Chủ tịch VCCI: Chưa bao giờ Chính phủ lắng nghe tiếng nói doanh nghiệp như bây giờ

(Dân trí) - Trao đổi với Dân Trí, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, chưa bao giờ Chính phủ và chính quyền địa phương đối thoại và lắng nghe doanh nghiệp nhiều như vậy. Ngoài những hội nghị diễn đàn chính thức còn có những cuộc đối thoại không chính thức như là cà phê doanh nhân...

Tuy nhiên, để tạo được thay đổi trên thực tế, cần có sự chuyển hóa mạnh mẽ hơn từ tư duy, lời nói đến hành động.

Thủ tướng nhận bức công thư đầu tiên từ tay Chủ tịch VCCI ngay sau khi nhậm chức sáng 7/4
Thủ tướng nhận bức công thư đầu tiên từ tay Chủ tịch VCCI ngay sau khi nhậm chức sáng 7/4

2016 - năm của những sự kiện với "tốc độ kỷ lục"

Nhìn lại một năm đã qua, là Chủ tịch VCCI và một vị đại biểu Quốc hội, điều gì để lại ấn tượng sâu đậm, mạnh mẽ nhất đối với ông?

-2016 là mốc 30 năm đổi mới. Ngay sau khi Chính phủ mới kiện toàn, thì chỉ sau hơn 3 tuần, theo đề nghị của VCCI, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định gặp gỡ doanh nhân... và doanh nhân đã trở thành giới chức xã hội đầu tiên Thủ tướng gặp trên cương vị mới. Đây là dấu ấn quan trọng nhất.

Sự kiện này diễn ra tại Dinh Dộc Lập vào ngay trước thời điểm 30/4 và 1/5, có ý nghĩa rất lớn. Ngày Thủ tướng gặp gỡ doanh nhân, doanh nghiệp là ngày 29/4 bao hàm ý nghĩa làm sao tinh thần của cuộc tổng tiến công mùa xuân năm Bính Thân 1975 “thần tốc thần tốc hơn nữa, táo bạo hơn nữa” được đưa vào trong tinh thần đổi mới kinh tế của giai đoạn hiện nay.

Bây giờ đất nước đã hội nhập và phát triển nhưng phải có sự chuẩn bị tích cực. Bên cạnh những thành quả phát triển thì cũng cần phải nhìn vào thực tế rằng đất nước chúng ta đang phải đương đầu với nhiều khó khăn, như: nợ công, nợ xấu, năng suất lao động thấp, sự hoạt động kém hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân thì không lớn lên được...

Dù rằng chúng ta đang đứng trước nhiều cơ hội lớn của hội nhập, nhưng cơ hội đó chỉ có thể tận dụng được bằng chính năng lực nội sinh, bằng sự năng động, phát triển của doanh nghiệp tư nhân trong nước.

Theo ông, cuộc gặp này đã có ý nghĩa như thế nào với cộng đồng doanh nghiệp và với nền kinh tế?

-Đây là cuộc gặp giữa Thủ tướng với cộng đồng doanh nghiệp quy mô lớn nhất từ trước tới nay, ngoài TPHCM còn nhiều đầu cầu khác ở tất cả các tỉnh thành phố. Ngay sau hội nghị này, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 35 về phát triển doanh nghiệp, được coi là nghị quyết về khởi nghiệp: đặt ra mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 và đưa ra lộ trình giải pháp thực hiện. Đây cũng là lần đầu tiên chúng ta có Nghị quyết về phát triển doanh nghiệp trong cả nhiệm kỳ 5 năm.

Mục tiêu tăng gấp đôi số lượng doanh nghiệp trong vòng 5 năm - đây là một tinh thần đột phá và thần tốc.

Để bảo đảm thực hiện mục tiêu này, Chính phủ đề ra chủ trương xây dựng Chính phủ kiến tạo, phát triển và đặt ra những nguyên tắc cơ bản như chuyển từ Chính phủ quản lý sang Chính phủ phục vụ, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm; không thanh kiểm tra chồng chéo, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế… Đây là những điểm rất quan trọng để thiết kế hệ thống quản lý.

Đặc biệt, Nghị quyết 35 cũng đã đề ra ra những nhiệm vụ rất cụ thể cho bộ ngành và chính quyền các địa phương, yêu cầu thực hiện cơ chế đối thoại thường xuyên với doanh nghiệp. Đây cũng là lần đầu tiên vấn đề này được đưa vào trong Nghị quyết của Chính phủ. Và VCCI và các hiệp hội doanh nghiệp được giao trách nhiệm giám sát thúc đẩy và công bố chỉ số hài lòng của doanh nghiệp đối với chính quyền, coi đây là thước đo đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của công chức.

Cuộc họp giữa Thủ tướng với doanh nghiệp và việc ra Nghị quyết 35 đã diễn ra với tốc độ kỷ lục. Thủ tướng nêu rõ, không cầu toàn mà phải làm ngay những gì có thể làm để tháo gỡ và hỗ trợ doanh nghiệp.

Theo yêu cầu của Luật và Nghị quyết 35 của Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu không được bàn lùi, tất cả các bộ ngành phải tập trung vào nhiệm vụ xây dựng thể chế, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, xóa bỏ tất cả các loại “giấy phép con” trước 1/7/2016. Đấy là một chiến dịch để đẩy nhanh cải cách.

Không khí khởi nghiệp được phát động khắp cả nước

Ông cảm nhận như thế nào về phong trào khởi nghiệp trong năm qua?

-Năm qua để lại dấu ấn lớn về tinh thần khởi nghiệp. Một không khí khởi nghiệp đã được phát động trên khắp cả nước.

Khởi nghiệp có nhiều ý nghĩa khác nhau, có người hiểu là việc bắt đầu một sự nghiệp, có người quan niệm là khởi nghiệp sáng tạo.

Tôi thì nghĩ về sự khởi nghiệp kinh doanh. Khởi nghiệp kinh doanh hay khởi nghiệp sáng tạo đều cần thiết nhưng, tôi cho rằng, cơ hội kinh doanh là rất lớn, chỉ cần khởi tạo được công việc thì đã rất cần thiết đã có ý nghĩa lớn đối với đất nước. Do đó, cần có sự bùng nổ về khởi nghiệp kinh doanh.

Ở Việt Nam cơ hội kinh doanh còn nhiều, số người thất nghiệp, bán thất nghiệp ở nông thôn còn nhiều, và việc chuyển đất nước sang một đất nước kinh doanh thì phải hướng theo như vậy. Có thể làm theo mô thức thông thường thôi thì đều đã có ích cho xã hội rồi.

Tất nhiên dưới áp lực với cuộc Cách mạng lần thứ tư thì rất cần khởi nghiệp sáng tạo. Nền kinh tế cần phải đi hai chân như vậy.

Thủ tướng gặp gỡ, trò chuyện với các doanh nhân
Thủ tướng gặp gỡ, trò chuyện với các doanh nhân

Việc Thủ tướng định hướng xây dựng Chính phủ kiến tạo, theo ông có tác động thế nào đến doanh nghiệp, doanh nhân?

-Định hướng về Chính phủ kiến tạo đã khơi dậy niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào môi trường kinh doanh. Việc thành lập đăng ký doanh nghiệp tăng mạnh đã cho thấy niềm tin của người dân, doanh nghiệp được tác động tích cực. Trong năm qua, lần đầu tiên số lượng doanh nghiệp thành lập mới đạt hơn 110.000 doanh nghiệp.

Trong khi các doanh nghiệp FDI tăng cường đổ vốn đầu tư là để đón đầu TPP thì khối doanh nghiệp trong nước chủ yếu đặt niềm tin vào sự quyết liệt chỉ đạo của cá nhân Thủ tướng và một số thành viên Chính phủ, hy vọng “sức nóng” cải cách sẽ được truyền xuống, lay chuyển bộ máy và từ đó tạo ra môi trường kinh doanh thân thiện hơn với doanh nghiệp.

Tuy nhiên, cho đến nay, tinh thần đó vẫn chưa chuyển thành hành vi của tất cả cán bộ công chức cấp cơ sở. Chặng đường từ thông điệp của Thủ tướng và quyết tâm của Chính phủ đến hành vi công chức là một quá trình gian nan. Có những hành vi đã trở thành văn hóa, thói quen nên chắc chắn cần thời gian.

Thời gian qua chúng ta đã thay đổi chủ yếu về luật pháp, chính sách còn thay đổi về tổ chức cán bộ, tái cấu trúc bộ máy thì còn chậm.

Phải có cơ chế chuyển hóa nhận thức thành hành vi

Vâng thưa ông, nhiều doanh nghiệp nhỏ họ vẫn than phiền, tinh thần cải cách là thế nhưng thực tiễn không thay đổi nhiều.

-Tôi cũng đã nghe nhiều người nói chưa có nhiều thay đổi trên thực tế ở nhiều cấp nhiều ngành. Cần phải làm sao để sự thay đổi trong hành vi của công chức khiến người dân và doanh nghiệp có thể cảm nhận được. Tôi cho là cần thời gian và tùy thuộc vào quyết tâm của từng bộ ngành, địa phương và bản thân người đứng đầu bộ ngành, địa phương đó.

Rất mừng là thời gian qua đã có một số mô hình và công nghệ cải cách tiến bộ ở nhiều địa phương đã được áp. Làm sao để có thể lan tỏa các thực tiễn đó.

Năm 2016 mới chỉ là năm khởi động, năm lay chuyển về nhận thức. Còn việc chuyển nhận thức thành hành đồng thì vẫn gian nan lắm. Dù sao mọi việc cũng phải bắt đầu từ nhận thức, có sự thay đổi nhận thức đã là một bước tiến lớn.

Sự đột phá về nhận thức của cơ quan quản lý điều hành khiến doanh nghiệp rất phấn khởi nhưng cần phải có cơ chế để chuyển hóa được thành hành vi.

Là cơ quan đưa ra rất nhiều kiến nghị để tạo điều kiện tốt hơn cho môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, VCCI đánh giá như thế nào về sự tiếp thu của các bộ ngành, địa phương trong năm qua?

-Tôi cho rằng, chưa bao giờ Chính phủ và chính quyền địa phương đối thoại và lắng nghe doanh nghiệp nhiều như vậy. Ngoài những hội nghị diễn đàn để đối thoại về chính sách thì còn có cà phê doanh nhân được tổ chức ở nhiều địa phương, là những cuộc đối thoại không chính thức.

Các kiến nghị của doanh nghiệp gửi đến VCCI đều đã được chuyển đến bộ ngành và phản ánh qua các hội nghị, được các cơ quan Chính phủ xem xét, giải quyết. Nhất là về rà soát điều kiện kinh doanh, có tới hàng trăm kiến nghị của VCCI được chuyển tới các bộ ngành, nhiều kiến nghị được tiếp thu, những kiến nghị khác đang tiếp tục được xem xét, nhưng vẫn còn nhiều kiến nghị khác chưa được xem xét, giải quyết thấu đáo.

Tất nhiên, một số cơ quan bộ ngành cũng đã cho thấy có những chuyển biến đáng kể trong việc giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp và Bộ Tài chính là một ví dụ điển hình. Chúng tôi cũng hoan nghênh Bộ Công Thương vừa rồi bãi bỏ hàng loạt thủ tục, điều kiện kinh doanh tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Đây là một bước tiến lớn khi chỉ mấy tháng trước đó, nhiều bộ ngành vẫn có xu hướng nâng cơ học điều kiện kinh doanh từ Thông tư lên Nghị định.

Tôi nhớ kỷ niệm việc Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng Văn phòng Chính phủ 5,6 buổi cả sáng, chiều và tối, đôi khi đến tận khuya đã cùng chụm đầu với lãnh đạo các bộ ngành và Chủ tịch VCCI, Viện trưởng Viện quản lý kinh tế trung ương (CIEM) thảo luận rốt ráo các ý kiến còn khác nhau để tạo sự đồng thuận, trình Chính phủ ban hành các Nghị định về điều kiện kinh doanh, xóa bỏ các “giấy phép con”.

Mặc dù chưa thể nói là các Nghị định đã hoàn thiện, quá trình rà soát vẫn cần tiếp tục, nhưng cách làm như vừa qua là hiệu quả. Trong quá trình trao đổi, các bộ ngành cũng đã vỡ lẽ ra nhiều vấn đề và có sự chuyển biến cao hơn trong tư duy xây dựng pháp luật. Lần đầu tiên trong lịch sử có cách làm này, ý kiến của doanh nghiệp được tôn trọng.

Nhìn chung, chưa bao giờ mà Chính phủ lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp như vậy và phát huy tiếng nói mạnh mẽ của doanh nghiệp như bây giờ. Nhưng so với yêu cầu thì còn phải nỗ lực rất nhiều!

Xin chân thành cảm ơn ông!

Bích Diệp (thực hiện)