Chủ tịch tập đoàn Mizuho mất chức vì cho xã hội đen vay vốn

(Dân trí) - Trước những án phạt mới từ cơ quan quản lý liên quan đến bê bối cho xã hội đen vay vốn, tập đoàn tài chính Mizuho, tập đoàn mẹ của ngân hàng Mizuho, ngày 26/12 đã công bố ông Takashi Tsukamoto, chủ tịch của tập đoàn sẽ từ nhiệm.

Theo hãng tin tài chính Bloomberg, tập đoàn ngân hàng lớn thứ ba tại Nhật vừa đưa ra thông báo nêu trên sau khi nhận được những án phạt đợt hai từ Cơ quan quản lý dịch vụ tài chính Nhật Bản (FSA) ngày hôm qua.

Ông Takashi Tsukamoto sẽ phải ra đi sau khi để xảy ra bê bối
Ông Takashi Tsukamoto sẽ phải ra đi sau khi để xảy ra bê bối

Theo đó từ tháng 3 tới, ông Takashi Tsukamoto, 63 tuổi, sẽ ra đi. Trong khi đó tổng giám đốc Yasuhiro Sato sẽ bị tăng thời gian làm việc không lương từ 6 tháng lên một năm. Ngoài ra, cơ quan chức năng còn yêu cầu ngân hàng Mizuho phải tăng cường quản trị, và đệ trình kế hoạch củng cố này trước ngày 17/1/2014.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Hồi tháng 9 vừa qua, cơ quan quản lý của Nhật đã yêu cầu Mizuho phải tăng cường công tác giám sát tuân thủ sau khi nhà băng này đã không ngăn chặn được các công ty con của mình cấp các khoản tín dụng trị giá 200 triệu yên (1,9 triệu USD) cho các thành viên của băng nhóm xã hội đen.

“Chúng tôi sẽ thực hiện những án phạt đợt hai một cách nghiêm túc”, ông Sato nói trong một cuộc họp báo tại Tokyo. “Trách nhiệm của tôi đó là xây dựng được cấu trúc quản trị mà các thị trường toàn cầu có thể tin cậy”.

Mizuho sẽ cân nhắc việc cải tố cấu trúc doanh nghiệp và bổ sung thêm các thành viên hội đồng quản trị từ bên ngoài, thông báo cho biết. Dù vậy họ không cho biết ai sẽ thay thế chủ tịch Tsukamoto.

Cuộc chiến chống tội phạm

Nhật Bản đã đẩy mạnh việc tấn công các băng đảng xã hội đen yakuza, những kẻ thực hiện đủ loại hành vi, từ tra tấn tới buôn lậu ma túy. Theo các sắc lệnh ban hành năm 2011, các công ty tại Nhật bị cấm kinh doanh kiếm lời với yakuza.

FSA ngày hôm qua cũng yêu cầu mảng cho vay của Mizuho ngừng các giao dịch mới thông qua công ty cho vay tiêu dùng của ngân hàng này trong vòng 1 tháng. Các biện pháp bổ sung được đưa ra do Mizuho đã báo cáo thiếu chính xác về các khoản cho vay trong cuộc điều tra trước, cũng như thiếu nhận thức và quản trị liên quan đến vấn đề này, FSA khẳng định.

Dù án phạt khiến Mizuho chịu nhiều tai tiếng, hoạt động cho vay và huy động của ngân hàng này sẽ không chịu nhiều ảnh hưởng, ông Sato nhận định. Kể từ khi nhậm chức tháng 6/2011, ông Sato đã thúc đẩy các nỗ lực tăng cường quản trị tại Mizuho.

“Các hình phạt bổ sung với Mizuho ít có khả năng ảnh hưởng lớn tới thu nhập của họ”, Yoshinobu Yamada, nhà phân tích tại ngân hàng Deutsche Bank AG, Tokyo cho biết. “Điều quan trọng hơn đó là FSA đang phát đi một thông điệp rằng, tòan ngành tài chính cần tăng cường các biện pháp ngăn chặn giao dịch với các nhóm chống lại xã hội, và lấy vụ việc của Mizuho làm phát pháo hiệu”.

Đây không phải lần đầu một “đại gia” ngành ngân hàng của Nhật bị xử phạt vì dính líu đến các băng nhóm tội phạm có tổ chức. Năm 2007, FSA từng lệnh cho đơn vị cho vay của Mitsubishi UFJ Financial Group phải ngừng một số dịch vụ trong vòng một tuần, sau khi phát hiện một chi nhánh của ngân hàng này tại tỉnh Hyogo đã có giao dịch suốt hơn 30 năm với một nhóm tội phạm.

Thanh Tùng
Theo Bloomberg
 
VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm