1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Chuyên gia đau đầu tìm lý do khiến giá vàng tăng dựng đứng

Huỳnh Anh

(Dân trí) - Giá vàng những phiên giao dịch gần đây tăng cao, hướng tới mốc cao nhất mọi thời đại. Giới chuyên gia tỏ ra bối rối trước đà tăng phi mã của kim loại quý.

Tính tới phiên ngày 9/4, giá vàng thế giới đã có 7 phiên liên tiếp lập đỉnh và chạm 2.365 USD/ounce. Từ đầu năm, kim loại quý này đã tăng hơn 16%. 

Các chuyên gia cho rằng đợt tăng lần này có nhiều nguyên nhân. Đó là bất ổn địa chính trị, lực mua của các ngân hàng trung ương và kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất năm nay.

Theo một báo cáo nghiên cứu mới đây của công ty nghiên cứu kinh tế Capital Economics, các nhà đầu tư Trung Quốc đang tìm đến vàng như một tài sản thay thế trong bối cảnh giá bất động sản và giá cổ phiếu sụt giảm.

Ông Ernest Hoffman, chuyên gia phân tích thị trường của Kitco News, cho rằng sự phục hồi của vàng lên mức cao nhất mọi thời đại thậm chí còn khiến các chuyên gia dày dạn kinh nghiệm trong ngành phải "đau đầu" tìm nguyên nhân thực sự.

Bà Ewa Manthey, chiến lược gia hàng hóa tại ngân hàng ING, tin rằng đà tăng của vàng đang được thúc đẩy bởi sự kết hợp giữa kỳ vọng cắt giảm lãi suất và bất ổn địa chính trị.

"Suy đoán về quyết định lãi suất của Fed và căng thẳng địa chính trị tiếp tục khiến vàng tỏa sáng. Chúng tôi kỳ vọng giá vàng sẽ giao dịch cao hơn trong năm nay do nhu cầu trú ẩn an toàn tiếp tục được hỗ trợ trong bối cảnh bất ổn địa chính trị với các cuộc chiến tranh đang diễn ra và cuộc bầu cử Mỹ sắp tới", bà Ewa Manthey chia sẻ với Kitco News.

Chuyên gia đau đầu tìm lý do khiến giá vàng tăng dựng đứng - 1

Giá vàng thế giới liên tục tăng mạnh trong thời gian qua (Ảnh: Trading Economics).

Ngân hàng UBS cũng cho rằng kỳ vọng Fed hạ lãi suất vẫn là lực đẩy chính cho vàng. Giá vàng thường diễn biến ngược chiều với lãi suất, do kim loại quý không trả lãi cố định. Vì thế, khi lãi suất tăng, nhà đầu tư sẽ bị thu hút bởi các kênh đầu tư cho lợi nhuận cao hơn, như trái phiếu.

Trong bài phát biểu hôm 3/4, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết cuộc chiến chống lạm phát vẫn còn gập ghềnh. Dù vậy, Fed cho rằng việc giảm lãi suất để tái cân bằng nền kinh tế vẫn diễn ra trong năm nay.

Bên cạnh đó, sức mua của các ngân hàng trung ương cũng hỗ trợ giá vàng đi lên. Báo cáo của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cũng cho thấy trong 2 tháng đầu năm, các ngân hàng trung ương toàn cầu tiếp tục mua vàng.

Trung Quốc có lượng mua ròng lớn nhất thế giới, theo sau là Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ. Ngân hàng Trung ương Nga cũng tăng tốc tích trữ vàng từ sau chiến sự Nga - Ukraine.

WGC nhận định vàng là thành phần quan trọng trong khối dự trữ của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu, nhờ tính an toàn, thanh khoản cao và có thể sinh lời. Các cơ quan này cũng là nhóm nắm giữ vàng lớn của thế giới, chiếm 20% lượng vàng được khai thác trên toàn cầu.

Các ngân hàng trung ương đã tăng mua vàng từ năm 2022. Trong báo cáo Nhu cầu xu hướng vàng năm 2023, WGC cho biết lượng mua từ các nhà băng vượt 1.000 tấn và là năm thứ hai liên tiếp nhóm này mua trên 1.000 tấn vàng.

Theo nhiều nhà phân tích, nhu cầu của các ngân hàng trung ương là yếu tố chính giúp kim loại quý giữ được ngưỡng hỗ trợ 2.000 USD vài tháng qua.

"Các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục tăng mua vàng bởi việc dự trữ tiền tệ các nước khác ngày càng ít ý nghĩa", Ryan McIntyre, Giám đốc công ty quản lý tài sản Sprott, chia sẻ với Kitco News.

Trước đó, các chuyên gia phân tích tại Ngân hàng Citi cho rằng vàng có thể lên 3.000 USD/ounce trong năm tới. Tuy nhiên, với các diễn biến gần đây, giới chuyên môn nhìn nhận kim loại quý có thể cán mốc này sớm hơn dự báo.

Theo Kitco, Reuters

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm