Chứng khoán cao nhất 9 năm nhưng GDP tăng thấp có phải nghịch lý?

(Dân trí) - TS. Nguyễn Minh Phong - chuyên gia kinh tế cho rằng, chứng khoán cao nhất 9 năm nhưng tăng trưởng kinh tế thì thấp nhất trong vài năm gần đây là một "nghịch lý".

(Ảnh minh hoạ).
(Ảnh minh hoạ).

Chứng khoán cao nhất 9 năm, GDP thấp dưới mục tiêu

Thị trường chứng khoán 6 tháng đầu năm 2017 đạt được nhiều kết quả tích cực. Đến đầu tháng 7, chỉ số VN-Index đã đạt mức đỉnh trong 9 năm trở lại đây, tăng khoảng 17% so với đầu năm 2017 và HNX-Index tăng hơn 23%. 6 tháng đầu năm nay, khối ngoại đã mạnh tay mua ròng kỷ lục với giá trị hơn 9.000 tỷ đồng sau khi bán ròng trong nửa cuối năm 2016.

Tuy nhiên, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, GDP quý I tăng 5,1%, thấp nhất trong 3 năm trở lại đây. Đến quý II, GDP tăng 6,17%, khởi sắc hơn quý trước. Tuy nhiên, tính chung 6 tháng đầu năm 2017 ước tính mới tăng 5,73% trong khi mục tiêu tăng trưởng đặt ra cho cả năm 2017 là 6,7%.

Bình luận về những số liệu này, TS. Nguyễn Minh Phong - chuyên gia kinh tế cho rằng, chứng khoán cao nhất 9 năm nhưng tăng trưởng kinh tế thì thấp nhất trong vài năm gần đây là một "nghịch lý".

Lý giải cho "nghịch lý" này, ông Phong cho rằng, kinh tế tăng trưởng thấp có rất nhiều lý do và được “mổ xẻ” rất nhiều trong thời gian qua. Còn về việc chứng khoán tăng nhanh, thậm chí đạt đỉnh trong vòng 9 năm, là do khối ngoại mua ròng.

"Khối ngoại mua thì có nhiều lý do, vì M&A, vì triển vọng hay nhiều lý do khác nữa. Thứ nữa là do chúng ta thực hiện nhiều biện pháp tích cực như nới room, chúng ta bãi bỏ toàn bộ trần quy định cứng nhắc cho các nhà đầu tư ngoại, từ đó tạo ra động lực cho sự phát triển của chứng khoán”, ông Phong nói.

Tuy nhiên, ông Phong cho rằng, thị trường chứng khoán tăng trưởng nhanh nhưng không phải là ảo, thậm chí từ giờ tới cuối năm xu hướng tăng sẽ còn tiếp tục.

“Kinh tế dường như lại trở lại chu kỳ 5 năm trước đây và chúng ta nên sẵn sàng tinh thần 2 năm liên tiếp không đạt mục tiêu tăng trưởng. Chúng tôi cho rằng không nên trách cứ nặng nề ai vì không đạt, không nhất thiết phải cứng nhắc, mục tiêu chính của chúng ta cho đến nay vẫn là kiểm soát ổn định. Trong khi đó, triển vọng thị trường chứng khoán những 6 tháng cuối năm sẽ khá tích cực khi tiến trình cổ phần hoá đang được Chính phủ thúc đẩy", ông Phong nói.

Không lo về ngắn hạn

Còn theo ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc phân tích và tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân Công ty chứng khoán SSI cũng cho rằng: "Có thể nói đối với những nhà đầu tư lâu dài, họ sẽ không lo về ngắn hạn.

Theo phân tích của ông Linh, thị trường chứng khoán tăng trong khi GDP giảm do cơ cấu của chứng khoán khác. Ngành sản xuất biến động có tác động nhiều đến tăng trưởng kinh tế, trong khi những ngành khác tác động vào GDP thấp hơn.

"Điều hỗ trợ thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay là lãi suất. Khi lãi suất thấp thì người gửi tiền sẽ đi tìm kênh đầu tư khác, trong đó có chứng khoán. Tuy nhiên, nếu thị trường chứng khoán duy trì tăng trưởng ở mức thấp thì rất khó thu hút vốn đầu tư. Do đó, phải làm sao tăng sức thu hút bằng cách gia tăng maket cap (vốn hóa thị trường)", ông Linh nói.

Chuyên gia cũng phân tích, hiện tổng maket cap của Việt Nam so với tổng tiết kiệm chỉ đạt mức khoảng 30%, trong khi tại các thị trường khác như Thái Lan, Indonesia cao hơn rất nhiều, khoảng 100%. Lượng tiền trong dân rất nhiều, điều quan trọng là phải kéo luồng tiền trong dân vào chứng khoán, tăng market cap. Lãi suất ngân hàng ở mức thấp thì thị trường chứng khoán cũng được hưởng lợi.

Về dòng vốn từ nhà đầu tư nước ngoài, ông Linh cho biết, có hơn 9.000 tỷ đồng đổ vào thị trường trong 6 tháng đầu năm, cao nhất trong 5 năm nhưng hơn 4.000 tỷ đồng đổ vào Vinamilk. Điều này cho thấy, đa phần các công ty thu hút nhiều vốn ngoại là những doanh nghiệp hàng đầu trên thị trường chứng khoán. Dòng tiền ngoại đổ vào Việt Nam là dòng tiền thông minh. Điều này cũng thể hiện sự hấp dẫn của thị trưởng Việt Nam, có hấp dẫn mới thu hút được dòng vốn nước ngoài.

"Ngoài ra nó cũng thể hiện những tác động tích cực của việc cổ phần hoá DNNN. Sắp tới PV Oil cũng có sức thu hút với dòng tiền nước ngoài. Một dòng tiền lớn khi đổ vào Việt Nam, đổi ra tiền Việt sẽ hỗ trợ thanh khoản, làm lãi suất xuống thấp. Như vậy có thể thấy càng nhiều cổ phiếu tốt thì càng không phải lo cung sẽ vượt cầu bởi khi còn cổ phiếu tốt thì sẽ thu hút được dòng tiền, dòng tiền sẽ tự nhiên xuất hiện", ông Linh nói.

Phương Dung