lớn để phát triển kể cả số lượng và chất lượng, bởi nhu cầu tiêu dùng trong nước về thịt ngày càng tăng cao. Việt Nam đang sở hữu các giống gia cầm có chất lượng cao, có một số giống đạt năng suất cao nhất thế giới…

Chuyên gia hiến kế đưa gà ta xuất ngoại - 3
Các chủ trang trại đến thăm quan để học hỏi kinh nghiệm.

Tuy nhiên, thách thức hiện nay là quy mô sản xuất nhỏ lẻ, tận dụng; nguy cơ dịch bệnh, nhận thức người chăn nuôi còn hạn chế về các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng của người dân chủ yếu theo kinh nghiệm…

TS Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Việt Nam, cho rằng cơ hội đối với ngành gia cầm Việt Nam khi tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (gọi tắt là CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (gọi tắt là EVFTA) sẽ thu hút đầu tư, tiếp cận công nghệ và trình độ quản trị doanh nghiệp hiện đại; có thể mở rộng thị trường xuất khẩu thịt, trứng; tham gia chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu…

Tuy nhiên, ngành gia cầm Việt Nam cũng đang đứng trước thách thức lớn, đó là khả năng cạnh tranh của ngành gia cầm Việt Nam còn thấp. Ngoại trừ một số doanh nghiệp sản xuất gia cầm quy mô lớn, đầu tư công nghệ hiện đại, đạt năng suất tương đối cao, có khả năng cạnh tranh thì đa số cơ sở sản xuất gia cầm ở nước ta vẫn là quy mô vừa và nhỏ, năng suất thấp, giá thành cao, cạnh tranh yếu.

Chuyên gia hiến kế đưa gà ta xuất ngoại - 4

Bình Định có 2 doanh nghiệp chăn nuôi lớn, mỗi năm xuất ra gần 100 triệu con gà giống, cung ứng cho các thị trường khắp cả nước.

Thách thức không nhỏ là vấn đề dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm và ô nhiễm môi trường; cạnh tranh gay gắt với thị trường nội địa; hàng rào phi thuế quan.

“Để ngành gia cầm Việt Nam nâng cao chất lượng và hiệu quả kinh tế cần phải hoàn thiện thể chế, chính sách; điều chỉnh chiến lược phát triển ngành gia cầm; tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại…”, ông Sơn đưa ra giải pháp.

Chăn nuôi theo chuỗi khép kín

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến chia sẻ, ngành nông nghiệp của Việt Nam đang đối diện với nhiều thách thức, như: hạn hán, thiên tai bão lụt và dịch bệnh. Tuy nhiên, những năm qua, chúng ta đã nỗ lực duy trì mốc tăng trưởng ổn định để xứng đáng làm trụ đỡ của nền kinh tế.

Riêng đối với ngành chăn nuôi gia cầm, các địa phương cần tiếp tục duy trì chăn nuôi theo chuỗi liên kết khép kín bền vững, hướng đến chế biến và chế biến sâu, cần chú trọng đến các giống gà bản địa...

Chuyên gia hiến kế đưa gà ta xuất ngoại - 5

Các đại biểu, người dân được thưởng thức các món ăn chế biến từ thịt và trứng gà.

“Sự kiện quảng bá sản phẩm gà năm 2020 là cơ hội để các doanh nghiệp giao lưu, tìm hiểu, quảng bá thương hiệu và ký hợp tác liên kết sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm gà. Đây cũng là dịp để các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp có điều kiện trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần nâng cao giá trị, thúc đẩy ngành chăn nuôi cả nước phát triển bền vững”, ông Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết thêm, trong chiến lược phát triển chăn nuôi 2020-2030 và tầm nhìn 2040 tới đây của cả nước, chăn nuôi gia cầm sẽ được chú ý, thúc đẩy nhanh theo cả 2 hướng thịt và trứng. Đáng chú ý, cả nước sẽ chú trọng tập trung vào các giống gà bản địa, đặc sản có chất lượng cao. Phấn đấu đến năm 2030 tỷ trọng thịt gia cầm chiếm 28-30%, trong đó thịt gà chiếm 21-23% trong tổng sản lượng thịt các loại và 22 - 23 tỷ trứng.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Bình Định hiện có 2 trang trại gà "hạt nhân" của cả nước là Minh Dư, Cao Khanh; mỗi năm xuất ra gần 100 triệu con gà giống, cung ứng cho các thị trường miền Trung, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên... Với những lợi thế trên, Bình Định có đủ tiềm năng để phát triển thành tỉnh trọng điểm về chăn nuôi gia cầm với quy mô 100 triệu con.

Chuyên gia hiến kế đưa gà ta xuất ngoại - 6
Các doanh nghiệp ký kết hợp đồng mua bán gà giống, thịt gà, thuốc thú y, thực hiện liên kết chuỗi sản xuất, chế biến thịt gà với tổng trị giá 3.319 tỷ đồng.

Đặc biệt, tại sự kiện này các doanh nghiệp tại Bình Định, khu vực Nam Trung bộ và TPHCM đã đi đến thỏa thuận, ký kết với nhau nhiều hợp đồng liên kết, hợp tác chăn nuôi, cung ứng gà giống, trứng và thịt gà với kinh phí hàng ngàn tỷ đồng.