Chuyện con cá tra: Doanh nghiệp “mắc cạn”, công nhân điêu đứng

(Dân trí) - Thời điểm này, số doanh nghiệp chế biến từ 30 - 40% công suất điếm trên đầu ngón tay, điều này đồng nghĩa với “túi tiền” của công nhân cũng teo tóp theo. Và để sống được, công nhân phải “thắt lưng buộc bụng”, chờ doanh nghiệp hồi sinh.

Đời sống công nhân ngày một “teo tóp”

Khi ngành cá tra gặp nạn, không chỉ doanh nghiệp chế biến và người nuôi cá tra kêu khổ mà hàng ngàn công nhân đang làm việc tại các nhà máy chế biến cá tra cũng “than trời” vì tiền lương liên tục giảm, đời sống công nhân ngày một “teo tóp”.

Tại KCN Trà Nóc Cần Thơ, chị Nguyễn Thị Lan – đang làm việc tại công ty T.M cho biết: “Lúc trước hai vợ chồng còn ra ngoài ăn sáng trước khi đi làm, còn bây giờ thì rang cơm ăn cho đỡ tốn kém. Nhưng ngán nhất là mỗi lần đi chợ, cầm 100.000 trong tay chưa mua được gì đã hết vèo! Bởi thế, chỉ có rau, đậu hũ là hợp với túi tiền của mình, chẳng dám ngó tới các hàng thịt, hàng cá!”

Theo chị Lan, hai vợ chồng đều làm công nhân tại công ty T.M, hơn 1 tháng nay công ty liên tục giảm công suất chế biến, vì thế từ mức lương 3.000.000 – 4.000.000 đồng/tháng, nay đã giảm còn một nửa, thậm chí có tháng hai vợ chồng chỉ lãnh có 3.000.000 đồng. Với số tiền này, vợ chồng chị Lan phải tính toán chi li từng thứ một, hy vọng dư chút ít, gửi về quê cho bà ngoại nuôi hai đứa con.

Doanh nghiệp “mắc cạn” công nhân điêu đứng

Để sống được và chờ doanh nghiệp hồi sinh, công nhân chế biến cá tra phải "thắt lưng buộc bụng", cắt giảm chi tiêu mọi thứ

Trong căn phòng 16m2 vừa chật chội vừa cũ kỹ, chị Lê Thị Mơ đang làm việc tại công ty chế biến cá tra V.N cho biết hai chị em cũng vừa dọn đến đây ở chung với hai người cùng công ty được một tháng nay (hiện 4 người ở chung phòng - PV). Nhờ vậy, mỗi tháng mấy chị em tiết kiệm được 200.000 - 300.000 đồng gửi về cho ba mẹ ở Đồng Tháp.

Theo chị Mơ, công ty không chỉ giảm công suất mà còn giảm luôn về nhân sự. Vì thế được giữ lại làm việc (do có thâm niên - PV) còn may mắn hơn nhiều, dù mức lương bị giảm một nửa. Nhưng điều chị và nhiều công nhân khác lo lắng là sợ doanh nghiệp mình đang làm việc ngừng hoạt động, lúc đó chẳng biết tìm việc ở đâu.

Anh Phúc – công nhân B.A cho biết, từ khi công ty gặp khó khăn, một thời gian dài không nằm không xơi nước. Hiện tại, mặc dù công ty đã hoạt động trở lại (đang làm gia công - PV) nhưng thu nhập chỉ còn 2,5 triệu đồng, để có tiền mang về quê nuôi vợ, nuôi con, anh Phúc cắt hết các khoản cà phê, tiệc tùng, …và cả những buổi lai rai với bàn bè sau những giờ tan ca.

Công nhân "thắt lưng buộc bụng", doanh thu của các hàng quán quanh KCN cũng giảm sút theo. Thậm chí nhiều quán nhậu, quán ăn bình dân không khảm nổi tiền thuê mặt bằng đành cuốn áo ra đi. Đặc biệt, các chợ cóc, chợ thời vụ không còn xuất hiện tại cổng công ty như trước nữa, vì không có người mua hàng.

Trao đổi với chúng tôi, Ông Huỳnh Văn Tuấn, Chủ tịch Công đoàn các khu chế xuất - khu công nghiệp Cần Thơ cho biết: “Trong khu CN hiện có 18 doanh nghiệp tham gia chế biến cá tra, nhưng hiện nay chỉ có 1- 2 doanh nghiệp thật sự còn mạnh khỏe, còn lại đều trong tình trạng “chết lâm sàn”. Vì thế nếu các doanh nghiệp này đồng loạt tuyên bố phá sản thì trên 13.000 công nhân bị thất nghiệp, lúc đó không biết việc gì sẽ xảy ra?.”

Nghiệp đoàn “nhẹ gánh”, … nhưng méo mặt

Khi ngành cá tra “ăn nên làm ra”, ngoài việc hàng trăm ngàn công nhân ở ĐBSCL có công ăn việc làm ổn định thì có thêm hàng ngàn lao động khác “sống khỏe” vào nghề thu hoạch cá tra ở các nghiệp đoàn tư nhân hoặc các hợp tác xã. Tuy nhiên từ khi ngành cá tra lao đao, anh em công đoàn (người gánh cá - PV) bị vạ lây, thu nhập giảm sút, thậm chí còn thất nghiệp phải về quê vác lúa mướn.

Anh Út Tần – người có hơn 10 năm trong nghề thu hoạch cá tra thuê ở An Giang than thở: “Không hiểu sao năm nay ngành cá tra thê thảm quá, giá cá nguyên liệu liên tục sụt giảm, doanh nghiệp thiếu vốn, sản xuất cầm chừng, … Họ khó khăn đã đành nhưng chúng tôi cũng bị vạ lây, cả tháng nay chỉ có 1-2 cái hợp đồng thu hoạch cá thì làm sao sống nổi. Bởi vậy tui cho anh em về quê, đi làm thuê gì đó, chờ 1-2 tháng nữa ngành cá tra ổn định trở lại thì tính tiếp.”

Anh Út Tần cho biết, đội thu hoạch cá tra của anh có trên 20 người, đa số là thanh niên ít học, không nghề nghiệp được cái là sức khỏe dồi dào rất thạo việc gánh, bắt cá. Nếu như trước đây, mỗi ngày đều có công ăn việc làm thì mỗi công nhân thu nhập từ 3.000.000 – 4.000.000 đồng/tháng cũng đảm bảo cuộc sống ổn định.

Ngoài ra, anh Út Tần còn cho biết, khi thu hoạch cá cho các chủ ao tư nhân, anh em dễ dàng kiếm thêm 100.000 – 200.000 đồng/ngày (tiền bồi dưỡng, tiền vét ao, … chưa kể tiền công - PV). Tuy nhiên, hiện nay số người nuôi cá tra theo dạng này chỉ điếm trên đầu ngón tay, vì sau một hai vụ lỗ nặng, một số người đã "treo" ao, một số khác nuôi gia công cho doanh nghiệp. Đây cũng là lí do nhiều nghiệp đoàn thu hoạch cá tra nhỏ lẻ đã giải tán.

Doanh nghiệp “mắc cạn” công nhân điêu đứng

Các nghiệp đoàn thu hoạch cá tra nhỏ lẻ vào cảnh ế ẩm, buộc phải giải tán tạm thời.

Anh Lê Văn Giữ - chủ một đội thu hoạch cá tra ở Cồn Khương cho biết: “Trước đây, 1 tấn cá các chủ ao thuê chúng tôi với giá từ 120.000 – 140.000, nhưng hiện nay chỉ còn từ 90.000 – 110.000 đồng/tấn, mặc dù giá thấp nhưng mình cũng phải đồng ý. Vì lúc này doanh nghiệp, người nuôi đều khó khăn, mình không cách nào đồi họ trả giá cao hơn. Nhưng khổ nổi, mỗi ngày đòn gánh cứ nhẹ dần, nhiều anh em không sống nổi với nghề đành dứt áo ra đi.”

Hỏi thăm nhiều nghiệp đoàn thu hoạch cá tra khác đều có chung tình cảnh “ế hàng”, công nhân thất nghiệp, phải chuyển qua những ngành làm thuê khác mưu sinh, như phụ hồ, bóc vác, ... Để bám với nghề, cứu công nhân, nhiều ông chủ nghiệp đoàn phải chủ động tìm đến các doanh nghiệp, thương lượng ký hợp đồng thu hoạch cá, chứ không ngồi chờ đặt hàng như trước nữa.

Theo ông Nguyễn Thanh Hồng - Chủ một nghiệp đoàn tư nhân ở Hậu Giang cho biết, với tình cảnh ngành cá tra như hiện nay không chỉ ở Hậu Giang mà các tỉnh khác như An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, … nghề thu hoạch cá cũng lao đao theo các doanh nghiệp và người nuôi. Riêng ở Hậu Giang nhiều đơn vị thu hoạch cá tự phát, nhỏ lẽ không tìm được hợp đồng, họ đành giải tán tạm thời vì lỡ đầu tư hàng trăm triệu đồng vào các dụng cụ thu hoạch cá.

 Nguyễn Hành