Loạt đại gia mất tiền tỷ; Cổ phiếu công ty bà Thanh Phượng vẫn “thăng hoa”
(Dân trí) - Trong khi nhiều cổ phiếu vốn hoá lớn giảm giá và kìm hãm chỉ số thì VCI của Chứng khoán Bản Việt vẫn tăng khá mạnh. Cổ phiếu này đã tăng giá hơn gấp rưỡi chỉ trong vòng 1 năm giao dịch.
Phiên giao dịch sáng nay (4/10), các chỉ số giao dịch giằng co. Thị trường rung lắc mạnh, tuy nhiên VN-Index vẫn đạt được mức tăng khá 3,13 điểm tương ứng 0,31% lên 1.023,53 điểm, trong khi đó HNX-Index tăng 0,98 điểm tương ứng 0,85% lên 116,28 điểm.
Có 155 mã tăng giá (10 mã tăng trần) so với 111 mã giảm (5 mã giảm sàn) trên sàn HSX. Còn HNX cũng có 68 mã tăng, nhỉnh hơn so với 63 mã giảm giá.
Thanh khoản thị trường khá tốt với 113,39 triệu cổ phiếu được giao dịch trên HSX tương ứng 2.742,94 tỷ đồng. HNX có 25,88 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng tương ứng giá trị giao dịch đạt 417,84 tỷ đồng.
Sáng nay, khối lượng khớp lệnh tại cổ phiếu MBB của Ngân hàng TMCP Quân đội tăng đột biến lên 16,45 triệu đơn vị. Mã này đang tăng mạnh 850 đồng (3,7%) lên 23.950 đồng/cổ phiếu.
Mới đây, ngân hàng Vietcombank công bố thông tin sẽ tổ chức bán đấu giá 53,4 triệu cổ phiếu MBB, tương đương 2,47% cổ phần tại MBB vào ngày 15/10, với giá khởi điểm 19.614 đồng/cổ phiếu. Mục đích của đợt thoái vốn này là để tuân thủ quy định của Thông tư 36, yêu cầu tỷ lệ sở hữu tối đa của một tổ chức tín dụng tại một tổ chức tín dụng khác là 5%.
Số lượng cổ phiếu chào bán tương đương khoảng 9,5 lần khối lượng giao dịch bình quân hàng ngày cổ phiếu MBB trong ba tháng gần đây. Sau thoái vốn, tỷ lệ sở hữu của Vietcombank tại MBB sẽ giảm xuống 4,5%, hay nói cách khác, Vietcombank sẽ không còn là cổ đông lớn của MBB nữa.
Ngoài MBB, cổ phiếu các ngân hàng như VPB, TPB, CTG, VCB , TCB tăng giá cũng đã tác động tích cực lên diễn biến VN-Index. Hợp sức cũng nhóm ngân hàng là cổ phiếu dầu khí. Việc giá dầu thế giới tăng mạnh đã hỗ trợ cổ phiếu các doanh nghiệp trong ngành này tăng giá mạnh sáng nay: PVD tăng 850 đồng, PVB, PVS, PLX, PVE… đều tăng giá.
Cổ phiếu VCI của Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) tăng giá 1.000 đồng (1,5%). Mã này đang có chuỗi giao dịch tích cực trong suốt 1 năm trở lại đây. Tính trong vòng 1 tháng trở lại đây, mã này đã tăng giá hơn 5% (3.200 đồng mỗi cổ phiếu).
VCI cũng tăng giá gần 27% trong vòng 3 tháng qua và tăng hơn 56% so với thời điểm này 1 năm về trước. Đây là doanh nghiệp do bà Nguyễn Thanh Phượng làm Chủ tịch HĐQT song bà Phượng chỉ sở hữu 6,75 triệu cổ phần và chưa phải là cổ đông lớn.
Trở lại với thị trường chứng khoán, việc các “ông lớn” như VIC, VNM, VJC, BVH… sụt giảm đã phần nào kéo lùi chỉ số trong sáng nay.
VIC phiên này bị chốt lời giảm 1.300 đồng đã lấy đi của VN-Index tới 1,29 điểm. Theo đó, giá trị tài sản trong cổ phiếu của ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch HĐQT Vingroup cũng sụt giảm gần 2.425 tỷ đồng.
VJC của Vietjet Air phiên này cũng mất 1.300 đồng còn 143.500 đồng/cổ phiếu và như vậy, thị trường đã “lấy đi” của nữ CEO Nguyễn Thị Phương Thảo trên 181 tỷ đồng.
Theo đánh giá của Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS), áp lực điều chỉnh giảm của chỉ số chung nếu có xuất hiện trong giai đoạn này cũng sẽ không nhiều và công ty này thiên về kịch bản các cổ phiếu trong nhóm vốn hóa lớn sẽ tăng giảm luân phiên và theo đó giữ nhịp cho thị trường.
Vì vậy, nhà đầu tư được khuyến nghị vẫn có thể tranh thủ tích lũy thêm những cổ phiếu tăng trưởng có nền tảng cơ bản tốt nhưng nên chú ý nhiều hơn đến nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình, đồng thời cũng có thể tận dụng thêm sự vận động của dòng tiền ở các mã “trụ” để “lướt sóng” ngắn hạn.
Mai Chi