Bình Định xây dựng nhãn hiệu cá ngừ đại dương
(Dân trí) - Sản phẩm cá ngừ đại dương (CNĐD) của Bình Định từng xuất qua thị trường khó tính Nhật Bản và được đánh giá cao. Tuy nhiên, thời gian và khâu bảo quản cá ngừ chưa đạt tiêu chuẩn nên chưa thể cạnh tranh được ở thị trường này.
UBND tỉnh Bình Định vừa có văn bản đồng ý chủ trương cho Sở Khoa học và Công nghệ Bình Định thực hiện nhiệm vụ đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho sản phẩm cá ngừ đại dương Bình Định (CNĐD). Đồng thời, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là pháp nhân làm chủ sở hữu nhãn hiệu chứng nhận: “Cá ngừ đại dương Bình Định”. UBND tỉnh cũng giao Sở KH&CN chủ trì phối hợp với Sở NN&PTNT cùng các cơ quan có liên quan triển khai xây dựng nhãn hiệu chứng nhận “Cá ngừ đại dương Bình Định”.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, hiện Bình Định có gần 8.000 tàu cá; trong đó, có khoảng 3.850 tàu khai thác xa bờ. Đây là một trong những địa phương có số lượng tàu khai thác xa bờ lớn nhất nước, với hơn 37.000 lao động. Sản lượng khai thác thủy sản của ngư dân đạt khoảng trên 200 ngàn tấn/năm. Trong đó, chỉ riêng cá ngừ đại dương ước đạt trên dưới 10.000 tấn cá. Vì vậy, UBND tỉnh Bình Định cũng đã đăng ký với Bộ KH-ĐT mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh là cá ngừ đại dương để được hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng cho chuỗi sản xuất cá ngừ đại dương.
Được biết, từ năm 2014, UBNB tỉnh Bình Định đã triển khai thí điểm mô hình câu cá ngừ đại dương theo kiểu Nhật Bản cho 5 tàu cá ngư dân trong tỉnh. Đây là mô hình mà lãnh đạo tỉnh Bình Định rất kỳ vọng. Sau đó, mô hình nhân rộng lên 25 tàu cá được hỗ trợ trang thiết bị câu cá, cải tạo hầm cá. Sau vài lần xuất khẩu CNĐD qua thị trường Nhật Bản và được đánh giá chất lượng cá rất tốt, nếu đảm bảo thời gian và cách bảo quản cá tốt. Thế nhưng thực tế, cách bảo quản, nhất là thời gian bảo quản CNĐD để quá 10 ngày, dẫn đến chất lượng cá chưa đạt yêu cầu ở thị trường được xem là khó tính này. Hơn nữa, chi phí vận chuyển CNĐD bằng đường hàng không rất cao, trong khi chất lượng cá được lựa chọn xuất khẩu rất ít không đủ chi phí nên dự án có nguy cơ “phá sản”.
Doãn Công