Chung sống với người giàu

Tạp chí The Economist của Anh trong một nghiên cứu mới đây, cho biết Việt Nam đứng thứ 3 về nhóm “người giàu mới nổi” (New Wealth Builders) tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, sau Ấn Độ và Indonesia.

Cũng liên quan đến người giàu, có tới 47% người dân tỏ ra lo ngại trước việc ngày càng gia tăng khoảng cách giàu-nghèo ở Việt Nam trong một thập kỷ qua, theo khảo sát của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Ngân hàng thế giới (WB) phối hợp thực hiện vừa công bố.

Kinh tế thị trường, đương nhiên có giàu có nghèo. Ai giỏi giang chăm chỉ thì giàu. Không cào bằng như nông dân thời hợp tác xã, đánh kẻng ra đồng, bình bầu công điểm, hay đều chằn chặn như ô tem phiếu gạo thịt của cán bộ, công nhân một thuở.

Năm 2014, khoảng cách giàu nghèo ở Mỹ lớn nhất trong vòng 100 năm qua. Thu nhập tăng chỉ tập trung vào 3% các gia đình giàu có nhất nước Mỹ, chiếm khoảng 30% tổng thu nhập, theo số liệu công bố của Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Còn theo báo cáo mới đây của Tổ chức xã hội Oxfam (tổ chức phi chính phủ hoạt động tại 94 quốc gia), dự báo đến năm 2016, nhân loại sẽ chứng kiến kỷ lục 1% những người giàu nhất thế giới sở hữu tổng tài sản bằng 99% số người còn lại.

Ở Việt Nam, còn chưa đến mức 99 người chia nhau 1 con gà, và nhìn một người ăn riêng 1 con gà còn lại. Tuy nhiên, việc sống chung với người giàu ngày càng trở nên khó khăn. Khi mọi sự công khai, minh bạch về nguồn gốc giàu có của phần lớn người giàu đều không có câu trả lời.

Bao nhiêu phần trăm người giàu do làm chủ những lĩnh vực, sản phẩm có hàm lượng khoa học, trí tuệ, được công nhận bởi quốc gia, khu vực và thế giới ? Bao nhiêu phần trăm còn lại giàu có nhờ chia chác tài nguyên, đất đai khoáng sản, tham nhũng tham ô, hối lộ, buôn lậu và bảo kê buôn lậu?

Làm sao người dân chịu nổi cảnh tòa ngang dãy dọc, đất đai biệt thự nghênh ngang của những ông cán bộ cùng con cái họ. Cũng như cách làm giàu “quá nhanh, quá nguy hiểm” của những tay cán bộ quèn non choẹt cỡ như Giang Kim Đạt. Nếu không bị lộ, những tấm gương “nhà giàu” kể trên, người dân cũng chỉ biết đứng xa mà ngó.

Mọi xã hội, cộng đồng đều cần có nhiều người giàu. Đó là nguồn động lực, hạt nhân cho phát triển kinh tế, tiến bộ xã hội. Tuy nhiên, những kiểu làm giàu khuất tất, chủ yếu rút ruột công thổ, móc hầu bao ngân khố, cũng chính là tiền đóng sưu thuế của các tầng lớp dân nghèo, thì chỉ càng khoét sâu thêm mâu thuẫn, dâng cao bất bình trong xã hội.

Người ta vừa phát hiện ra một hành tinh là bản sao của trái đất, phù hợp cho loài người sinh sống. Nhưng, với tốc độ phi thuyền tối tân nhất hiện nay, thời gian để con người có thể đến được hành tinh có tên là Kepler-452b ấy là…25,8 triệu năm! Thế nên loài người ít ra đến lúc này vẫn chỉ có một nơi trú ngụ duy nhất, là trái đất này. Đồng nghĩa với người nghèo vẫn phải chung sống với người giàu…

Theo Trí Quân
Tiền Phong

Chung sống với người giàu - 1