1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Chuyên gia hiến kế để kinh tế TPHCM sớm "khỏe lại" sau dịch

Việt Đức

(Dân trí) - Theo nhóm nghiên cứu từ Đại học Kinh tế - Luật, cần tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM từ 18% lên 23% từ năm 2022, đồng thời nâng trần nợ công cho thành phố để có nguồn lực đầu tư sau đại dịch.

Trong bản khuyến nghị chính sách "Kiến tạo động lực phục hồi kinh tế TPHCM" vừa được Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TPHCM) công bố, nhóm nghiên cứu cho rằng tốc độ hồi phục kinh tế của TPHCM sau đại dịch sẽ phụ thuộc lớn vào tốc độ, quy mô của động lực hỗ trợ từ Chính phủ. 

Nhấn mạnh tổn thương nghiêm trọng nền kinh tế của TPHCM phải chịu đựng trong làn sóng dịch Covid-19 lần 4, nhóm nghiên cứu khẳng định sự hỗ trợ nguồn lực từ ngân sách Trung ương đóng vai trò then chốt, bao gồm cả các hỗ trợ tức thời trong ngắn hạn, mang tính cấu trúc khi kết thúc giãn cách và tiếp tục kéo dài trong trung hạn. 

Chuyên gia hiến kế để kinh tế TPHCM sớm khỏe lại sau dịch - 1

Chuyên gia đánh giá TPHCM đang chịu tổn thương nghiêm trọng về kinh tế vì dịch Covid-19 và cần nhiều động lực để sớm phục hồi (Ảnh: Hải Long).

Các chuyên gia đến từ Đại học Kinh tế - Luật đề xuất Quốc hội, Chính phủ áp dụng cơ chế đặc thù để kiến tạo động lực cho TPHCM nhằm giúp quá trình hồi phục kinh tế của thành phố diễn ra nhanh nhất có thể, tạo tác động lan tỏa kéo theo tăng trưởng của vùng kinh tế động lực phía Nam và cả nước. 

Ưu tiên trước mắt theo nhóm nghiên cứu là việc nhanh chóng bổ sung nguồn từ Ngân sách Trung ương hỗ trợ TPHCM chi cho gói hỗ trợ an sinh xã hội. Đây là nhu cầu bức thiết, không chỉ mang lại hiệu quả tức thời mà còn giúp làm giảm gánh nặng xã hội trong giai đoạn phục hồi sau giãn cách. 

Giải pháp tiếp theo là phát hành trái phiếu Chính phủ trong điều kiện lãi suất đang ở mức thấp. Nguồn vốn từ việc phát hành trái phiếu có thể chuyển giao cho TPHCM sử dụng. Thành phố có trách nhiệm trả lãi vay. Việc này hoàn toàn khả thi với TPHCM, đem lại hiệu quả đầu tư. 

Ngoài ra, nhóm nghiên cứu kiến nghị tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM từ 18% lên 23% từ năm 2022, đồng thời nâng trần nợ công cho thành phố. Đây là điều kiện giúp TPHCM có thể phát hành trái phiếu chính quyền có nguồn lực cho đầu tư phát triển. 

Chuyên gia hiến kế để kinh tế TPHCM sớm khỏe lại sau dịch - 2

Tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách được xem là một trong những động lực giúp TPHCM hồi phục kinh tế (Ảnh: Tiến Tuấn).

Song song với chính sách hỗ trợ từ Trung ương, TPHCM cần kiến tạo động lực thông qua tái cấu trúc ngân sách 2021-2022, thiết lập chương trình kích cầu mới, chú trọng đến tốc độ chuyển đổi số và gia tăng sự bền vững trong liên kết vùng, cùng với các chính sách hỗ trợ mang tính tức thời cho cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp bị tổn thương nặng trong giai đoạn giãn cách. 

Nhóm nghiên cứu của Đại học Kinh tế - Luật lưu ý quá trình hồi phục diễn ra trong thời gian dài hơn so với giai đoạn giãn cách vừa qua, do đó cần đảm bảo cơ chế quản lý hiệu quả mang tính bao trùm từ Trung ương đến vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trước hết là các tỉnh giáp ranh với TPHCM và đặc biệt là ngay trên địa bàn thành phố. 

Trong đó, cần đặc biệt lưu ý đến vai trò điều phối chính sách phục hồi kinh tế phải gắn đồng bộ với các chính sách khác như an sinh xã hội, y tế, phòng chống dịch, tiêm vắc xin, lao động việc làm, giao thông vận tải, giáo dục đào tạo thống nhất, xuyên suốt từ nhận thức đến thực thi từ cấp cơ sở thấp nhất là phường, xã đến quận, huyện, thành phố, tỉnh và cả nước.

"Kinh nghiệm từ các quốc gia cho thấy kiến tạo động lực phục hồi kinh tế cần cả sự phối hợp theo chiều ngang (giữa các bộ, ngành) và sự phối hợp theo chiều dọc (giữa các cấp chính quyền) mới có thể đảm bảo sự cân bằng, đem lại hiệu quả", nhóm nghiên cứu kết luận.