1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên đầu tiên của năm 2023

Nhật Linh

(Dân trí) - Thị trường chứng khoán Mỹ đã giảm điểm trong phiên giao dịch đầu tiên của năm mới do những lo ngại liên quan đến lãi suất tăng và lạm phát cao tiếp tục ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư.

Phiên giao dịch ngày 3/1, chỉ số S&P 500 giảm 0,4%, đóng cửa ở mức 3.824,14 điểm, khi chỉ số sản xuất tháng 12 của Mỹ giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 5/2020.

Chỉ số Dow Jones kết thúc phiên giảm nhẹ 10,88 điểm, tương đương 0,03%, xuống 33.136,37 điểm khi cổ phiếu của Boeing giảm lỗ. Trong khi đó, chỉ số Nasdaq Composite cũng giảm 0,76% xuống còn 10.386,99 điểm.

Chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên đầu tiên của năm 2023 - 1

Những lo ngại về suy thoái, lạm phát và lãi suất cao vẫn đè nặng lên tâm lý thị trường (Ảnh: Reuters).

Cả cổ phiếu Tesla và Apple đều lao dốc, gây áp lực lên thị trường chung và tiếp tục xu hướng của năm 2022 khi lĩnh vực công nghệ bị ảnh hưởng nặng nề do Fed tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Cổ phiếu Tesla đã giảm 12,24%, chạm mức thấp nhất kể từ tháng 8/2020 sau đợt giao hàng quý IV gây thất vọng. Cổ phiếu Apple cũng giảm 3,74% sau báo cáo cho thấy họ sẽ cắt giảm sản lượng do nhu cầu yếu.

Tâm lý này có thể tiếp tục đè nặng thị trường trong năm 2023 khi ngân hàng trung ương Mỹ sẵn sàng tiếp tục tăng lãi suất trong những tháng tới, gia tăng lo ngại nền kinh tế Mỹ có thể rơi vào suy thoái.

"Môi trường suy thoái trong năm 2023 có thể cản trở hiệu quả hoạt động của cổ phiếu công nghệ trong năm mới, vì cơn khát của nhà đầu tư sẽ tăng lên đối với những công ty định hướng giá trị, có biên lợi nhuận cao, dòng tiền ổn định và tỷ lệ cổ tức cao", Greg Bassuk, CEO của AXS Investments ở New York nhận định.

Các chỉ số chứng khoán Mỹ đã khép lại năm 2022 với mức thua lỗ hàng năm tồi tệ nhất kể từ năm 2008, phá vỡ chuỗi tăng 3 năm liên tiếp. Chỉ số Dow Jones kết thúc năm giảm 8,8% và 10,3% so với mức cao nhất trong 52 tuần. S&P 500 cũng mất 19,4% trong năm và thấp hơn 20% so với mức cao kỷ lục của chỉ số này. Trong khi đó, năm 2022, chỉ số Nasdaq giảm 33,1%.

Tuy nhiên, lịch sử chứng khoán Mỹ cho thấy thị trường có xu hướng phục hồi sau nhiều năm đi xuống. Thực tế, bình quân S&P 500 đã phục hồi 15% trong năm tiếp theo sau một năm chỉ số giảm hơn 1%.

Trong tuần này, nhà đầu tư đang chờ đón một loạt dữ liệu kinh tế quan trọng. Trong ngày hôm qua, chỉ số quản lý mua hàng (PMI) trong tháng 12 của Mỹ thấp hơn so với dự đoán, báo hiệu mức suy giảm nhanh nhất kể từ tháng 5/2020. Tuy nhiên, dữ liệu về chi tiêu xây dựng trong tháng 11 lại tăng nhẹ, cho thấy ngành này đang phục hồi.

Hôm nay, báo cáo Khảo sát cơ hội việc làm và luân chuyển lao động (JOLTS) và biên bản cuộc họp chính sách mới nhất của Fed sẽ được công bố.

Nhà đầu tư cũng đang chờ đợi báo cáo việc làm tháng 12 của Mỹ dự kiến công bố vào ngày 6/1. Đây là báo cáo việc làm cuối cùng mà Fed sẽ phải xem xét trước khi diễn ra cuộc họp tiếp theo vào ngày 1/2. Ngoài ra còn một số bài phát biểu của các chủ tịch Fed dự kiến diễn ra vào ngày 5/1 và 6/1.

Theo CNBC