1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ
  3. Tư vấn tài chính cá nhân

Bán tháo đột ngột, hơn 30.000 tỷ đồng lập tức dội vào chứng khoán

Mai Chi

(Dân trí) - Cú xả hàng đột ngột vào cuối phiên hôm nay khiến VN-Index có lúc mất gần 20 điểm, tuy nhiên, lực cầu giá thấp nhập cuộc đã giúp chỉ số thu hẹp được biên độ thiệt hại.

Thanh khoản phiên hôm nay (17/7) tăng đột biến trên cả 3 sàn giao dịch. Khối lượng cổ phiếu chuyển nhượng trên sàn HoSE vọt tăng lên mức 1,23 tỷ đơn vị với lượng tiền đổ vào giao dịch lên tới 29.324,07 tỷ đồng.

Trên HNX, khối lượng giao dịch ở mức 87,8 triệu cổ phiếu tương ứng 1.905,23 tỷ đồng và con số này trên sàn UPCoM là 87,14 triệu cổ phiếu tương ứng 1.533,51 tỷ đồng.

Bán tháo đột ngột, hơn 30.000 tỷ đồng lập tức dội vào chứng khoán - 1

Thanh khoản tăng vọt so với phiên 16/7 (Nguồn: VNDS).

Sự đột phá về mặt thanh khoản sau chuỗi thời gian giao dịch ảm đạm vừa qua đến từ cú lao dốc đột ngột kể từ 14h. Đồ thị các chỉ số dường như bị bẻ gập. VN-Index có lúc mất gần 20 điểm trước khi đóng cửa đánh rơi 12,52 điểm tương ứng 0,98%, điều chỉnh về 1.268,66 điểm. HNX-Index giảm 4,01 điểm tương ứng 1,64% và UPCoM-Index giảm 0,98 điểm tương ứng 1%.

Dù biên độ thiệt hại của các chỉ số được thu hẹp nhưng nhiều mã vẫn giảm sâu, 26 mã cổ phiếu bị bán tháo, giảm sàn. Số lượng mã giảm giá trên HoSE gấp hơn 3 lần số lượng mã tăng, thậm chí, trên HNX, mức chênh lệch lên tới 5 lần.

VN30-Index đóng cửa tăng 2,07 điểm tương ứng 0,16% nhưng vẫn có tới 17 mã giảm, 2 mã giảm sàn. Có thể nói, nhóm ngân hàng là trụ đỡ của thị trường trong phiên này khi có những mã tăng mạnh và ghìm chân chỉ số. NAB và MBB thậm chí có thời điểm tăng trần.

Đóng cửa, NAB tăng 5,9%; TCB tăng 4,4%; MBB tăng 4%; BID và HDB cùng tăng 1,8%; ACB và STB cùng tăng 1,7%; CTG tăng 1,5%; MSB tăng 1,4%... Thanh khoản tại nhóm ngành này rất tốt và vượt trội so với thị trường chung.

Khớp lệnh tại MBB trong phiên lên tới 72,36 triệu đơn vị; tại TCB là 27,35 triệu đơn vị; tại ACB là 28,89 triệu đơn vị; tại STB là 25,06 triệu đơn vị và tại CTG là 22,6 triệu đơn vị. VPB đứng tham chiếu và cũng khớp lệnh rất cao, đạt 34,9 triệu cổ phiếu giao dịch.

Bán tháo đột ngột, hơn 30.000 tỷ đồng lập tức dội vào chứng khoán - 2

Ngoại trừ ngành ngân hàng, các nhóm ngành khác trên thị trường đều chịu áp lực bán mạnh.

Ngược lại, hoạt động bán tháo diễn ra ồ ạt ở nhóm ngành bất động sản. Một loạt cổ phiếu giảm sàn trên HoSE, có thể kể đến TCH, SJS, AGG, QCG, FDC, DIG và IJC. Cổ phiếu HQC và PDR thoát sàn nhưng vẫn thiệt hại nặng, lần lượt mất 6,5% và 6,6%.

DXS, TDC, HDG, ITC, TIP, HTN, HPX khiến giới đầu tư "thót tim" khi ghi nhận tình trạng giao dịch ở mức giá sàn trước khi thu hẹp được đáng kể mức suy giảm. So với mức giảm kịch sàn trong phiên, HPX kết phiên chỉ còn giảm 1,2%; HTN giảm 4,2%; TIP giảm 4,5%; ITC giảm 4,6%; HDG giảm 4,7%.

Một số cổ phiếu ngành xây dựng và vật liệu cũng đột ngột "lau sàn" cuối phiên như DXV, LBM và NHA. EVG, DPG, PC1, CTR, TCR thoát sàn, trong đó, TCR hồi phục ngoạn mục, chỉ còn giảm 0,3%; CTR giảm 2,5%; còn những mã khác như PC1 vẫn giảm 3,5%; DPG giảm 6,2% và EVG giảm 6,7%.

Nhiều cổ phiếu ngành hàng và dịch vụ bị bán mạnh, PAC và VOS giảm sàn; VTO giảm 6,7%; VIP giảm 6,4%; VSC giảm 5,6%. Cả 3 mã này đều được giao dịch mức giá sàn trong phiên. PVT giảm 4,6%; APH giảm 4,4%; HAH giảm 4,2%; GEX giảm 3,9%.

Ngoài GVR là cổ phiếu VN30 bị bán tháo và giảm sàn thì BFC và CSV của nhóm cổ phiếu hóa chất cũng bị giảm kịch biên độ sàn HoSE. Cổ phiếu ngành hóa chất những phiên gần đây có đà tăng khá tốt. Một số mã khác như PHR, DCM, DPM, AAA, NHH, SFG cũng có thời điểm giảm sàn nhưng đã kịp thoát sàn ở thời điểm đóng cửa. Kết phiên, PHR giảm 5,5%; DCM giảm 5,4%; DPM giảm 5%; AAA giảm 4,1%; NHH giảm 2,8% và SFG giảm 2,5%.

Nhóm ngành y tế cũng xảy ra hoạt động chốt lời mạnh, một số mã bị bán bằng mọi giá. Chỉ có DBT tăng trần, TRA vẫn tăng thêm 0,9% còn lại IMP và TNH giảm sàn trên HoSE, JVC giảm 4,3%; VMD giảm 3,5%; DHG giảm 2,2%. Trên HNX, DP3 giảm 7,6%; MED, DVM giảm 5,7%; VHE giảm 3%; AMV giảm 2,8%.

Bán tháo đột ngột, hơn 30.000 tỷ đồng lập tức dội vào chứng khoán - 3

Khối ngoại quay đầu mua ròng sau chuỗi bán ròng mạnh (Nguồn: VNDS).

Trong phiên thị trường điều chỉnh trên diện rộng và thanh khoản tăng đột biến, khối ngoại quay đầu mua ròng 624 tỷ đồng trên toàn thị trường, trong đó, mua ròng trên HoSE 552 tỷ đồng. Theo đó, khối này mua ròng 163 tỷ đồng cổ phiếu FPT; 162 tỷ đồng cổ phiếu MWG; 140 tỷ đồng VCB và 102 tỷ đồng TCB. Cổ phiếu MSN vẫn bị bán ròng 104 tỷ đồng.

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm