Chứng khoán bùng nổ vẫn… thua lỗ hơn 20%
(Dân trí) - Trong khi cổ đông ngân hàng đang "say men" chiến thắng, VN-Index bứt tốc tăng hơn 25 điểm thì phiên hôm nay vẫn có nhiều nhà đầu tư ngậm ngùi "gồng lỗ".
VN-Index áp sát 1.490 điểm, tiền cuồn cuộn vào cổ phiếu ngân hàng
Diễn biến phiên giao dịch hôm nay (24/11) có thể nói là tích cực đến mức bất ngờ. Mặc dù giới phân tích hầu như đều "đánh cược" vào "cửa" tăng của VN-Index, tuy nhiên, việc chỉ số vọt tăng xuyên qua các ngưỡng 1.470 và 1.480 điểm dường như đã vượt qua kỳ vọng của cả những người lạc quan nhất.
VN-Index đóng cửa tăng 25,24 điểm (tương ứng 1,72%), lên 1.488,87 điểm; HNX-Index tăng 6,98 điểm (tương ứng 1,56%), lên 455,58 điểm và UPCoM-Index cũng tăng 1,62 điểm (tương ứng 1,43%), lên 114,64 điểm.
Sự bùng nổ của cổ phiếu ngân hàng chính là động lực chính thúc đẩy đà tăng mạnh mẽ của thị trường phiên hôm nay. Do tỉ trọng cổ phiếu ngân hàng trong rổ VN30 ở mức cao, do đó, chỉ số này ghi nhận tăng tới 32,17 điểm (tương ứng 2,1%), lên 1.565,29 điểm.
Những mã tăng mạnh nhất trong VN30 hôm nay là MBB và STB, hai mã này tăng trần và khớp lệnh cực "khủng". MBB tăng trần lên 30.900 đồng, khớp lệnh 43 triệu cổ phiếu; STB tăng trần lên 30.450 đồng, khớp lệnh 67,32 triệu cổ phiếu. Cả hai mã đều trắng bên bán và dư mua giá trần.
Bên cạnh đó, VCB tăng 5,8%; TCB tăng 5,5%; HDB tăng 5,3%; ACB tăng 4,1%; CTG tăng 3,8%; BID tăng 3%; TPB tăng 0,8%...
Trong số này, chỉ riêng VCB đã đóng góp tới 5,45 điểm cho VN-Index; TCB đóng góp 2,62 điểm; MBB đóng góp 1,95 điểm; CTG đóng góp 1,61 điểm; BID đóng góp 1,4 điểm.
Một số nhà đầu tư ví von phiên hôm nay chính là "bữa tiệc" của cổ đông ngân hàng sau nhiều tháng ròng "ôm hàng" và "kẹp hàng". "Việc không sở hữu một mã ngân hàng nào trong nhịp tăng này của VN-Index thật… có lỗi với thị trường" - anh Mạnh Hùng, một nhà đầu tư lâu năm chia sẻ.
Nhóm ngân hàng đồng thời cũng là nhóm được giao dịch sôi động nhất phiên. Bên cạnh STB và MBB thì TCB cũng khớp lệnh rất mạnh, đạt 52,38 triệu cổ phiếu; LPB khớp 44,93 triệu cổ phiếu; VPB khớp xấp xỉ 36 triệu cổ phiếu.
Với sự bùng nổ của cổ phiếu ngân hàng, đà tăng cũng lan tỏa với 697 mã trên cả 3 sàn tăng giá, 77 mã tăng trần so với 378 mã giảm, 13 mã giảm sàn.
Thanh khoản tăng vọt so với phiên hôm qua, cho thấy sự quyết liệt của bên mua. Thị trường đã hấp thụ rất tốt lượng cổ phiếu của phiên thanh khoản kỷ lục ngày 19/11 nay đã về tới tài khoản nhà đầu tư.
Thống kê cuối phiên cho thấy, sàn HSX thu hút được 35.868,69 tỷ đồng giải ngân cổ phiếu, khối lượng giao dịch ở mức 1,12 triệu đơn vị. HNX có 106,46 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 3.111,18 tỷ đồng và UPCoM có 98,26 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 2.253,56 tỷ đồng.
Thị trường phân hóa, "kéo - xả" tại nhóm cổ phiếu nóng
Dù vậy, việc dòng tiền chảy mạnh vào nhóm ngân hàng cũng đã khiến thị trường bị phân hóa. Chỉ số VNMID-Index và VNSML-Index mặc dù vẫn tăng lần lượt 2,06% và 0,14% tuy nhiên, nhiều cổ phiếu vẫn bị bán rất mạnh.
Các nhịp "kéo - xả" trong phiên khiến nhà đầu tư vội vã bán ra cổ phiếu để bảo toàn lợi nhuận, qua đó khiến nhiều mã đầu phiên tăng nhưng cuối phiên chiều lại đóng cửa với giá "đỏ".
Cổ phiếu thép vẫn bị nhà đầu tư bán mạnh. NKG giảm 5%; HSG giảm 2,9%; HPG giảm 1,8%; VIS giảm 1,6%; TLH giảm 1%.
Cổ phiếu bất động sản mặc dù không còn chịu cảnh "tháo hàng" ồ ạt như những phiên trước, tuy vậy, vẫn có những mã tiếp tục bị chiết khấu về mức thấp hơn. LDG giảm sàn về 11.700 đồng; VRC giảm 6,5%; DRH giảm 6,3%; QCG giảm 6,2%; CCL giảm 4,2%; TLD giảm 3,1%; HDC giảm 2,9%...
Thực tế trong thời gian qua, những cổ phiếu này đều đã tăng mạnh, giúp nhiều nhà đầu tư "nhân tài khoản", do vậy, với những nhà đầu tư có giá vốn thấp thì việc bán ra cổ phiếu ở mức nào cũng có lãi. Còn đối với những nhà đầu tư "đu đỉnh", hiện nhiều người đã phải… gồng lỗ với mức lỗ có thể lên tới 20-30%.
"Tài khoản của tôi đã âm 20% rồi và hôm nay tôi quyết định mua tiếp để trung bình giá. Không ngờ cuối phiên, cổ phiếu giảm thêm" - chị Hương Giang, một nhà đầu tư ở Hà Nội, chia sẻ.
Nhiều mã cổ phiếu trong lĩnh vực xây dựng, vật liệu cũng bị bán ra rất mạnh như TGG, NAV giảm sàn, TCR giảm 6,2%; TTA giảm 5%; tuy nhiên, chiều ngược lại vẫn có nhiều cổ phiếu tăng kịch biên độ trên sàn, trắng bên bán như MCG, PTC, CTD, CVT, HU1; ngoài ra, HBC cũng tăng 6%; VGC tăng 5,3%; PXS tăng 4,7%.
Dòng cổ phiếu chứng khoán vẫn tăng, tuy nhiên đà tăng không còn ồ ạt như hôm qua. Nhiều mã giữ được biên độ tăng tốt như PHS, SBS, AAS, APG, VCI… song ngược lại, BSI, APS và IVS lại điều chỉnh. Nhóm này vẫn được đánh giá có triển vọng trong giai đoạn cuối năm do thanh khoản thị trường giữ mức cao và chỉ số đang liên tục chinh phục những đỉnh cao mới.