1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Chứng khoán Sacombank: Soát xét đặc biệt tìm "nguồn cơn" thua lỗ

(Dân trí) - SBS đã lựa chọn Ernst & Young từ 1/7 tới vào cuộc để xác định rõ tình hình tài chính của công ty, làm rõ nghi vấn có hay không việc công ty giấu lỗ và việc trục lợi trên lợi ích cổ đông.

CTCP Chứng khoán ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (mã: SBS) vừa có văn bản gửi lên Ủy bản Chứng khoán Nhà nước và Sở giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) giải trình về thông tin 1 năm thua lỗ 1.445 tỷ đồng, gây ảnh hưởng đến cổ đông nhỏ lẻ.

Tại văn bản giải trình, SBS thừa nhận, trong bối cản hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn, hoạt động kinh doanh bị thua lỗ lớn, ngày 16/6 vừa rồi, Đại hội đồng cổ đông thường niên của SBS đã tiến hành việc thay thế gần như toàn bộ nhân sự ở cả ba cơ quan HĐQT, Ban kiểm soát và Ban điều hành.

Tình trạng thua lỗ triền miên và khó hiểu của SBS đang đặt ra nhiều nghi vấn cho nhà đầu tư.

Tình trạng thua lỗ triền miên và khó hiểu của SBS đang đặt ra nhiều nghi vấn cho nhà đầu tư.

Liên quan đến nội dung phản ánh Ban lãnh đạo SBS không nghiêm túc trong quá trình điều hành, giấu lỗ trong thời gian dài, SBS cho rằng, hoạt động kinh doanh thua lỗ của SBS được thể hiện trên các báo cáo tài chính thường niên và đã được các đơn vị kiểm toán độc lập xác nhận.

Tuy nhiên, công ty cũng thêm rằng, để có thể khẳng định việc công ty có giấu lỗ hay không, sắp tới sẽ cần phải làm rõ các nội dung: Có hay không việc giấu lỗ? Nếu có việc giấu lỗ thì con số cụ thể là bao nhiêu? Biện pháp giấu lỗ thông qua những cách thức nào? Việc giấu lỗ được tiến hành từ khi nào? Cơ quan, cá nhân nào của SBS đã chỉ đạo và thực hiện việc giấu lỗ này? Và việc giấu lỗ đã và sẽ gây những thiệt hại ra sao?

Công ty cho hay, với thời gian thành lập và hoạt động từ năm 2007 cho đến nay, cùng với sự phát triển về quy mô và lĩnh vực hoạt động, nên để có thể làm rõ vấn đề này sẽ cần có một khoảng thời gian nhất định và sử dụng nhiều biện pháp chuyên môn.

Ngoài ra, đáp lại nghi ngờ cho rằng, Ban lãnh đạo SBS đã dùng khá nhiều nguồn lực vào việc cho vay các khách hàng đầu tư chứng khoán, nhất là các khách hàng VIP, khách ngoại giao, khách "người nhà"..., SBS khẳng định việc đã dùng nhiều nguồn lực vào việc cho vay khách hàng đầu tư chứng khoán.

Theo đó, SBS cho rằng cần phải phân tích việc phân bổ nguồn lực này như thế nào? Có hay không có việc ưu ái làm trái, hoặc không đáp ứng đầy đủ các quy định khi thực hiện giao dịch? Động cơ, lợi ích và thiệt hại của các bên có liên quan ra sao?

Hiện tại, Ban lãnh đạo công ty cho biết đang chỉ đạo rà soát, phân loại đối tượng được cung cấp nguồn lực và tiến hành ra soát đánh giá, tìm hiểu bản chất, mức độ vi phạm, thiệt hại của các giao dịch nêu trên.

Để khắc phục, hiện SBS tiếp nhận việc quản lý và đảm bảo duy trì các dịch vụ (phi tín dụng) đối với nhà đầu tư, đảm bảo lợi ích hợp pháp về tài sản của nhà đầu tư hiện có tại công ty, đảm bảo hoạt động của SBS tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật.

Đồng thời, tăng cường và thay thế các cơ chế hoạt động, ngăn ngừa và kịp thời ngăn chặn các hoạt động có rủi ro, rà soát và thay đổi hệ thống phân cấp ủy quyền trong quản trị điều hành.

Hội đồng quản trị SBS đã chủ động lựa chọn Công ty TNHH Ernst & Young (chưa từng kiểm toán cho SBS trước đây) là đơn vị kiểm toán nhằm kiểm toán soát xét đặc biệt, phân tích và đánh giá thực trạng tài chính của SBS tại thời điểm ngày 30/6. Theo dự kiến, thời gian tiến hành "kiểm toán soát xét đặc biệt" từ 1/7 đến 30/7. SBS sẽ phát hành dự thảo báo cáo vào ngày 5/8 và phát hành chính thức báo cáo vào ngày 16/8.

 Mai Chi