1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Chuỗi liên kết cá ngừ đại dương bộc lộ nhiều hạn chế

(Dân trí) - Mặc dù với nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân, nhưng sau hai năm thực hiện Đề án: “Thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi” của 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa chỉ dừng lại ở những mô hình nhỏ, bộc lộ nhiều hạn chế…

Chưa tương xứng với tiềm năng

Ba tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa là những tỉnh có tiềm năng khai thác cá ngừ đại dương lớn nhất ở nước ta. Đến nay, 3 tỉnh đã có khoảng 2.372 phương tiện chuyên khai thác cá ngừ, sản lượng đánh bắt hằng năm đạt 100 nghìn tấn.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ ra nhiều yếu điểm và hạn chế tại hội nghị sơ kết 2 năm Đề án “Thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi”.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ ra nhiều yếu điểm và hạn chế tại hội nghị sơ kết 2 năm Đề án “Thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi”.

Ngoài ra, đến nay trên địa bàn 3 tỉnh này đã hình thành trên 10 doanh nghiệp tổ chức chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Tổng sản lượng xuất khẩu đạt gần 500 triệu USD. Việc này đã thúc đẩy, phát triển đời sống của ngư dân. Tuy nhiên so với tiềm năng lợi thế đối với một ngành hàng khai thác bền vững như cá ngừ đại dương thì vẫn còn rất nhiều hạn chế.

Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng: “Cá ngừ đại dương Việt Nam có trữ lượng rất lớn khoảng 500 nghìn tấn, nếu tổ chức đánh bắt đúng quy trình bài bản thì chúng ta có thể đánh bắt 200 nghìn tấn trên năm. Đặc biệt, cá ngừ với một tập tính di cư theo các dòng hải lưu, với khả năng điều tiết phục hồi quần thể nhanh, nên đây là một tiềm năng rất lớn của đối tượng bền vững.

Tiềm năng lớn như vậy, nhưng thực tiễn còn quá xa với tiềm năng. Sau hai năm thực hiện thí điểm mô hình đánh bắt cá ngừ theo chuỗi thì chúng ta lộ quá nhiều hạn chế từ khâu khai thác, thu mua và chế biến. Vì vậy trong thời gian tới phải tìm cách cùng nhau tháo gỡ vấn đề này.

Trả lời PV, ông Lê Thái Bình, ngư dân phường 6, TP Tuy Hòa, sở hữu 3 chiếc tàu và 30 năm kinh nghiệm khai thác cá ngừ chia sẻ: Trong hai năm trở lại đây được chính quyền vận động, tôi đã có một thời gian tham gia khai thác, thu mua, chế biến cá ngừ theo chuỗi. Nhưng sau đó không tham gia nữa vì nó bộc lộ nhiều yếu điểm. Nói là thu mua theo chuỗi có nghĩa là có công ty đứng ra liên kết và có một giá sàn để chúng tôi bán, đằng này mọi hình thức mua bán đều phải thông qua đầu nậu như trước đây thì tôi tham gia làm gì.

Bên cạnh đó, họ không cho phân loại giá cả rõ ràng. Cá tươi họ cũng mua giá 100.000 đồng, mà cá có muối đông thì cũng giá đó, thì chúng tôi cần gì bán cho tàu hậu cần nghề cá, cứ đánh đầy khoang rồi về bán sau, không vội.

Cá ngừ được làm vệ sinh sau khi đưa lên khỏi biển
Cá ngừ được làm vệ sinh sau khi đưa lên khỏi biển

Ông Nguyễn Hưng Hòa, giám đốc công ty TNHH Nguyễn Hưng chuyên thu mua, chế biến cá ngừ vằn nói: "Theo tôi hạn chế trong chuỗi đánh bắt cá ngừ đại dương là ngư dân và doanh nghiệp chưa thực sự gắn bó với nhau. Nên nhiều ngư dân vẫn tồn tại tâm lý doanh nghiệp ép giá, buộc ngư dân bán giá thấp để kiếm lời. Theo tôi Chính phủ nên phát triển một sân chơi đấu giá là tốt nhất, việc này sẽ có sự cạnh tranh công bằng, công khai giữa các doanh nghiệp với nhau và đồng thời cũng tạo niềm tin cho ngư dân khi bán cá ngừ khi họ khai thác được.

Phát triển theo hướng hiện đại

Bà Trần Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội nghề cá - phân tích vì sao cá ngừ đại dương chúng ta lại mất giá như vậy: “Hạ tầng nghề cá chúng ta còn kém quá, chưa hiện đại. Các cảng cá ngừ thì chủ yếu theo dạng truyền thống, sử dụng lại cảng cá đã có sẵn nên cơ bản là mất vệ sinh. Nhiều doanh nghiệp đến thu mua thì họ lo về việc đảm bảo an toàn vệ sinh hay không, nên dẫn đến giá cả sẽ giảm bớt".

Một tàu Phú Yên chuyên câu cá ngừ đại dương vừa cập cảng khi cá đã đầy khoang
Một tàu Phú Yên chuyên câu cá ngừ đại dương vừa cập cảng khi cá đã đầy khoang

"Thứ hai thương hiệu của ta quá kém. Vì sao cá ngừ của chúng ta bán cho Thái Lan có lời, còn doanh nghiệp và ngư dân của chúng ta thì thua lỗ. Vì ở họ đã tạo được thương hiệu cho riêng mình, cùng với đó là có kỹ thuật có hệ thống phân phối chuyên nghiệp …” bà Hà nói.

Còn theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, trong thời gian tới chúng ta cần chú trọng hơn nữa trong việc thiết kế hạ tầng phục vụ hậu cần nghề cá. Không có việc cảng cá chắp vá, sử dụng lại cảng cá cũ có sẵn. Vì vậy, trong thời gian đến các lãnh đạo 3 tỉnh phải quan tâm xây dựng lại cảng biển hiện đại hơn để phục vụ khai thác cá ngừ.

Bên cạnh đó, ngư dân phải hiện đại hơn, phải áp dụng các khoa học kỹ thuật giống nước ngoài, chứ không thể đánh bắt theo lối mòn truyền thống được, thì may ra chất lượng và giá thành của con cá ngừ đại dương mới được nâng lên

Ngoài ra, chúng ta cũng cần quan tâm đến việc phát triển thị trường nội địa với hàng chục triệu khách du lịch đến nước ta mỗi năm. Chứ đừng tập trung xuất khẩu ra các thị trường Mỹ, Nhật mà quên đi một thị trường tiềm năng trong nước.

Trung Thi

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm