Chủ tịch Bạc Liêu: Thủ tục đất đai còn nhiêu khê, phải "có gì đó" mới nhanh
(Dân trí) - Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, thực tế, thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, đặc biệt cấp giấy quyền sử dụng đất cho người dân vẫn còn nhiêu khê, như phải có "cái gì đó" thì mới làm nhanh.
Ngày 9/7, tổng kết công tác quản lý đất đai thời gian qua, ông Nguyễn Bình Thuận, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bạc Liêu, khái quát, từ năm 2013 đến nay, tỉnh giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất cho 203 dự án với diện tích 1.798,64 ha và 2.474 hộ gia đình, cá nhân với diện tích 333,21 ha.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 195 dự án, với diện tích 202,1 ha đã thực hiện việc thu hồi, bồi thường, tái định cư. Trong đó, tỉnh đã thu hồi 2 dự án, diện tích 181,49 ha do chấm dứt hoạt động đầu tư; 3 dự án, diện tích 474,6 ha do tự nguyện trả lại đất và một dự án, với 0,44 ha do không được gia hạn thời gian theo quy định.
Theo ông Thuận, thị trường bất động sản Bạc Liêu thời gian qua từng bước được hình thành và phát triển. Tuy nhiên, tình trạng đầu cơ quỹ nhà, đất ở tràn lan không theo quy hoạch, đặc biệt tại đô thị, khu công nghiệp và những nơi mà sự chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất đang diễn ra mạnh mẽ làm cho thị trường bất động sản phát triển thiếu ổn định, giá nhà đất cao đột biến, thất thường...
Đánh giá công tác quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho rằng việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thủ tục hành chính, đặc biệt là cấp giấy quyền sử dụng đất cho người dân hiện nay còn nhiêu khê.
"Nói trên văn bản, trên nghị trường thì cán bộ chúng ta nói rất tốt nhưng đi vào thực tiễn cuộc sống thì lại khác. Như nghe phản ánh làm thủ tục đất đai phải có "cái gì đó" thì mới làm nhanh. Thậm chí qua "cò", không biết đã qua có hay không việc chi tiền cho cán bộ một cửa, trung tâm hành chính công thì mới làm nhanh được", ông Thiều đặt vấn đề.
Chủ tịch Bạc Liêu yêu cầu nếu có phải chấn chỉnh việc này kịp thời, cải tổ lại bộ máy hành chính Nhà nước, trong đó có những cán bộ, công chức, viên chức liên quan trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính đối với người dân và doanh nghiệp.
"Địa phương nào để xảy ra mà khi thanh, kiểm tra đột xuất có vấn đề đó thì Chủ tịch cấp huyện, Chủ tịch cấp xã phải chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy, Ủy ban tỉnh về vấn đề tiêu cực trong thời gian tới", ông Thiều quyết liệt.
Theo Chủ tịch Bạc Liêu, cá nhân, tổ chức được giao, cho thuê đất nếu không sử dụng thì lãng phí, có quyền thu hồi. Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan giao đất thì đề nghị thu hồi hoặc dự án không triển khai thì thu hồi dự án. Cứ làm đúng quy định, với mục tiêu cuối cùng là thu hồi được đất, chứ không để đẩy qua đẩy lại.
Theo Chủ tịch Bạc Liêu, công tác bồi thường tái định cư còn nhiều bất cập, hạn chế, nhiều sai phạm dẫn đến người dân chưa đồng tình. Quan điểm của Tỉnh ủy, Ủy ban tỉnh là khi thu hồi đất của người dân thì người dân phải sống được và cuộc sống tốt hơn sau khi bị thu hồi đất.
"Chứ thu hồi đất rồi mà họ không có công ăn việc làm, không có chỗ ở thì người ta lại nghèo, chính quyền cũng phải lo", ông Thiều quán triệt.
Chủ tịch Bạc Liêu đề nghị sắp tới khi triển khai các dự án thì đoàn thể, mặt trận, lực lượng công an tham gia ngay từ đầu. Để khi có giải quyết tranh chấp, hoặc người dân được bồi thường, hỗ trợ đầy đủ, đúng quy định mà cứ ngăn cản thì công an làm hồ sơ xử lý. Để làm sao vừa giải phóng được mặt bằng, người dân hớn hở giao đất, thực hiện công bằng, không có tiêu cực.
"Cái này phải thay đổi, từ con người, từ nhận thức của mỗi cấp, ngành, cán bộ, công chức liên quan đến quản lý Nhà nước về đất đai, thủ tục hành chính. Nếu chỗ nào, người nào làm không tốt thì thay đổi cán bộ, công chức đó. Chúng ta đừng bưng bít cái này nữa. Nếu cứ bưng bít hoài thì bộ máy cứ ì ạch, người dân thiếu niềm tin chính quyền là chỗ này", ông Thiều thẳng thắn.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cũng cho rằng, thời gian qua tất cả quy hoạch hầu như người dân không biết như quy hoạch sử dụng đất, chi tiết xây dựng… có nhưng không công khai, đặc biệt ở xã, phường, thị trấn làm rất yếu.
"Bởi vì người dân không biết chỗ đó quy hoạch gì, cho nên tự tay sang bán. Ngược lại một số người dân hiểu biết, lợi dụng đầu nậu, biết cũng làm ngơ, thành lập khu dân cư tự phát…. Do đó, chúng ta phải công khai, làm nghiêm cái này", ông Thiều chỉ rõ.