Đồng chủ nhân giải Nobel kinh tế 2010:
Chương trình FED sắp đưa ra sẽ thất bại
(Dân trí) - Chuyên gia kinh tế nổi tiếng Christopher Pissarides cho rằng, cần điều chỉnh chính sách tài khóa chứ không phải đưa ra QE2 (“nới lỏng định lượng”, quantitative easing, QE). Ông tin nước Mỹ sắp bước vào “thập kỷ mất mát”.
Ông Christopher Pissarides, kinh tế gia đạt giải Nobel kinh tế năm 2010, cho rằng nước Mỹ đương đầu với thời kỳ tăng trưởng kinh tế thấp trong dài hạn, việc làm mới không được tạo ra và chính sách khẩn cấp mà FED đang cân nhắc đưa ra sẽ không thể phát huy tác dụng.
Trong bài phát biểu mới nhất tại đại học London School of Economics, ông nói: “Rủi ro thập kỷ mất mát đang rất lớn. Tình hình căng thẳng bởi số lượng việc làm được tạo ra không nhiều như kỳ vọng”.
Nhiều chuyên gia kinh tế so sánh tình hình hiện nay với Nhật thập niên 1990 khi đó bong bóng tài sản vỡ, dòng chạy tín dụng chững lại, tình hình trên thị trường việc làm trì trệ và giá cả giảm. Nhật trải qua thập kỷ mất mát.
Ông Pissarides khẳng định tăng trưởng việc làm thấp khiến nước Mỹ giống như một nước châu Âu nhưng không có khung chính sách xã hội tốt như châu Âu.
Ông nghi ngờ về hiệu quả chương trình QE2 mà FED chuẩn bị đưa ra: “Cuối cùng chương trình đó cũng sẽ chẳng mang lại thành công nào. Cái chúng ta cần, đó là các ngân hàng cho vay mua nhà và nhiều việc làm mới được tạo ra”.
Theo đồng chủ nhân giải Nobel kinh tế 2010, giải pháp thay thế có thể tính đến chính sách tài khóa, các ngân hàng gặp nhiều khó khăn hơn trong việc gửi tiền tại Ngân hàng Trung ương và buộc phải đẩy mạnh tín dụng.
Bộ Lao động Mỹ ngày 29/10 công bố 64.000 việc làm mới được tạo ra trong tháng 9/2010, thấp hơn nhiều so với con số dự báo của giới chuyên gia, tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức 9,6%.
Kinh tế Mỹ quý 3/2010 tăng trưởng 2%.
Ngọc Diệp
Theo Bloomberg