Chủ tịch địa ốc Alibaba: "Tôi - CEO cùi bắp"

(Dân trí) - Chỉ với vai trò môi giới đất nền và bề dày mấy năm “chinh chiến” lận lưng, ông Nguyễn Thái Luyện “bỗng dưng” trở thành CEO, lãnh đạo của công ty hàng ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, điều tra của PV cho thấy, đây có thể là vốn điều lệ ảo và các dự án của Alibaba cũng không phải do đơn vị này làm chủ đầu tư.

Từ CEO “thiên tài ”?...

Ông Nguyễn Thái Luyện là cổ đông lớn nhất ở 3 công ty gồm: Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba (CTCP Địa ốc Alibaba) có vốn điều lệ hiện tại 1.600 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Alibaba Tây Bắc TPHCM (CTCP Alibaba Tây Bắc TPHCM) có vốn điều lệ 12.000 tỷ đồng và Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Xây dựng Ali (CT Ali) có vốn điều lệ 100 tỷ đồng.

Công ty Cổ phần Alibaba Tây Bắc TPHCM, mã số doanh nghiệp: 0314675116, đăng ký kinh doanh lần đầu ngày 12/10/2017, vốn điều lệ 12.000 tỷ đồng, trụ sở chính đặt tại 120-122 Kha Vạn Cân, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức.
Công ty Cổ phần Alibaba Tây Bắc TPHCM, mã số doanh nghiệp: 0314675116, đăng ký kinh doanh lần đầu ngày 12/10/2017, vốn điều lệ 12.000 tỷ đồng, trụ sở chính đặt tại 120-122 Kha Vạn Cân, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức.

Theo nguồn tin của PV, ông Nguyễn Thái Luyện sinh năm 1985, thường trú tại Gia Lai. Hiện tại, Luyện đang ngụ đường Vũ Tùng, quận Bình Thạnh, TPHCM. Luyện chính là anh trai ruột của ông Nguyễn Thái Lĩnh, cổ đông kiêm Giám đốc đại diện pháp luật của CTCP Địa ốc Alibaba. Lĩnh sinh năm 1989.

Nguồn tin này cũng cho hay, trước khi thành lập và trở thành CEO của các công ty trên, Luyện là nhân viên môi giới đất nền trên địa bàn các tỉnh lân cận TPHCM. Thời điểm hiện tại, 2 công ty mà Luyện đầu quân là công ty T.Đ.T.V đã giải thể và CT K.O chuyển trọng tâm về địa bàn Đồng Nai để hoạt động.

Không lâu sau khi hoạt động ở T.Đ.T.V kém hiệu quả, đầu năm 2014, Luyện chuyển về đầu quân để phân phối đất nền cho K.O. Tuy nhiên, do không thể trụ lại, Luyện nghỉ việc và thành lập CTCP Địa ốc Alibaba.

Khi thành lập, công ty này có 5 thành viên chủ chốt và lấy phương châm bán đất nền giá rẻ các khu vực lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Long An... Ngoài ra, các công ty do ông Luyện lãnh đạo đều cam kết lợi nhuận cao hơn mặt bằng trên thị trường rất nhiều.

Chủ tịch địa ốc Alibaba: "Tôi - CEO cùi bắp" - 2
Trong thư xin lỗi khách hàng và tâm thư gửi nhân viên, Luyện tự nhận mình là CEO cùi bắp
Trong thư xin lỗi khách hàng và tâm thư gửi nhân viên, Luyện tự nhận mình là CEO cùi bắp

Trong quá trình điều hành hoạt động công ty, ông Nguyễn Thái Luyện thường mở các khóa đào tạo cho nhân viên môi giới. Ông Luyện thường dùng những tấm hình và chắt lọc những câu nói như là chân lý để "lên lớp" với sale.

Trên trang web của công ty, đăng tải những bài viết nói về độ "thiên tài" của Luyện sánh ngang với một số nhân vật đã đi vào lịch sử. Có bài viết trên chính trang web công ty dẫn lời kể chuyện của Luyện khoe thành tích... chinh phục các cô gái.

Ngay cả khi báo chí "bóc trần" hành vi rao bán dự án "vịt trời", Luyện gửi thư xin lỗi đến khách hàng nhưng lời lẽ như bông đùa. Ngay trong phần mở đầu của thu xin lỗi, Luyện tự nhận mình là CEO cùi bắp. "Hôm nay, cho phép Tôi - CEO CÙI BẮP NGUYỄN THÁI LUYỆN gửi lời xin lỗi chân thành nhất đến quý khách hàng, đối tác cùng toàn thể anh chị nhân viên về những việc ồn ào liên quan đến Dự án Tây Bắc Củ Chi vừa qua", trích thư của Luyện.

Ngay cả trong "Tâm thư gửi anh chị Alibaba", Luyện cũng nhận mình CEO cùi bắp và khuyên 1500 sale, nhân viên hãy tin "tôi là người giỏi nhất" để "vững vàng trước mọi biến cố".

Sự việc chỉ vỡ lẽ và gióng hồi chuông báo động khi CTCP Địa ốc Alibaba tuyên bố khoảng 14 dự án quanh khu vực sân bay Long Thành do đơn vị này làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, chính quyền huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai khẳng định, các thông tin này không đúng sự thật vì trên địa bàn không có bất kì công ty nào mang tên Alibaba.

Tiếp đến, khi tự xưng chủ đầu tư ở dự án Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi - Khu vực VIII-3 (huyện Củ Chi, TPHCM) và nhận đặt cọc của khách hàng làm cho những công ty này và cái tên CEO Nguyễn Thái Luyện “nổi như cồn”.

Thậm chí, nghi ngại về những việc làm không minh bạch của CEO và nhân viên Alibaba, Hiệp hội bất động sản TPHCM - HoREA ra thông báo khẩn cấp, các Sở ban ngành liên quan cũng lên tiếng cảnh báo và UBND TPHCM ra văn bản chỉ đạo kiểm tra khẩn cấp.

Chủ tịch địa ốc Alibaba: "Tôi - CEO cùi bắp" - 4

... đến vốn điều lệ kiểu “Thánh Gióng”

Trong 3 công ty mà Luyện sở hữu hàng ngàn tỷ đồng gồm có, CTCP Địa ốc Alibaba có mã doanh nghiệp số 0313788565, đăng ký kinh doanh ngày 5/5/2016 với vốn điều lệ 1 tỷ đồng. Trụ sở chính đặt tại 353 Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh.

Thay đổi lần thứ nhất vào ngày 3/12/2016, vốn điều lệ tăng gấp 20 lần để thành 20 tỷ đồng. Ngày 26/9/2017, thay đổi lần hai với vốn điều lệ tăng chóng mặt 1.600 tỷ (gấp 1600 lần so với lúc đăng ký).

Ở công ty này, ngoài ông Nguyễn Thái Luyện, chiếm 80% vốn điều lệ, các cổ đông khác là ông Nguyễn Thái Lĩnh - Giám đốc kiêm đại diện pháp luật, góp 10% vốn điều lệ và bà Võ Thị Thanh Mai, góp 10% vốn điều lệ.

Thứ hai, Công ty Cổ phần Alibaba Tây Bắc TPHCM, mã số doanh nghiệp: 0314675116, đăng ký kinh doanh lần đầu ngày 12/10/2017, vốn điều lệ 12.000 tỷ đồng, trụ sở chính đặt tại 120-122 Kha Vạn Cân, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức.

Đăng ký thay đổi lần thứ 1 ngày 25/10/2017 dời địa chỉ trụ sở chính về số 321 đường Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh. Ba cổ đông chính gồm: Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Ali, đăng ký góp 7.800 tỷ đồng, tương đương 65% vốn điều lệ, ông Lê Xuân Sơn 3.600 tỷ đồng, tương đương 30% vốn điều lệ, bà Đặng Thị Bích Ngọc đăng ký góp 600 tỷ đồng tương đương 5% vốn điều lệ do ông Nguyễn Văn Huấn là đại diện pháp luật.

Cuối cùng, Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Xây dựng Ali, mã số doanh nghiệp: 0310511406, đăng ký kinh doanh lần đầu ngày 11/12/2010 với tên gọi đầu tiên là Công ty TNHH một thành viên RENTHOUSE, vốn điều lệ chỉ có 100 triệu đồng, chỉ có 1 thành viên là ông Nguyễn Thái Luyện và cũng là người đại diện pháp luật. Trụ sở chính đặt tại 146/59/6 Vũ Tùng, quận Bình Thạnh.

Ngày 5/8/2017 đăng ký thay đổi lần thứ nhất với tên mới là Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Xây dựng Ali, vốn điều lệ được nâng lên 100 tỷ đồng, trụ sở chính đặt tại 120-122 Kha Vạn Cân, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức.

Đánh giá về vốn điều lệ của một công ty vừa thành lập lại siêu khủng, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng có nhiều vấn đề không minh bạch xung quanh bởi trên thị trường bất động sản chưa từng có tiền lệ này. Từ trước đến nay chỉ có 1 tập đoàn có vốn điều lệ trên 19.000 tỷ đồng, 3 tập đoàn tiếp theo cũng chỉ có vốn điều lệ trên dưới 8.000 tỷ đồng (tính đến năm 2016).

Giải thích về vốn điều lệ bất thường, bà N. (một thành viên góp vốn ở Công ty Cổ phần Alibaba Tây Bắc) tiết lộ, đây chỉ là con số được đưa ra chứ thực chất chưa có vốn để góp vào. Phải đợi đến khi đấu thầu xong dự án mới huy động.

Luyện thường dùng những tấm hình và chắt lọc những câu nói như là chân lý để lên lớp với sale.
Luyện thường dùng những tấm hình và chắt lọc những câu nói như là chân lý để "lên lớp" với sale.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng, Công ty Cổ phần Alibaba Tây Bắc TPHCM đăng ký vốn điều lệ 12.000 tỷ đồng là quá lớn, đến mức phi lý, không bình thường đối với một công ty khởi nghiệp.

"Cổ đông lớn nhất là Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Xây dựng Ali chỉ đăng ký vốn điều lệ 100 tỷ đồng, mà lại cam kết góp vốn vào Công ty Cổ phần Alibaba Tây Bắc TPHCM đến 7.800 tỷ đồng. Ông Lê Xuân Sơn đăng ký góp đến 3.600 tỷ đồng, bà Đặng Thị Bích Ngọc đăng ký góp đến 600 tỷ đồng là không bình thường”, ông Châu nhận xét.

Riêng ở Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Xây dựng Ali, Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Xây dựng Ali chỉ đăng ký vốn điều lệ là 100 tỷ đồng. “Số vốn điều lệ lớn, chưa biết Ông Nguyễn Thái Luyện đã góp đủ vốn điều lệ hay chưa, cũng chưa biết kết quả kinh doanh và quyết toán thuế qua các năm như thế nào, nhưng lại đăng ký góp đến 7.800 tỷ đồng, tương đương 65% vốn điều lệ của Công ty Cổ phần Alibaba Tây Bắc thành phố Hồ Chí Minh cũng là điều không bình thường”, ông Châu phân tích.

Công Quang