Chứng khoán Mỹ tăng trở lại, giá dầu lao dốc về mức trước chiến sự

Nhật Linh

(Dân trí) - Thị trường chứng khoán Mỹ tăng trở lại khi nỗi lo tăng lãi suất được loại bỏ. Trong khi đó, giá dầu lao dốc, về ngưỡng 82 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ khi chiến sự tại Ukraine nổ ra.

Theo CNBC, phiên hôm qua (7/9), các chỉ số trên thị trường chứng khoán Mỹ đã tăng điểm trở lại khi giá cả và giá dầu đi xuống, làm giảm bớt mối lo ngại của nhà đầu tư về lạm phát cao. 

Chốt phiên giao dịch, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 435,98 điểm, tương đương 1,4%, lên mức 31.581,28 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,83% lên 3.979,87 điểm. Trong khi, chỉ số Nasdaq Composite tăng 2,14% lên 11.791,90 điểm, phá vỡ chuỗi 7 ngày giảm liên tiếp.

Các chỉ số chứng khoán Mỹ tăng điểm khi Phó Chủ tịch Fed Lael Brainard tiếp tục khẳng định ngân hàng trung ương Mỹ sẽ làm những gì cần thiết để kiềm chế lạm phát, đồng thời cho rằng những rủi ro vẫn còn quá xa.

Chứng khoán Mỹ tăng trở lại, giá dầu lao dốc về mức trước chiến sự - 1

Chứng khoán Mỹ hồi phục sau chuỗi ngày giảm điểm khi phố Wall bớt lo ngại về suy thoái (Ảnh: Reuters).

Tuy nhiên, các hợp đồng tương lai lại biến động theo chiều hướng ngược lại sau khi một bài báo trên Wall Street Journal cho rằng cam kết giảm lạm phát của Chủ tịch Fed Jerome Powell có thể đồng nghĩa là ngân hàng trung ương Mỹ sẽ tăng lãi suất ở mức 0,75% trong cuộc họp vào tháng 9 này. Nếu đúng như dự đoán, đây là lần thứ 3 liên tiếp Fed tăng lãi suất ở mức đó.

Các thị trường hy vọng Fed sẽ đưa ra các mức tăng nhỏ hơn, bắt đầu từ tháng 9. Tuy nhiên, có thời điểm trong ngày, họ vẫn cho rằng 86% khả năng là Fed sẽ tăng lãi suất ở mức 0,75%.

Rạng sáng nay (8/9), theo giờ Việt Nam, Fed đã công bố sách xám về kinh tế tháng 8. Đây là một trong những báo cáo quan trọng được thị trường đón đợi, bởi nó chứa đựng những dữ liệu quan trọng về sức khỏe của nền kinh tế Mỹ.

Báo cáo cho thấy, hoạt động kinh tế ít có sự thay đổi ở nhiều khu vực trên toàn nước Mỹ và triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế số 1 thế giới vẫn suy yếu.

Thị trường chứng khoán Mỹ đã gặp khó khăn gần đây khi lợi suất kho bạc giao dịch quanh mức cao nhất kể từ tháng 6. Ngoài ra, tháng 9 là tháng khó khăn nhất trong lịch sử của thị trường chứng khoán. Mọi sự chú ý đang đổ dồn về mốc 3.900 của chỉ số S&P 500. Một số cho rằng chỉ số này sẽ còn giảm thấp hơn nữa, trong khi một số lại lạc quan về một đợt hồi phục vào cuối năm.

Theo ông Emmanuel Cau của Barclays, với việc chứng khoán quay trở lại mức thấp nhất trong tháng 6 và lãi suất đang tiến tới mốc cao hơn, lạm phát bớt nóng cùng với sự can thiệp của chính phủ châu Âu để giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng có khả năng sẽ thúc đẩy một đợt can thiệp khác của ngân hàng trung ương đối với việc đầu cơ giá xuống. "Nhìn chung, chúng tôi cho rằng chứng khoán vẫn trong tình trạng khó khăn", ông nói.

Trong khi đó, giá dầu trên thị trường thế giới lao dốc mạnh xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1, thời điểm trước khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra, khi dữ liệu thương mại ảm đạm của Trung Quốc công bố làm gia tăng lo ngại về rủi ro suy thoái.

Theo đó, giá dầu Brent giao kỳ hạn giảm 4,83 USD về mức 88 USD/thùng, giảm dưới ngưỡng 90 USD/thùng lần đầu tiên kể từ 8/2. Dầu WTI của Mỹ cũng giảm 4,94 USD, tương đương giảm 5,7% về mức 81,94 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 1.

Nhà phân tích Phil Flynn tại Price Futures Group cho rằng, hiện thị trường đang có những lo ngại về những gì sẽ xảy ra do giá năng lượng tăng vọt ở châu Âu, nhu cầu ở châu Âu chậm lại và lãi suất tăng.

Ngoài ra, đồng USD tiếp tục mạnh lên cũng gây áp lực cho giá dầu vì hầu hết các giao dịch dầu trên thế giới đều được giao dịch bằng đồng USD. Đồng bạc xanh hiện ở mức cao nhất trong 24 năm so với đồng yên Nhật và ở mức cao nhất trong 37 năm so với đồng bảng Anh.

Theo CNBC, Reuters