1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Chủ tịch VCCI: "Asanzo có yếu tố vi phạm đạo đức kinh doanh, chụp giật"

(Dân trí) - "Vụ việc Asanzo trước tiên là yếu tố có thể dẫn đến phạm luật, sau là vi phạm đạo đức kinh doanh, thiếu trách nhiệm đối với xã hội. Việc làm của họ có biểu hiện cho con đường “chụp giật".

Chia sẻ với báo giới tại hành lang Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, vụ việc của Asanzo có thể dẫn đến phạm luật, vi phạm đạo đức kinh doanh, thiếu trách nhiệm đối với xã hội. Việc làm của họ có biểu hiện cho con đường “chụp giật".

Chủ tịch VCCI: Asanzo có yếu tố vi phạm đạo đức kinh doanh, chụp giật - 1

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng: Vụ việc của Asanzo có thể dẫn đến phạm luật, vi phạm đạo đức kinh doanh, thiếu trách nhiệm đối với xã hội. Việc làm của họ có biểu hiện cho con đường “chụp giật".

Thưa ông, VCCI đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, vậy sự cố của Asanzo bị tố bóc nhãn mác Trung Quốc để thay bằng hàng Việt, ông nghĩ sao?

- Nếu doanh nghiệp nhập khẩu nguyên đai, nguyên kiện hàng của Trung Quốc, sau đó dán nhãn “Made in Vietnam” chắc chắn đó là sự không trung thực và lừa dối người tiêu dùng.

Đây không chỉ là vấn đề kinh doanh, mà đó là ý thức và tinh thần dân tộc. Chúng ta đang phát động phong trào người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, doanh nghiệp gắn mác như vậy đã gây nhầm lẫn, lừa dối khách hàng, đi ngược xu thế của một cuộc vận động lớn, đi ngược sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.

Hội hàng Việt Nam chất lượng cao đã cấp chứng chỉ cho các sản phẩm của doanh nghiệp này, vậy vai trò, trách nhiệm của Hiệp hội này là gì? Có hay không việc tiếp tay cho hoạt động lừa dối người tiêu dùng?

- Theo tôi, trách nhiệm thuộc nhiều bên, nhưng trước tiên thuộc về doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp nhập khẩu nguyên đai, nguyên kiện hàng của Trung Quốc, sau đó dán nhãn “Made in Vietnam” chắc chắn đó là sự không trung thực và lừa dối người tiêu dùng.

Phải nói rằng chúng ta có quy định về xuất xứ nhưng cho đến thời điểm này vẫn chưa có hướng dẫn, quy định, định nghĩa cụ thể nào về khái niệm “Made in Vietnam”.

Hiện, khái niệm “xuất xứ” từ Việt Nam thì có, nhưng “Made in Vietnam” thì chưa rõ. Nhưng tôi nghĩ, hai khái niệm này khá tương đồng. Như vậy, trách nhiệm của cơ quan quản lý ở đây là chưa đưa ra được một khái niệm thống nhất về vấn đề này.

Ngoài ra, công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý thị trường chống gian lận thương mại đã để những hành vi như vậy diễn ra mà không phát hiện được.

Đối với trách nhiệm của Hội Hàng Việt Nam chất lượng cao trong vụ việc này, theo tôi việc Asanzo là cơ quan này dựa trên sự bình xét của người tiêu dùng. Và chắc là trong quá trình đó, Hội có trao đổi với cơ quan quản lý nhưng không phát hiện ra sai phạm.

Tuy nhiên, chung tôi rất hoan nghênh khi Hội đã có phản ứng nhanh, kịp thời tước bỏ ngay danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao đã trao cho Asanzo.

Phần lớn người tiêu dùng hiện nay khá bất ngờ, thậm chí hụt hẫng, dù trước pháp luật, Asanzo chưa bị cáo buộc chính thức nào, song niềm tin của người tiêu dùng vào hàng Việt nói chung đã bị dội gáo nước lạnh, ông có suy nghĩ gì về việc này?

- Không chỉ riêng doanh nghiệp này, tôi nghĩ đây là bài học thức tỉnh cho tất cả các doanh nghiệp khác, bởi chỉ có làm ăn chân chính mới đưa doanh nghiệp phát triển bền vững.

Vụ việc Asanzo trước tiên là yếu tố có thể dẫn đến phạm luật, sau là vi phạm đạo đức kinh doanh, thiếu trách nhiệm đối với xã hội. Việc làm của họ có biểu hiện cho con đường “chụp giật”, không bền vững.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Tuyền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm