Chứng khoán Hà Nội: Thời điểm để đầu tư dài hạn?

Sau ba phiên liên tục tăng, cuối tuần qua HASTC-Index lại giảm. Thị trường vẫn chưa có những chuyển biến lớn và phần đông nhà đầu tư phải tiếp tục chờ đợi.

Thị trường vẫn trong thời kỳ điều chỉnh

Tiếp tục đà tăng trưởng của phiên giao dịch cuối tuần trước, phiên giao dịch ngày 9/7, HASTC-Index tăng 2,61 điểm, tương đương 0,97%. Ấn tượng hơn, ngày hôm sau, HASTC-Index tăng tới 11,30 điểm (4,17%).

Kết thúc phiên này, có 62/87 cổ phiếu (CP) tăng giá, khối lượng giao dịch tăng tới 75,86% và giá trị giao dịch tăng 72,94%. Tuy nhiên, sức tăng không duy trì được lâu, ngày 12-7, HASTC-Index giảm 8,79 điểm. Ngoại trừ HNM tăng khối lượng, các CP có tính thanh khoản cao như ACB, BCC, BMI, ICF, MPC, NTP, SD9, SSI, TBC đều giảm. Sau phiên này, nhiều nhà đầu tư bắt đầu lo ngại thị trường sẽ lặp lại chu kỳ: sau một vài phiên tăng là một vài phiên giảm.

Nhưng phiên cuối tuần ngày 13/7, thị trường hồi phục trở lại, tăng  3,7 điểm (1,352%). Diễn biến của phiên này khá kịch tính khi ban đầu thị trường vẫn sụt giảm, trồi sụt ở mức tăng 0,3 - 1 điểm nhưng bắt đầu tăng vào cuối phiên giao dịch.

Đây là tín hiệu vui làm nhiều nhà đầu tư hy vọng trong bối cảnh thị trường vẫn đang trong thời kỳ điều chỉnh. Dạo quanh các sàn giao dịch đều thấy đông kín. Nhiều nhà đầu tư vẫn tiếp tục bám sàn để chờ đợi những chuyển biến tích cực hơn.

Tuần qua, thị trường đón nhận nhiều thông tin tốt như: Chính phủ có chủ trương điều chỉnh kế hoạch đấu giá cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của các ngân hàng, tổng công ty lớn. Lợi nhuận của các doanh nghiệp trong sáu tháng đạt mức cao. Tuy nhiên, những thông tin này vẫn chưa đủ “sức đẩy” đề nhà đầu tư đổ tiền vào săn lùng những CP dạng blue-chip. Ngay cả thông tin MPC được phép tăng mức vốn đầu tư tại Mỹ lên 20 triệu USD, CP này cũng chỉ tăng 1.100 đồng/CP trong phiên ngày 9-7 nhưng lại đứng yên trong hai phiên tiếp theo.

Đã đến lúc mua vào?

Theo Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty chứng khoán Seabank Lê Thị Mai Linh, thị trường vẫn đang trong giai đoạn điều chỉnh. Trong bối cảnh này, tâm lý của nhiều nhà đầu tư là chờ đợi, nghe ngóng.

Một nguyên nhân nữa là tác động từ Chỉ thị 03 của Ngân hàng Nhà nước khiến nhà đầu tư thiếu hụt một lượng vốn không nhỏ bởi không ít người “cạn” tiền vì phải thanh toán những khoản nợ đến hạn.

Tuy nhiên, bà Linh cũng nhận định, thị trường khó có thể xuống thấp hơn và có thể lấy lại đà tăng trưởng mạnh vào cuối năm mặc dù không mạnh như cuối năm ngoái. Đây là thời điểm dành cho những nhà đầu tư chiến lược, không dành cho những người ưa “lướt sóng”, đánh nhanh, thắng nhanh.

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Thanh Kỳ, Tổng Thư ký Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam nhận định, thời gian tới thị trường sẽ tăng nhiệt trở lại, tuy nhiên dù có tăng hay giảm thì cũng sẽ không có đột biến như trước đây.

Theo ông Kỳ, lý do là hàng hóa trên thị trường cũng đã khá phong phú, hơn nữa nhà đầu tư đã khôn ngoan hơn, tiếp cận nhiều thông tin hơn trước khi đưa ra quyết định đầu tư.

Tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) chủ yếu tập trung mua vào các CP blue-chip. Giao dịch của họ  vẫn quyết định sự tăng, giảm của thị trường. Ngày 10-7, NĐTNN mua 511.100 CP trong khi chỉ bán ra 113.500 CP, chiếm 53% tổng khối lượng giao dịch.

Trong đó, SSI chiếm 33,28%, BCC là 12,88%, ACB là 11,02%. Phiên cuối tuần, mặc dù giao dịch của NĐTNN giảm 15% so với phiên trước đó, còn 41.300 CP, nhưng lượng mua vào vẫn chiếm ưu thế với 40.600 CP.

Giải thích điều này, một số chuyên gia cho rằng, NĐTNN nhận thấy giá của nhiều CP ở thời điểm này đã ở mức hợp lý cho việc mua vào nên tích cực đầu tư hơn nhà đầu tư trong nước. Cũng có nhiều nhận định, rằng mức điều chỉnh của nhiều loại CP khó có thể xuống sâu hơn được nữa.

Và quan sát kỹ những CP có khối lượng giao dịch lớn trên thị trường, trong đó nhóm CP tài chính - ngân hàng, năng lượng như SSI, SDA, ACB, S99, SD5, BVS, BBS cũng dễ dàng nhận thấy, các CP này chủ đạo là tăng, nếu có giảm thì cũng không nhiều.

Theo Thành Vĩnh
Báo Nhân dân