Chưa thể phòng vệ thương mại để cứu 4 "cục nợ" thuộc Vinachem
(Dân trí) - Chưa đủ cơ sở để khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại, Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho biết sẽ tiếp tục theo dõi, phân tích số liệu nhập khẩu mặt hàng phân bón và tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp để phát hiện hành vi bán phá giá, đề xuất biện pháp giải quyết kịp thời.
Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) vừa có công văn gửi Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh về khả năng áp dụng phòng vệ thương mại đối với phân bón nhập khẩu.
Trước đó, Cục Hoá chất đã có công văn đề nghị thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về một số dự án của Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem), trong đó giao Cục Quản lý Cạnh tranh chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu và báo cáo Bộ trưởng về việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với mặt hàng phân bón nhập khẩu.
Cục Quản lý Cạnh tranh đã làm việc với các công ty liên quan trong lĩnh vực phân bón như CTCP Phân đạm và Hoá chất Hà Bắc, Nhà máy Đạm Phú Mỹ và CTCP DAP - Vinachem (DAP Đình Vũ). Đồng thời đối chiếu các điều kiện để điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.
Theo đó, Cục Quản lý Cạnh tranh cho biết, đối với mặt hàng phân ure, hiện nay Việt Nam có 4 doanh nghiệp sản xuất bao gồm Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sản xuất từ khí với công suất mỗi công ty 800.000 tấn/năm; Đạm Ninh Bình và Đạm Hà Bắc thuộc Vinachem sản xuất từ than với công suất lần lượt 480.000 tấn/năm và 560.000 tấn/năm.
Xét tổng thể ngành sản xuất phân ure có thể thấy 2 doanh nghiệp sản xuất phân đạm từ than là đối tượng chịu thiệt hại chính do giá than tăng cao trong thời gian qua.
Đối với mặt hàng này, Cục Quản lý Cạnh tranh đã gửi báo cáo lên Bộ Công Thương cho rằng, yêu cầu khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại là chưa có căn cứ do những vấn đề về chính sách thuế giá trị gia tăng cũng như các vấn đề về bản thân doanh nghiệp.
Đối với mặt hàng DAP, hiện tại trong nước chỉ có 2 doanh nghiệp thuộc Vinachem là DAP Đình Vũ và DAP Lào Cai với tổng công suất 660.000 tấn/năm trong khi nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này ở Việt Nam là 1 triệu tấn/năm.
Khi đánh giá về nhập khẩu thì chưa có dấu hiệu tăng đột biến một cách tuyệt đối xét về lượng nhập khẩu. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2015, lượng nhập khẩu DAP đạt 978 nghìn tấn, trị giá 453 triệu USD, tăng 1,76% về lượng và 2,2% về giá trị so với năm 2014. Năm 2016, lượng nhập khẩu đạt 762 nghìn tấn, giảm 22,1% về lượng và 38% về giá trị.
Tuy nhiên, theo số liệu thống kê thì lượng nhập khẩu vẫn tăng tương đối so với với lượng sản xuất trong nước đến 36,3% trong năm 2016.
Đánh giá về thiệt hại của ngành sản xuất trong nước cho thấy, từ năm 2013-2015, lượng sản xuất các công ty phân bón DAP tăng nhưng mức độ tăng đã giảm dần. Đến năm 2016, lượng sản xuất giảm 1,4 lần so với năm 2015, công suất sử dụng năm 2016 chỉ còn 26,47%, giảm mạnh so với năm 2015.
Trong khi đó, lượng tồn kho tăng liên tục từ năm 2014 đến nay, lượng bán hàng năm 2016 giảm khoảng trên 40% so với năm 2015. Lợi nhuận của các công ty phân bón năm 2015 chỉ đạt hơn 27 tỷ đồng, giảm 2,8% so với năm 2014. Đến hết năm 2016, các công ty sản xuất DAP lỗ tới 460 tỷ đồng.
Với các số liệu trên, mặc dù nhà sản xuất trong nước đang phải chịu thiệt hại, nhưng Cục Quản lý Cạnh tranh cho rằng, để có cơ sở khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với mặt hàng này theo quy định WTO và pháp luật phòng vệ thương mại Việt Nam thì cần phải theo dõi và phân tích thêm lượng nhập khẩu năm 2017. Đồng thời, cần nghiên cứu thêm về khả năng tồn tại hành vi bán phá giá của các doanh nghiệp sản xuất Trung Quốc vì nguồn nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc.
Cục Quản lý Cạnh tranh cho biết, đã tư vấn đầy đủ cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón về việc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại. Các công ty cũng đã thống nhất sẽ tiếp tục nghiên cứu để lựa chọn luật sư tư vấn và chuẩn bị hồ sơ.
Do vậy, thời gian tới Cục Quản lý Cạnh tranh cho biết sẽ tiếp tục theo dõi, phân tích số liệu nhập khẩu mặt hàng phân bón DAP và tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp để phát hiện hành vi bán phá giá, đề xuất biện pháp giải quyết kịp thời.
Phương Dung