Chủ tịch nước: Tương lai của hơn 90 triệu người Việt Nam gắn kết với khu vực APEC

(Dân trí) - Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, tương lai của hơn 90 triệu người dân Việt Nam ngày càng gắn kết chặt chẽ với khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nhiều nền kinh tế thành viên APEC đang và sẽ tiếp tục là những nhà đầu tư lớn nhất và những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam.

Ba vấn đề cấp bách cần giải quyết

Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC (CEO Summit) tại Đà Nẵng - nơi quy tụ nhiều tỷ phú khu vực kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Trong bài phát biểu quan trọng khai mạc Hội nghị chiều nay (8/11), Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã đề cập tới 3 vấn đề cấp bách và mong muốn cộng đồng doanh nghiệp APEC tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc cùng Chính phủ giải quyết.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang có bài phát biểu quan trọng tại CEO Summit chiều 8/11
Chủ tịch nước Trần Đại Quang có bài phát biểu quan trọng tại CEO Summit chiều 8/11

Thứ nhất, ưu tiên hàng đầu hiện nay là duy trì đà liên kết và phục hồi kinh tế toàn cầu, phát huy vai trò tiên phong trong tự do hóa thương mại và đầu tư, hoàn tất các mục tiêu Bogor vào năm 2020.

Đẩy mạnh hợp tác công - tư trong tăng cường kết nối toàn diện và bao trùm, phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng, kết nối các chuỗi cung ứng, thương mại và đầu tư thế hệ mới.

Đặc biệt, tại diễn đàn này, tôi kêu gọi các doanh nghiệp tăng cường hợp tác và hỗ trợ các nền kinh tế thành viên đầu tư mạnh mẽ hơn vào lĩnh vực giáo dục, đào tạo để các nền kinh tế và người lao động thích ứng tốt hơn với môi trường kinh tế mới.

Quan tâm đầu tư vào con người chính là để củng cố đồng thuận xã hội về tự do hóa thương mại, đầu tư về dài hạn. Đây chính là tiền đề quan trọng để doanh nghiệp tiếp tục tận dụng những cơ hội của toàn cầu hóa và mở rộng đầu tư, kinh doanh trên phạm vi toàn cầu.

Thứ hai, APEC cần đẩy mạnh nỗ lực bảo đảm tính bao trùm của phát triển. Chúng ta cần biến “câu chuyện thần kỳ kinh tế” thành “câu chuyện thần kỳ về phát triển bao trùm” của khu vực, đi đầu thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.


Chủ tịch nước Trần Đại Quang và cộng đồng doanh nghiệp

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và cộng đồng doanh nghiệp

Cộng đồng doanh nghiệp cần phát huy trách nhiệm xã hội, tích cực đóng góp xây dựng các cộng đồng tự cường và bao trùm, góp phần bảo đảm an ninh lương thực - nước - năng lượng, truyền tải tinh thần kinh doanh và khởi nghiệp, tăng quyền năng kinh tế của phụ nữ, hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tham gia sâu hơn vào thị trường toàn cầu.

Thứ ba, để hướng tới tương lai chung tốt đẹp hơn, Quý vị cũng như hàng triệu doanh nghiệp khác ở khu vực cần tích cực tham gia đóng góp vào tiến trình xây dựng và hiện thực hóa tầm nhìn APEC sau năm 2020 về xây dựng một châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, năng động, gắn kết và thịnh vượng.

Với đóng góp và kinh nghiệm thực tiễn của doanh nghiệp, chúng ta có thể xây dựng tầm nhìn khu vực toàn diện và bao trùm, bảo đảm lợi ích của người dân và doanh nghiệp. Đây chính là tiền đề cho sự phát triển bền vững của các nền kinh tế và của cộng đồng doanh nghiệp APEC trong tương lai.

Tương lai của 90 triệu dân Việt Nam

Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết, trải qua hơn 30 năm đổi mới và gần 20 năm tham gia APEC, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn. Từ một nước kém phát triển, Việt Nam đã trở thành một nền kinh tế đang phát triển có thu nhập trung bình, một mắt xích quan trọng trong mạng lưới 16 hiệp định thương mại tự do.

“Là một trong những nền kinh tế có độ mở lớn, tương lai của hơn 90 triệu người dân Việt Nam ngày càng gắn kết chặt chẽ với khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nhiều nền kinh tế thành viên APEC đang và sẽ tiếp tục là những nhà đầu tư lớn nhất và những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam” - Chủ tịch nước nhấn mạnh.


Theo Chủ tịch nước Trần Đại Quang, tương lai của hơn 90 triệu dân Việt Nam gắn kết ngày càng chặt chẽ với khu vực APEC.

Theo Chủ tịch nước Trần Đại Quang, tương lai của hơn 90 triệu dân Việt Nam gắn kết ngày càng chặt chẽ với khu vực APEC.

Theo Chủ tịch nước, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục đổi mới đồng bộ và toàn diện, đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược. Đó là: Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, phát triển nguồn nhân lực và phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Tập trung đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế tri thức, công nghệ cao, hiện đại hóa nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, kinh tế biển, du lịch. Chú trọng hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, bảo vệ môi trường, mở rộng không gian kinh doanh cho các chủ thể, khơi dậy mọi tiềm năng của doanh nghiệp, tăng cường trách nhiệm thực thi và đề cao thượng tôn pháp luật.

Cùng với quá trình đổi mới toàn diện, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh hội nhập quốc tế sâu rộng, tích cực đóng góp vào các cơ chế đa phương. Việc đăng cai Năm APEC lần thứ hai sau đúng 11 năm là minh chứng sinh động thể hiện quyết tâm đó.

Chủ tịch Trần Đại Quang nhấn mạnh: “Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn hết sức trân trọng sự ủng hộ, hợp tác và đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp APEC trong chặng đường hơn 30 năm đổi mới. Nhiều doanh nhân có mặt hôm nay đã đến với đất nước chúng tôi ngay từ những ngày đầu mở cửa. Các bạn đã luôn chia sẻ, đồng hành cùng chúng tôi vượt qua chặng đường đầy khó khăn, thử thách trong hơn ba thập niên qua để đạt được những thành quả tốt đẹp như hôm nay".

"Là cộng đồng doanh nghiệp có khả năng thích ứng tốt nhất, cộng đồng doanh nghiệp APEC chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển thịnh vượng trong giai đoạn mới đầy biến động này. Chúng tôi mong muốn các bạn tiếp tục đồng hành, chung sức tạo động lực mới cho tăng trưởng và liên kết khu vực, để tương lai của thế giới trong thế kỷ 21 thực sự được khởi nguồn từ khu vực châu Á - Thái Bình Dương” - Chủ tịch nước cho biết.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang tin tưởng Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC 2017 sẽ thành công tốt đẹp, đóng góp to lớn hơn nữa vào tiến trình hợp tác và liên kết APEC.

Châu Như Quỳnh