Sau vụ Asanzo, cơ quan thuế yêu cầu thanh tra, xử lý nghiêm giả mạo nhãn "made in Vietnam"

(Dân trí) - Cơ quan thuế yêu cầu tập trung thanh tra, xử lý nhóm mặt hàng tiêu dùng, thời trang… để có giải pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, báo cáo kịp thời, đầy đủ, đúng thời gian quy định.

Sau vụ Asanzo, cơ quan thuế yêu cầu thanh tra, xử lý nghiêm giả mạo nhãn made in Vietnam - 1

Ông Phạm Văn Tam - Chủ tịch Asanzo đang là tâm điểm chú ý của truyền thông sau vụ giả mạo nhãn mác "made in Vietnam".

Cục thuế TPHCM vừa có công văn gửi các phòng Thanh tra - Kiểm tra, Chi cục Thuế quận, huyện yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm giả mạo nhãn mác “made in Vietnam”.

Theo đó, Cục thuế TPHCM yêu cầu các phòng Thanh tra - Kiểm tra và Chi cục thuế quận huyện chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý chuyên ngành và các cơ quan chức năng trong việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm giả mạo nhãn mác “made in Vietnam” đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh nhập khẩu hàng hoá sản xuất từ nước ngoài, hàng giả, hàng nhái, giả mạo xuất xứ…

Cơ quan thuế cũng yêu cầu tập trung vào nhóm mặt hàng tiêu dùng, thời trang… để có giải pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, báo cáo kịp thời, đầy đủ, đúng thời gian quy định.

Trước đó, báo chí đã phản ánh việc doanh nghiệp Asanzo bóc tem made in China để thay thế bằng Made in Vietnam. Loạt bài phóng sự nhiều kỳ cho rằng, một số sản phẩm của Asanzo dính líu đến chuyện "đội lốt" thương hiệu Việt để lừa người tiêu dùng.

Liên quan tới vụ việc này, lãnh đạo UBND TPHCM đã có chỉ đạo các sở, ngành tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về giả mạo nhãn mác “Made in Vietnam” trên địa bàn.

Trao đổi với báo chí, đại diện Tổng cục Hải quan cho biết đã yêu cầu Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục Giám sát quản lý về Hải quan, Cục Hải quan TPHCM rà soát, báo cáo về hoạt động nhập khẩu các mặt hàng điện tử, điện lạnh từ Trung Quốc mang nhãn hiệu Asanzo từ trước tới nay, nếu có vi phạm về hải quan sẽ yêu cầu xử lý theo quy định.

Đại diện Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cũng cho biết, lãnh đạo Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế đã có công văn yêu cầu Cục Thuế TPHCM rà soát hoạt động nộp thuế của Asanzo từ trước tới nay. Khi có thông tin cụ thể sẽ cung cấp cho báo chí.

Về phía Bộ Công Thương, cuối tuần qua, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã có cuộc họp với các đơn vị liên quan nhằm trao đổi thông tin liên quan đến vụ việc Tập đoàn Asanzo bị nghi lừa dối khách hàng về nguồn gốc xuất xứ.

Theo đó, Bộ trưởng đã yêu cầu Cục Xuất nhập khẩu, Cục Công nghiệp, Vụ Khoa học Công nghệ, Vụ Thị trường trong nước, Tổng cục Quản lý thị trường… tiến hành kiểm tra rà soát công tác quản lý nhà nước và chức trách nhiệm vụ được giao trong vụ việc này.

Ông Trần Hữu Linh – Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết đã lên phương án tiến hành thẩm tra, xác minh theo chỉ đạo. Trong quá trình này, Tổng cục sẽ chú trọng đến việc kiểm tra xuất xứ hàng hoá.

Theo dự kiến, việc tiến hành kiểm tra Asanzo sẽ được tiến hành trong thời gian sớm nhất (khoảng 1-2 ngày tới). Tổng cục trưởng Cục quản lý thị trường nhấn mạnh, vụ việc này rất “nhiều vấn đề”, cần được kiểm tra, xác minh một cách thận trọng, kỹ lưỡng nhằm đảm bảo lợi ích cho người tiêu dùng, đồng thời đảm bảo tính khách quan đối với doanh nghiệp.

Phương Dung