Chứng khoán hết “nóng”, công ty bà Nguyễn Thanh Phượng gặp khó

(Dân trí) - Giao dịch trên thị trường trong những tháng gần đây trầm lắng đã ảnh hưởng đáng kể đến kết quả kinh doanh của Chứng khoán Bản Việt, khiến công ty này bị sụt lãi đến 20% so với cùng kỳ. Cổ phiếu VCI theo đó trong phiên 22/10 giảm mạnh.

Đà tăng của chỉ hai chỉ số chỉ có thể giữ được đến đầu phiên chiều qua, khi mà áp lực bất ngờ “dội” xuống thị trường khiến cả VN-Index và HNX-Index lao dốc và chuyển sang trạng thái giảm điểm.

Cụ thể, VN-Index mất 4,85 điểm tương ứng 0,51% còn 953,51 điểm và HNX-Index mất 0,55 điểm tương ứng 0,51% còn 107,55 điểm.

Số mã giảm trên HSX lên tới 183 mã giảm (19 mã giảm sàn) trong khi chỉ có 110 mã tăng; con số này trên HNX lần lượt là 85 mã giảm và 60 mã tăng.

Những mã có tác động tiêu cực nhất lên chỉ số VN-Index phiên này là VCB, MSN, VJC, VPB, HPG…, ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu có tác động tích cực đến chỉ số là BID, SAB, BHN, NVL, VRE…

Phiên này, nhóm cổ phiếu của các công ty chứng khoán hầu hết diễn biến tiêu cực. VND giảm sàn, CTS, MBS, SSI, TVS, BVS, VDS, HCM… đồng loạt “đỏ sàn”.

Công ty Chứng khoán Bản Việt của bà Nguyễn Thanh Phượng gặp khó trong quý III do giao dịch trên thị trường trở nên trầm lắng
Công ty Chứng khoán Bản Việt của bà Nguyễn Thanh Phượng gặp khó trong quý III do giao dịch trên thị trường trở nên trầm lắng

Cổ phiếu VCI của Chứng khoán Bản Việt kết phiên sụt giảm mạnh 2.300 đồng tương ứng 3,81% còn 58.000 đồng/cổ phiếu. Đây là phiên giảm thứ 3 liên tiếp của mã này.

Diễn biến đi xuống của cổ phiếu VCI trong ngày hôm qua có thể là do nhà đầu tư thất vọng trước kết quả kinh doanh sụt giảm của công ty này trong quý III.

Cụ thể, trong kỳ báo cáo, doanh thu của VCI giảm tới 6% so với cùng kỳ, chi phí tăng 15% khiến lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế cùng giảm 20% so với quý III/2017, đạt lần lượt 200,8 tỷ và 160,6 tỷ đồng.

Theo lý giải của lãnh đạo VCI, nguyên nhân khiến doanh thu quý III bị giảm sút là do tình hình thị trường giao dịch trầm lắng, ảnh hưởng đến hoạt động môi giới và đánh giá lại các khoản đầu tư tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ.

Các chỉ tiêu kinh doanh của VCI trong quý III giảm mạnh so cùng kỳ
Các chỉ tiêu kinh doanh của VCI trong quý III giảm mạnh so cùng kỳ

Nhận định về phiên giao dịch này, Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, việc áp lực bán có dấu hiệu tăng mạnh về cuối phiên khiến chỉ số quay đầu giảm điểm, đây là tín hiệu không tốt đối với diễn biến của thị trường trong phiên kế tiếp.

Thanh khoản đạt 133 triệu cổ phiếu, tăng nhẹ so với phiên trước đó nhưng vẫn thấp hơn khá nhiều so với mức trung bình. Độ rộng thị trường nghiêng về phía các mã giảm điểm. Dòng tiềnđang tỏ ra khá thận trọng khi thị trường đang có sự phân hóa mạnh theo thông tin kết quả kinh doanh quý III của các doanh nghiệp. Hoạt động bán ròng của khối ngoại vẫn đang tạo rào cản lên nỗ lực hồi phục của thị trường.

Theo BVSC, trong phiên kế tiếp, thị trường nhiều khả năng sẽ lùi về vùng 940-950 điểm. Phản ứng hồi phục tăng điểm trở lại của chỉ số được kỳ vọng sẽ xuất hiện tại vùng hỗ trợ này.

Trong kịch bản tích cực, BVSC vẫn kỳ vọng thị trường sẽ hướng đến vùng 975-990 điểm trong ngắn hạn. Các nhịp tăng điểm của thị trường được xem là cơ hội bán giảm tỷ trọng cho các tài khoản còn tỷ trọng cổ phiếu cao. Tỷ trọng danh mục tổng nên được khống chế ở mức tối đa 30-40% cổ phiếu trong giai đoạn này.

Trong khi đó, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng đánh giá, dòng tiền hiện tại trên thị trường là khá yếu. Theo nhận xét của VDSC, cổ phiếu có kết quả kinh doanh tốt chưa chắc đã tăng mạnh, nhưng cổ phiếu có kết quả kinh doanh kém khả quan thì giảm rất mạnh. Khối ngoại nhìn chung vẫn đang bán ròng các cổ phiếu lớn. Nhà đầu tư nên hạn chế giải ngân trong giai đoạn hiện tại và ưu tiên nắm giữ tiền mặt hơn.

Mai Chi

Chứng khoán hết “nóng”, công ty bà Nguyễn Thanh Phượng gặp khó - 3