1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Chủ tịch Dragon Capital lý giải việc khối ngoại bán ròng hơn 52.700 tỷ đồng

Mộc An

(Dân trí) - Việc Fed tăng lãi suất và động thái hiện thực hóa lợi nhuận là nguyên nhân của hiện tượng khối ngoại bán ròng 2 tỷ USD trên thị trường chứng khoán kể từ đầu năm.

Vì sao nhà đầu tư nước ngoài bán ròng?

Số liệu cho thấy tính đến hết quý II, giá trị bán ròng của các nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán trên 52.700 tỷ đồng. Chỉ trong nửa năm, khối ngoại bán ròng gấp 2,26 lần cả năm 2023 và xấp xỉ 87% giá trị bán ròng kỷ lục từng xác lập năm 2021.

Vì sao nhà đầu tư nước ngoài liên tục bán ròng là một trong những nội dung "nóng" được trao đổi tại buổi đối thoại chủ đề "Nâng hạng, gọi vốn và phát triển nhà đầu tư tổ chức" do Câu lạc bộ Nhà báo chứng khoán tổ chức sáng 19/7.

Ông Nguyễn Quang Thuân - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phẩn FiinGroup - cho biết mới đây đã thực hiện cuộc phỏng vấn nhanh với 5 đối tác lớn về lý do khối ngoại bán ròng trên thị trường chứng khoán. Những nhà đầu tư tổ chức này chia sẻ 3 nguyên nhân chính dẫn tới hiện tượng này.

Thứ nhất là chiến lược phân bổ lại tài sản và rút khỏi các thị trường mới nổi của các nhà đầu tư nước ngoài. Họ không còn kỳ vọng vào việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm giảm lãi suất. Những nhà đầu tư này ví von việc tăng lãi suất của Fed rất nhanh như đi thang máy nhưng đi xuống thì như thang bộ.

Thứ 2 là động thái hiện thực hóa lợi nhuận. Các nhà đầu tư nước ngoài rất thích sở hữu các ngành gắn liền với tiêu dùng nội địa gồm bảo hiểm, bán lẻ, chứng khoán, F&B, ngân hàng, hàng gia dụng và công nghệ.

Họ đầu tư vào những ngành này và đã đạt mức tăng trưởng lợi nhuận 20-30%. Do đó họ bán ròng để hiện thực hóa lợi nhuận của khoản đầu tư nhằm giảm rủi ro lỗ tỷ giá.

Thứ 3 là nhà đầu tư nước ngoài có những lo ngại về chất lượng tài sản ngân hàng, triển vọng thị trường bất động sản và đặc biệt là vấn đề tỷ giá.

Đánh giá về hiện tượng nhà đầu tư nước ngoài bán ròng, ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital dẫn chứng số liệu đáng lo ngại khi 4 năm gần đây nhà đầu tư nước ngoài bán ra 4 tỷ USD, riêng từ đầu năm nay là 2 tỷ USD.

Chủ tịch Dragon Capital lý giải việc khối ngoại bán ròng hơn 52.700 tỷ đồng - 1

Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital phát biểu tại tọa đàm (Ảnh: BTC).

Bên cạnh các yếu tố khác, cũng có những yếu tố khách quan không thể phủ nhận gồm việc Fed tăng lãi suất trong 2 năm qua và Việt Nam nâng hạng thị trường chứng khoán.

Việc thị trường chứng khoán Việt Nam chưa nâng hạng khiến chiến lược đầu tư theo chỉ số cận biên của các quỹ đầu tư nước ngoài thất bại hoàn toàn. Ông lấy ví dụ một nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam cần phải chuẩn bị bài thuyết phục hội đồng đầu tư. Người ta xem khoản đầu tư đó là một khoản đầu tư ngoại lệ.

"Ai là nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam cũng phải thuyết trình dưới dạng ngoại lệ", ông chia sẻ về rào cản khi nhà đầu tư nước ngoài muốn rót vốn vào Việt Nam.

Ngoài ra, chủ tịch Dragon Capital còn đề cập đến việc biến động trên thị trường làm gia tăng rủi ro trong 2 năm gần đây.

Kỳ vọng khó khăn sắp kết thúc

Tại buổi đối thoại cũng có sự tham gia của bà Nguyễn Linh Phương, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Vấn đề điều hành tiền tệ, ngoại hối giai đoạn cuối năm được các thành viên tham gia đặt ra cho đại diện NHNN.

Bà Linh Phương thẳng thắn đánh giá năm nay là năm rất khó khăn đối với điều hành chính sách tiền tệ, ngoại hối. Nguyên nhân từ Fed vẫn duy trì lãi suất cao và kéo dài lâu hơn so với dự kiến. Ví dụ như cuối năm 2023 có những dự báo đến tháng 6 Fed sẽ hạ lãi suất tuy nhiên việc hạ lãi suất đã lùi lại. Gần đây có một số thông tin cho rằng tháng 9 Fed sẽ hạ lãi suất nhưng cũng chưa chắc chắn.

Việc duy trì lãi suất cao và kéo dài ảnh hưởng đến nguồn vốn. Năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã giảm lãi suất để hỗ trợ phát triển kinh tế. Chênh lệch giữa lãi suất Việt Nam và lãi suất Mỹ tác động lớn đến tỷ giá, ổn định thị trường ngoại hối.

Mặt khác, nhu cầu mua ngoại tệ để thanh toán xuất nhập khẩu cũng gây áp lực lớn đến tỷ giá.

"Trong thời gian vừa qua, chúng tôi cũng phải nỗ lực để ổn định thị trường tiền tệ, tỷ giá. Vừa rồi nhiều người lo ngại Ngân hàng Nhà nước bán ngoại tệ để can thiệp tuy nhiên nhiều năm qua NHNN năm nào cũng mua hoặc bán ngoại tệ để can thiệp. Rất hiếm năm không phải làm gì vì thị trường vận động liên tục với dòng vốn ra và dòng vốn vào", bà Phương cho biết.

Đại diện NHNN cho biết hiện nay dự trữ ngoại hối đã tăng đáng kể, so với cuối năm 2015 dự trữ ngoại hối đã tăng gần 3 lần.

Về vấn đề nhà đầu tư nước ngoài lo ngại vấn đề tỷ giá, đại diện NHNN cho biết tháng 4 đến nay, hệ thống ngân hàng bán ròng cho nhà đầu tư gián tiếp là khá lớn. Nhưng với các biện pháp điều hành của NHNN thì tỷ giá biến động không đáng kể.

"So với các nước khác trong khu vực thì sự ổn định đồng Việt Nam tương đối. So với cuối năm ngoái tỷ giá chỉ tăng khoảng 4% thôi trong khi nhiều nước khác đồng tiền mất giá 5-7%. Mức này là phù hợp vừa đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô vừa đảm bảo dự trữ ngoại hối", bà Nguyễn Linh Phương nhấn mạnh.

Đối với động thái điều hành chính sách tiền tệ và ngoại hối cuối năm, NHNN cho biết sẽ tiếp tục nỗ lực thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để đảm bảo sự thông suốt cho thị trường tiền tệ, đảm bảo lãi suất, tỷ giá diễn biến phù hợp với điều kiện thị trường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

"Tôi cho rằng áp lực trong thời gian tới với những thông tin trên thị trường quốc tế đã giảm khá nhiều so với trước. Hy vọng khó khăn của chúng ta sẽ sắp kết thúc", đại diện NHNN kết luận.