1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Chủ cây xăng: Tôi phải bỏ tiền túi ra trả lương nhân viên

Văn Hưng

(Dân trí) - Chủ cây xăng, thương nhân phân phối đều than lỗ, đổ lỗi do đầu mối độc quyền quyết định chiết khấu. Cơ quan quản lý thì khẳng định đã "tính đúng, tính đủ", doanh nghiệp cần phải tự đàm phán hợp đồng.

Chủ cây xăng, thương nhân phân phối về một phe, đổ lỗi cho đầu mối

Chia sẻ tại tọa đàm về kinh doanh xăng dầu do Tiền Phong tổ chức sáng nay (6/3), ông Lê Văn Báu - Giám đốc Công ty TNHH Xăng dầu Bảo Dương (TPHCM) - cho rằng, doanh nghiệp bán lẻ là người làm thuê cho nhà cung cấp nhưng lại không được nhận lương. Các chủ cây xăng đang phải tự bỏ tiền túi ra trả lương cho người lao động.

Việc nhà cung cấp không trả lương cho nhà bán lẻ có vi phạm pháp luật không? Doanh nghiệp bán lẻ được nhận chiết khấu chỉ 100-200 đồng/lít, thậm chí âm có vi phạm không? Cơ quan quản lý phải làm sao?... là những câu hỏi mà ông Báu đặt ra cho các cấp quản lý.

Chủ cây xăng: Tôi phải bỏ tiền túi ra trả lương nhân viên - 1

Ông Báu đề xuất cần có quy định mức chiết khấu cố định 5-6% trên giá bán xăng cho doanh nghiệp bán lẻ (Ảnh: Báo Tiền Phong).

Tương tự, ông Giang Chấn Tây - Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc (Trà Vinh) - cho biết hơn một năm qua, ông phải dùng tiền túi để bù lỗ hoạt động kinh doanh của cây xăng. "Doanh nghiệp bán lẻ lỗ nặng nề, bị kiệt quệ về tài chính, có người phải bán cả ruộng vườn, đất đai, thậm chí cầm cố tài sản để bù lỗ", ông Tây nói.

Theo ông, Bộ Công Thương luôn giải thích chiết khấu do "thỏa thuận để tạo công bằng, cạnh tranh". Tuy nhiên, những gì diễn ra suốt hơn một năm qua đã chứng minh điều ngược lại. Chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ là "sự ban phát" từ doanh nghiệp đầu mối.

Ông Tây đề xuất liên Bộ Tài chính, Bộ Công Thương thành lập hội đồng để phân chia 1.350 đồng chi phí lưu thông và lợi nhuận định mức xem doanh nghiệp bán lẻ nhận được bao nhiêu đồng. Còn ông Lê Văn Báu kiến nghị cần có quy định chiết khấu 5-6% trên giá bán và doanh nghiệp bán lẻ phải được lấy nhiều đầu mối.

Về phía thương nhân phân phối, ông Văn Tấn Phụng - Chủ tịch HĐQT Công ty Thương mại Dầu khí Đồng Nai - cũng than lỗ như doanh nghiệp bán lẻ. Ông Phụng cho rằng đầu mối nhập khẩu là tác nhân đẩy bên phân phối và bán lẻ vào thế khó. Bên cạnh đó, dịch bệnh, chiến tranh càng làm lộ rõ những yếu kém trong điều hành xăng dầu.

Chủ cây xăng: Tôi phải bỏ tiền túi ra trả lương nhân viên - 2

Ông Phụng cho rằng đang có hiểu lầm khi nói thương nhân phân phối là trung gian (Ảnh: Báo Tiền Phong).

"Chúng tôi là thương nhân phân phối mà cũng không được rót xăng dầu thì làm sao chúng tôi rót cho bán lẻ. Bất cập là từ đầu mối nhập khẩu xăng dầu, việc điều hành ở đó bất cập. Chúng tôi rất lỗ, doanh nghiệp sắp chết", ông Phụng bức xúc và khẳng định việc điều tiết chiết khấu do đầu mối quyết định.

Buổi tọa đàm không có sự góp mặt của đầu mối xăng dầu khi sát giờ, nhóm doanh nghiệp này báo bận bởi những lý do khác nhau.

Sẽ trao quyền cho doanh nghiệp nhiều hơn?

Trước các ý kiến từ doanh nghiệp, về vấn đề chiết khấu, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - cho biết chiết khấu phụ thuộc nhiều yếu tố: cung cầu, cạnh tranh, tài chính doanh nghiệp, tồn kho... Theo ông, phải đặt câu hỏi có nước nào quy định chiết khấu tối thiểu không? Nhà nước có nên can thiệp hoạt động các doanh nghiệp không? Nếu có thì tỷ lệ bao nhiêu phần trăm là hợp lý, khoa học.

"Câu chuyện chiết khấu các doanh nghiệp có thời kỳ lên 1.500-2.000 đồng/lít, tại sao chúng ta không tính chiết khấu bình quân? Tại sao doanh nghiệp bán lẻ không tìm chiết khấu bằng cách đàm phán hợp đồng?", ông Đông nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng Quản lý giá (Bộ Tài chính), khẳng định cơ quan này đã tính đúng, tính đủ dựa trên cơ sở chi phí của thương nhân phân phối, đồng thời sẽ rà soát chi phí định mức trong công thức tính giá cơ sở nếu có phát sinh.

Đối với vấn đề doanh nghiệp bán lẻ được nhập hàng từ nhiều nguồn, ông Đông cho rằng luật không nghiêm cấm. Bản chất nếu như đại lý thấy chiết khấu không ổn, có thể chấm dứt hợp đồng để tìm nguồn cung cấp khác. Tuy nhiên, hiện thủ tục hành chính cho việc đổi tên nhà cung cấp, cơ quan Nhà nước vẫn còn máy móc.

Chủ cây xăng: Tôi phải bỏ tiền túi ra trả lương nhân viên - 3

Ông Đông trả lời 5 vấn đề chính về xăng dầu mà doanh nghiệp quan tâm (Ảnh: Báo Tiền Phong).

Về việc sửa Nghị định 83 và Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, lãnh đạo Bộ Công Thương nêu quan điểm cần trả về cho thị trường, trao quyền cho doanh nghiệp nhiều hơn nữa. Nhà nước sẽ định hướng ở mức độ nào đó, vẫn giữ quỹ bình ổn nhưng không sử dụng liên tục như hiện nay.

Tại tọa đàm, TS Vũ Đình Ánh nhìn nhận vấn đề lớn nhất của thị trường xăng dầu hiện nay là tạo ra sự đối đầu giữa đầu mối và phân phối - bán lẻ. Cốt lõi của vấn đề là xung đột lợi ích. Một vấn đề khác, theo ông Ánh, là Việt Nam chưa đặt ra việc có muốn xây dựng một thị trường xăng dầu hay không.

Vị chuyên gia cho rằng chỉ nên có hai bộ phận: một là đầu mối, còn lại là phân phối. Khi quy định về chiết khấu, vô hình chung coi bán lẻ nằm trong chuỗi của đầu mối, phụ thuộc đầu mối. Do đó, Nhà nước cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp phân phối tiếp cận thị trường, kinh doanh trên thị trường.

Trong khi đó, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương, cho rằng các bên không nên mổ xẻ trách nhiệm và đổ lỗi qua lại cho nhau vì thị trường vốn bất định. Doanh nghiệp bán lẻ không thể đổ lỗi cho doanh nghiệp nhập khẩu, cung ứng xăng dầu và ngược lại.

"Hãy để các doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối xăng dầu tự thỏa thuận với nhau về lợi ích, để họ tự phân chia lợi ích thì thị trường sẽ dần hài hòa", ông Cung nhấn mạnh.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm