Chủ tịch SCIC nói gì về những bất ổn tại Vinaconex?

(Dân trí) - Bình luận về những phát sinh giữa các cổ đông hiện tại và Ban điều hành của Vinaconex, Chủ tịch SCIC cho rằng, phía SCIC không dám can thiệp bởi không đúng thẩm quyền, vai trò. Tuy nhiên, việc đấu tranh là rất bình thường. Ở góc độ nào đó, đó cũng là nguồn gốc phát triển.

Chủ tịch SCIC nói gì về những bất ổn tại Vinaconex? - 1

Chia sẻ tại họp báo sáng nay (14/6), Chủ tịch Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) Nguyễn Đức Chi đánh giá, thương vụ thoái vốn Nhà nước của SCIC tại Vinaconex là thành công.

"Giá trị nhà nước thu về là thành công. Về phần của Nhà nước, SCIC đã làm tất cả những gì để đạt hiệu quả nhất. Chúng tôi thực hiện đúng quy định pháp luật, đấu giá công khai, cạnh tranh giữa nhà đầu tư, kết quả rõ ràng, quá trình chuyển giao đúng quy định, trong thời gian ngắn nhất có thể", ông Chi cho biết.

Bình luận về những phát sinh giữa các cổ đông hiện tại và Ban điều hành của Vinaconex, ông Chi cho rằng, về phía SCIC không dám can thiệp bởi không đúng thẩm quyền, vai trò.

Tuy nhiên, theo ông Chi, việc đấu tranh giữa các cổ đông, tranh luận giữa ban điều hành và cổ đông là rất bình thường. Ở góc độ nào đó, đó cũng là nguồn gốc phát triển.

"Việc cổ đông có tranh luận với nhau là chuyện bình thường và bản thân các cổ đông phải tự giải quyết với nhau. Trong phạm vi điều lệ, luật pháp quy định thì cổ đông phải giải quyết với nhau. Tôi tin kiểu gì cũng phải tìm ra hướng để thống nhất, nếu không thì không thể phát triển", ông Chi nói thêm.

Như đã đưa tin, thoái vốn Nhà nước tại Vinaconex là một trong những thương vụ thoái vốn thành công nhất của SCIC trong năm 2018. Với giá đấu thành công 28.900 đồng/cổ phiếu, giá trị cổ phần bán được là hơn 7.366 tỷ đồng trong khi giá vốn là 2.549 tỷ đồng. Tức là chênh lệch SCIC thu về là hơn 4.800 tỷ đồng, vượt cao hơn nhiều so với mức dự kiến.

Cùng thời điểm đó, Viettel cũng đấu giá thành công trọn lô 94 triệu cổ phần VCG, tương đương 21,28%, thu về hơn 2.002,4 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau khi bàn giao cho cổ đông mới, hoạt động của Vinaconex gặp nhiều biến động do tranh cãi từ phía các cổ đông lớn.

Cụ thể, sau khi An Quý Hưng sở hữu 57,7% vốn và nắm 5/7 ghế HĐQT, việc áp dụng quy chế tài chính cho phép Chủ tịch, Tổng giám đốc duyệt chi cả nghìn tỷ đồng mà không cần thông qua HĐQT cũng như việc chia nhau nắm quyền kiểm soát nhiều vị trí khác tại công ty mẹ và doanh nghiệp thành viên của nhóm cổ đông An Quý Hưng khiến cho những cổ đông khác không khỏi bất an.

Lo ngại nguy cơ gây thiệt hại cho lợi ích của mình, nhóm cổ đông nắm lượng cổ phần “thứ yếu” là Star Invest và Cường Vũ sau đó đã khởi kiện ra Toà án yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khiến giá cổ phiếu VCG sụt giảm mạnh tại thời điểm đó.

Phương Dung