Chứng khoán Việt 2017, cơ hội lập đỉnh nhờ nhiều đại gia lên sàn

(Dân trí) - Thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2017 được dự báo sẽ “bùng nổ” và phát triển vượt bậc khi nhiều ngành nghề đi kèm đã được phục hồi và vực dậy.

Tăng trưởng chậm nhưng vẫn lạc quan

Trong năm 2016, mức tăng trưởng GDP đạt 6,21%, thấp hơn năm 2015 (6,68%) và chưa đạt được mục tiêu đề ra trước đó là 6,7%. Cùng với đó, tổng cầu tăng trưởng chậm, thị trường xuất nhập khẩu, lạm phát "phi nước đại" khiến năm 2016 trở thành năm đầu tiên kể từ năm 2012 có mức tăng trưởng kinh tế chậm lại.

Trong hội thảo tài chính năm 2017 diễn ra mới đây tại TPHCM, nhiều chuyên gia kinh tế đã "mổ xẻ" nguyên nhân của sự tăng trưởng kinh tế vĩ mô "không như ý" cũng như đưa ra những tín hiệu lạc quan cho thị trường chứng khoán Việt Nam.

Lý giải về sự “ì ạch” của thị trường năm 2016, ông Winston Lu, Giám đốc khối phân tích và tự doanh, Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng cho rằng, nguyên nhân là do có nhiều yếu tố rủi ro nổi lên như giá dầu sụt giảm, hạn hán và xâm nhập mặn tác động tiêu cực đến ngành khai thác khoáng, nông nghiệp...

Tuy nhiên, hiện nay, nền kinh tế vĩ mô đang ngày càng ổn định. Ông Winston Lu tin rằng, đây là nền tảng quan trọng nhất để đầu tư và thu hút đầu tư.

Thị trường năm nay sẽ rất sôi động khi đồng loạt các “đại gia” lớn lên sàn
Thị trường năm nay sẽ rất sôi động khi đồng loạt các “đại gia” lớn lên sàn

Ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên chính sách Công, Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright lại có cái nhìn lạc quan hơn với các chỉ số của nền kinh tế. Ông Thành cho rằng, trong tình hình kinh tế thế giới tăng trưởng ì ạch, thời tiết trong nước không thuận lợi, Việt Nam đạt mức tăng trưởng 6,21% là một thành công và nỗ lực rất lớn.

“Hiện tại, các nền kinh tế trên thế giới đã công bố tốc độ tăng trưởng nền kinh tế. Đơn cử như Ấn Độ, với tốc độ tăng trưởng cho 4 quý là 11% và cũng là nền kinh tế tăng trưởng cao nhất khu vực. Kế đến là Philipphines, Trung Quốc và Việt Nam. Như vậy, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm hiện nay, thì con số 6,21% là một con số rất ấn tượng”, ông Thành phân tích.

Chứng khoán Việt 2017, cơ hội lập đỉnh 10 năm

Nền kinh tế năm 2016 đi qua mà không có những biến động hay đột phá lớn. Thế nhưng, theo nhận định của một số chuyên gia kinh tế, kế hoạch phát triển năm 2017 có vẻ “sáng hơn” với mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7%, CPI và bội chi ngân sách trên GDP cũng yêu cầu thấp hơn 2016.

Các chuyên gia kinh tế cũng dự báo VN-Index (chỉ số chứng khoán Việt Nam) sẽ đứng trước cơ hội lập đỉnh sau 10 năm và Việt Nam sẽ nằm trong Top những nước có nền kinh tế phát triển nhất khu vực.

Ông Winston Lu cho rằng, làn sóng thoái hóa vốn và niêm yết của các doanh nghiệp lớn chính là động lực quan trọng giúp thị trường tăng trưởng. Bên cạnh đó, việc triển khai thị trường chứng khoán phái sinh trong quý 2 năm 2017 hứa hẹn đem đến nhiều sản phẩm mới và nhà đầu tư sẽ có thêm công cụ phòng ngừa rủi ro và đầu cơ.

Cùng với đó, thị trường chứng khoán Việt Nam 2017 sẽ tiếp tục chào đón những doanh nghiệp tỷ USD như: Thaco, Petrolimex, PV Power... niêm yết trên sàn. Nhờ vậy, các ngành hàng tiêu dùng, công nghiệp, năng lượng và ngân hàng sẽ có cơ hội phát triển, tăng mạnh về vốn trong năm 2017.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Thành cũng tin rằng, năm 2017, tăng trưởng GDP dự báo sẽ đạt trong khoảng 6,3% trở lên. Tuy nhiên, nếu như tiến trình cải cách, tái cơ cấu diễn ra mạnh mẽ, không có những "cú sốc" lớn thì tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể đạt mức 6,7%.

“Khi dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp đảo chiều vì chính sách tăng lãi suất mạnh hơn ở thị trường Mỹ và không có những sức ép phá giá liên quan đến đồng nhân dân tệ thì tăng trưởng 6,7% là có thể đạt được nhưng xác suất không cao”, ông Thành nhận định.

Nối tiếp năm 2016, báo cáo của BSC Research (BIDV) đánh giá, thị trường năm nay sẽ rất sôi động khi đồng loạt các “đại gia” lớn lên sàn như Sabeco, Vinatex, Novaland, Vietnam Airlines, VietJet... với quy mô có thể tăng vọt lên đến 100 tỷ USD.

"Nín thở" theo dõi Tổng thống Mỹ Trump và Brexit

Mặc dù được dự báo là “khởi sắc” nhưng ông Winston Lu cũng lo ngại rằng, nền kinh tế thế giới năm 2017 sẽ đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Trước hết là việc tân Tổng thống Mỹ Donald Trump với những chính sách bảo hộ mậu dịch rất khó lường. Ngoài ra, các tác động của Brexit (Anh) đến nền kinh tế thế giới vẫn chưa được đánh giá hết...

Bên cạnh các chính sách đến từ các nền kinh tế khác trên thế giới thì câu chuyện kinh tế trong nước cũng sẽ gặp nhiều áp lực khi mà những chính sách về tiền tệ hay tỉ giá cũng sẽ là những rủi ro lớn mà nhà đầu tư cần cân nhắc trong năm 2017.

Bà Nguyễn Việt Hà, Thành viên HĐQT chuyên trách, Sở Giao dịch Chứng Khoán TPHCM cho rằng, thị trường chứng khoán có nhiều biến động và cấu trúc hàng hóa trên thị trường chưa hoàn chỉnh. Hiện đã có giải pháp nhằm giúp nhà đầu tư phòng vệ rủi ro và thực hiện dễ dàng các chiến lược đầu tư khác nhau bằng sản phẩm “Chứng quyền có bảo đảm" (CW). Loại sản phẩm này có hai loại chính, chứng quyền mua và chứng quyền bán.

Để sử dụng “chứng quyền có bảo đảm” nhà đầu tư sẽ trả một khoản phí cho tổ chức phát hành với chi phí ban đầu chỉ bằng một phần nhỏ so với đầu tư vào tài sản cơ sở. Bên cạnh đó, với hiệu ứng đòn bẩy có thể mang lại cho nhà đầu tư một khoản lợi nhuận không hạn chế trong khi khoản lỗ tối đa được cố định bằng mức chi phí đầu tư ban đầu.

Tuy nhiên, bà Hà cũng cho rằng, bên cạnh sức hấp dẫn được tạo ra bởi yếu tố đòn bẩy, nhà đầu tư cũng cần hiểu được các rủi ro đi kèm trong giao dịch chứng quyền, đồng thời xác định được khẩu vị rủi ro của bản thân trước khi quyết định đầu tư.

Công Quang