1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Chuyên gia: Doanh nghiệp không thể an toàn khi hệ thống pháp lý kém hiệu quả

(Dân trí) - "Chúng ta vẫn chưa đạt đến những chuẩn mực tiên tiến hàng đầu trong khu vực và thế giới. Có thể nói môi trường kinh doanh trong nước vẫn chưa thật sự thuận tiện, thiếu tính an toàn, thủ tục hành chính vẫn còn gây phiền hà, chi phí chính thức và không chính thức vẫn còn rất lớn".

Đây là khẳng định của TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) xung quanh chủ đề phát triển kinh tế tư nhân tại Việt Nam, cơ hội và thách thức dự kiến nằm trong chương trình thảo luận chuyên sâu của Diễn đàn Phát triển kinh tế tư nhân 2019 sẽ diễn ra ngày 2/5/2019 tại Hà Nội.

Chuyên gia: Doanh nghiệp không thể an toàn khi hệ thống pháp lý kém hiệu quả - 1

Kinh tế tư nhân Việt Nam còn cần nhiều hỗ trợ, chính sách phát triển và hệ thống pháp luật trong thời gian tới

Chia sẻ với báo chí, khá nhiều chuyên gia, doanh nghiệp thụ hưởng chính sách có những đánh giá toàn diện về kinh tế tư nhân, đưa ra lời khuyên về chính sách phát triển, hướng đi cho nền kinh tế.

PGS.TS Nguyễn Trọng Điều, Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam cho biết: Môi trường kinh doanh ở Việt Nam hiện nay là khá hấp dẫn và chuyển biến tích cực cho đầu tư và kinh doanh. Tuy nhiên, về chủ quan, doanh nhân, doanh nghiệp nước ta còn non trẻ, mục tiêu kinh doanh của họ là tối đa hóa lợi nhuận. Vì vậy, thậm chí có người tối đa hóa lợi nhuận bằng mọi cách như gian lận, cạnh tranh không lành mạnh, trốn thuế...

Ông Điều đề xuất, cần nhanh chóng xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh doanh minh bạch, công bằng, lành mạnh, rõ ràng, một hệ thống thủ tục hành chính đơn giản, thuận tiện cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, theo ông Điều, Nhà nước cần đẩy mạnh hơn nữa việc tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân. Những việc gì mà doanh nghiệp tư nhân làm tốt nên để cho doanh nghiệp tư nhân được tham gia.

"Nhà nước cần có chính sách công bằng đối với các doanh nghiệp kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam, tránh tình trạng ưu ái cho các doanh nghiệp FDI hơn các doanh nghiệp trong nước. Chỉ có như vậy mới tạo ra sự cạnh tranh bình đẳng và các doanh nghiệp tư nhân trong nước mới phát triển được", Chủ tịch hội doanh nhân tư nhân Việt Nam nói.

Theo TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI: Đến thời điểm hiện nay, chúng ta đã có rất nhiều nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và đã có những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên trong tương quan so sánh với khu vực và thế giới thì môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam còn khá nhiều bất cập.

"Chúng ta vẫn chưa đạt đến những chuẩn mực tiên tiến hàng đầu trong khu vực và thế giới. Có thể nói môi trường kinh doanh trong nước vẫn chưa thật sự thuận tiện, thiếu tính an toàn, thủ tục hành chính vẫn còn gây phiền hà, chi phí chính thức và không chính thức vẫn còn rất lớn", Ông Lộc nói.

Theo ông này, doanh nghiệp không thể có những hoạt động đầu tư kinh doanh thuận lợi và an toàn khi mà hệ thống thiết chế pháp lý vẫn đang kém hiệu quả. Đây chính là những rào cản đối với hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân.

Chính vì vậy, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu thời gian tới là khắc phục được điểm nghẽn trong vấn đề thể chế nêu trên nhằm tạo ra một môi trường kinh doanh đủ minh bạch, thuận lợi và an toàn cho doanh nghiệp.

Ông Ngô Tuấn Anh, Tập đoàn BKAV nói: Về cải cách, chúng ta đánh giá cần có một lộ trình, nhưng không thể chờ mãi, cần sự chung tay của tất cả các bên từ cấp cao nhất đến cấp thành phố, đơn vị quản lý trực tiếp DN cần nâng cao ý thức cung cấp dịch vụ cho DN..

"Hiện doanh nghiệp khi sử dụng dịch vụ hành chính công nếu thấy bất cập cần có tiếng nói để có điều chỉnh. Với sự quyết tâm của cả 2 phía thì chúng ta sẽ dần giảm thiểu thủ tục để sản xuất kinh doanh phát triển", đại diện BKAV nói.

Theo ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban kinh tế trung ương: Tại Nghị quyết số 10 của Đảng, phát triển kinh tế tư nhân được coi là một nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa thường xuyên trong suốt quá trình phát triển. Khu vực này được coi là một phương thức quan trọng để giải phóng sức lao động, sản xuất, để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển.

"Mỗi thành phần kinh tế đều có vị trí, vai trò, chức năng riêng của mình trong tổng thể nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Bên cạnh việc xóa bỏ mọi rào cản, mọi định kiến và tạo mọi điều kiện để kinh tế tư nhân phát triển lành mạnh thì việc kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đầy lùi các biểu hiện tiêu cực của kinh tế tư nhân như chủ nghĩa tư bản thân hữu, lợi ích nhóm hay thao túng chính sách, cạnh tranh không bình đẳng dẫn tới trục lợi", ông Bình nói.

Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam năm 2019 sẽ được tổ chức vào ngày 2/5 tại Hà Nội, sự kiện có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ, nhiều lãnh đạo Chính phủ, Bộ trưởng, chuyên gia và hơn 4.300 doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước. Diễn đàn là nơi đối thoại, gặp gỡ và chia sẻ giữa đại diện Chính phủ, chuyên gia và doanh nghiệp, nói lên tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp. Đây là sự kiện thường niên được Chính phủ, Ban Kinh tế Trung ương chủ trì tổ chức. 

Nguyễn Tuyền