“Choáng” với lãi suất kỳ hạn dài
Rất hiếm khi lãi suất trên liên ngân hàng các kỳ hạn dài lại lên mức cao như vậy. Thực tế này đang có, như một sự đánh đổi tình thế với chi phí.
Dữ liệu chính thức của Ngân hàng Nhà nước cập nhật cho thấy, trong ngày 17/10, lãi suất giao dịch bình quân trên thị trường liên ngân hàng cao nhất có ở hai kỳ hạn 6 và 12 tháng - hai loại kỳ hạn dài trong cơ cấu giao dịch, lần lượt là 15,18%/năm và 20,64%/năm.
Đó là những mức cao, đặc biệt là 20,64%/năm của kỳ hạn 12 tháng. Nhưng chưa phải là cao nhất. Dữ liệu công bố của Ngân hàng Nhà nước là mức bình quân, đồng nghĩa với việc có những giao dịch phải chấp nhận mức lãi suất cao hơn vậy, hoặc giả ở kỳ hạn này chỉ có duy nhất một giao dịch thành công và tính đại diện yếu.
Dù tính đại diện thế nào, những mức lãi suất cao có ở các kỳ hạn dài như vậy phản ánh một thực tế có thể suy tính.
Thứ nhất, lãi suất thường có một cơ sở quan trọng là lạm phát, và mức 20,64%/năm đó phản ánh kỳ vọng lạm phát sẽ tiếp tục tăng cao. Điều này không hợp lý khi các kỳ hạn còn lại mức bình quân vẫn tương đối dễ chịu; trong ngày 17/10 vẫn ở dưới 15%/năm.
Thứ hai, một câu hỏi đáng xem xét hơn là vì sao có ngân hàng (hoặc những ngân hàng) lại chấp nhận một mức lãi suất cao như vậy, ở kỳ hạn dài như vậy? Huy động lãi suất cao cho kỳ hạn dài là một bài toán chi phí đặt ra ở thời điểm này, trong khi một tham khảo là huy động kỳ hạn tương tự trên thị trường 1 tối đa chỉ 14%/năm.
Giả thiết đặt ra, có thể có ngân hàng (hoặc những ngân hàng) buộc phải đánh đổi chi phí vay rất cao và kéo dài như vậy để ứng xử với tình thế khó khăn hiện nay. Vì với những khoản vay ngắn, kỳ đáo hạn nhanh, lại thêm áp lực cho vấn đề thanh khoản mà họ đang phải chống đỡ.
Hoặc sự bất thường trên có những nguyên do mà người trong chăn mới nắm rõ. Cũng có thể “đơn giản” là một bài toán đã được tính trong cân đối các kỳ hạn sử dụng vốn.
Còn theo các thông tin tiếp tục cập nhật, trong ngày 19/10, lãi suất liên ngân hàng các kỳ hạn ngắn đã có dấu hiệu dịu bớt. Điều này gắn với thông điệp mà Ngân hàng Nhà nước vừa phát đi, “không để ngân hàng nào mất thanh khoản”, cũng như định hướng sẽ hỗ trợ chung cho hệ thống.
Đi cùng với lời nói, ngày 19/10 các tổ chức đầu tư ghi nhận Ngân hàng Nhà nước tiếp tục mở hoạt động hỗ trợ. Sau khi liên tiếp bơm ròng khá mạnh từ cuối tuần qua và đầu tuần này trên thị trường mở (OMO), nhà điều hành đã tăng thêm phiên đấu thầu cũng như áp hai kỳ hạn hỗ trợ là 7 ngày và 14 ngày, cũng như tiếp tục bơm ròng.
Thị trường vẫn đang hướng theo sự hỗ trợ này cũng như diễn biến của lãi suất trên thị trường liên ngân hàng. Và điểm chờ đợi xa hơn một chút là dữ liệu về tình hình huy động vốn và tăng trưởng cung tiền trong tháng 10 này mà Ngân hàng Nhà nước dự kiến sẽ công bố.