1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Chứng khoán "lao dốc" sau biến động tỷ giá

(Dân trí) - Thị trường có phiên giảm điểm khá mạnh trên cả 2 sàn với số mã giảm điểm chiếm phần lớn. Trong phiên, có thời điểm chỉ số Vn-Index để mất hơn 10 điểm.

 

san-chung-khoan-ec6bf
Thị trường chứng khoán có phiên giảm điểm sau những biến động trên thị trường ngoại hối.

Tác động từ việc Ngân hàng Nhà nước tăng biên độ tỷ giá thêm 1% hôm nay khiến thị trường chứng khoán có phiên giao dịch đầy biến động. Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số Vn-Index giảm 8,81 điểm, tương đương 1,44% xuống 640,24 điểm; HNX-Index cũng giảm mạnh 1,09 điểm, tương đương 1,3% xuống 82,75 điểm.

Trong phiên có thời điểm chỉ số Vn-Index để mất hơn 10 điểm. Áp lực bán gia tăng, thanh khoản thị trường có phần cải thiện so với phiên trước, đạt 161 triệu cổ phiếu, giá trị tương đương 2.684 tỷ đồng. Trên thị trường có 287 mã giảm điểm và chỉ 122 mã tăng điểm.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng giảm điểm mạnh trong toàn phiên, trong đó giảm mạnh nhất có thể kể tới cổ phiếu VCB. Ngoài ra, các mã có vốn hoá lớn như VIC, CTG, HPG… giảm điểm mạnh trong phiên hôm nay cũng đã góp phần tác động tiêu cực tới tâm lý nhà đầu tư.

Khối ngoại tiếp tục có phiên mua ròng với giá trị khá lớn, đạt hơn 110 tỷ đồng trên cả 2 sàn.

Theo chuyên viên phân tích Trần Đức Anh - Công ty chứng khoán Bảo Việt, sau phiên giảm điểm mạnh hôm nay, khá nhiều mã đã quay về vùng giá trị thấp vào cuối tuần trước. Các thông tin liên quan đến thông tư hướng dẫn Nghị định 60 vẫn được kỳ vọng là điểm đỡ cho diễn biến thị trường 2 phiên tới.

Theo đánh giá của BVSC, động thái nới biên độ biến động tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước giúp tỷ giá đồng nội tệ phản ánh được đầy đủ hơn với những biến động trên thị trường ngoại hối quốc tế và hoạt động xuất khẩu của Việt Nam giảm được những tác động bất lợi của việc đồng nhân dân tệ mất giá mạnh.

Tuy nhiên, biến động giảm giá so với USD của một số đồng tiền khác trong khu vực là khá mạnh, điển hình như đồng tiền của 2 nước có quan hệ thương mại với Trung Quốc tương đồng như Việt Nam là đồng Rupiah của Indonesia mất 1,8% và Ringgit của Malaysia mất 2,2%.

Bên cạnh đó thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc đang gia tăng trong những năm gần đây cũng là áp lực tới mục tiêu điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian tới.

Phương Dung

 

Chứng khoán "lao dốc" sau biến động tỷ giá - 2