Cho tiền cũng không xử lý hết nợ xấu

Đó là câu nói của ông Nguyễn Quốc Hùng - Chủ tịch HĐTV Cty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Ông Hùng cũng đề nghị hãy trao cho VAMC những quyền lực cụ thể.

Cho tiền cũng không xử lý hết nợ xấu
Khi làm dự án doanh nghiệp phải vay tiền ngân hàng, nhưng khi quyết toán xong vẫn không được thanh toán, trong khi doanh nghiệp vẫn phải trả lãi ngân hàng. Ảnh: Hồng Vĩnh
 

Chiều 12/6, hội thảo riêng về “giảm trừ và giải quyết nợ xấu” dưới góc nhìn pháp lý đã diễn ra tại Hà Nội ( Hội Luật gia Việt Nam và Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức).

Phát biểu mở đầu, ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch HĐTV Cty VAMC  nói luôn: “Có cho tiền thật để mua, VAMC vẫn không xử lý được hết nợ xấu”. Lý do, theo ông Hùng, vì vướng các quy định pháp lý. Cụ thể, ông Hùng dẫn chứng, có khách hàng ở thành phố HCM vay gần 1.000 tỷ đồng, thế chấp bằng nhà, nhưng khi xuống đòi thì họ không trả, dù nhà đó cho thuê mỗi năm thu về mấy trăm tỷ đồng. “Mình yêu cầu họ bán tài sản để trả nợ nhưng họ không bán, mình cũng không làm được gì. Còn kiện ra tòa thì 50 năm sau có khi vẫn chưa đòi được”, ông Hùng nói.

Theo ông Hùng, dù VAMC mua các khoản nợ xấu cho tổ chức tín dụng cũng không biết bán cho ai, vì Việt Nam chưa hình thành thị trường mua bán nợ. Nếu có bán, cũng chỉ là các công ty mua bán nợ của nhà nước mua bán với nhau. “Khi xây dựng đề án thành lập VAMC, nếu làm theo đề án thì trái hết tất cả các luật hiện nay. Cũng có 50-60 nhà đầu tư nước ngoài quan tâm tới các khoản nợ xấu, họ vào ra rất vui, nhưng khi hỏi quyền họ thế nào, mua ra sao mình không trả lời được. Giờ VAMC mua rồi chẳng nhẽ để đấy, còn nếu bán phải có thị trường, có người mua”, ông Hùng nói.

Do đó, ông Hùng tuyên bố, VAMC không cần tiền, chỉ cần có quyền. Ông Hùng liệt kê 4 quyền VAMC cần để xử lý nợ xấu: Quyền thu giữ tài sản đảm bảo; quyền như thi hành án; quyền đề nghị khởi tố nếu khách hàng không trả nợ; quyền đấu giá tài sản đảm bảo không cần người vay đồng ý (đã nợ phải trả, không phải người vay không đồng ý là tổ chức tín dụng không bán được tài sản đảm bảo như hiện nay). “Giờ cho cơ chế, trong 1 tháng VAMC có thể thu được ngay 1.000 tỷ đồng”, ông Hùng nói.

Theo VAMC, nợ xấu tính tới hết tháng 12/2014 của các tổ chức tín dụng là khoảng 309.000 tỷ đồng. Cùng thời gian, VAMC đã mua được 133.555 tỷ đồng dư nợ gốc với giá 108.652 tỷ đồng. Trong đó, nợ bất động sản chiếm hơn 67% (tương đương 83.000 tỷ đồng); vay kinh doanh chiếm 25,7% (tương đương 31.900 tỷ đồng). Về hoạt động bán nợ, VAMC đã bán 68 khoản với giá trị nợ gốc là 2.306 tỷ đồng, thu về 1.773 tỷ đồng; bán tài sản đảm bảo thu về 490 tỷ đồng.

Luật sư Trương Thanh Đức (Chủ tịch Cty Luật Basico) nhìn nhận: việc xử lý nợ xấu khó khăn nguyên nhân chủ yếu do pháp luật gây ra (chiếm 70%). “Luật chúng ta càng nhiều càng rối, nó như mớ bòng bong, khiến khách hàng vay nợ chây ỳ”.

LS Đức dẫn chứng, lãi suất vay ngân hàng là 10%/năm, lãi suất quá hạn cao nhất là 15%/năm. Tuy nhiên, khi kiện ra tòa, theo Luật Dân sự, số lãi suất chậm trả chỉ phải mất 9%/năm, lãi suất này thấp hơn cả lãi vay và lãi quá hạn. “Rõ ràng, con nợ càng chây ỳ càng có lợi”, LS Đức nói.

80% nợ xấu rơi vào DNNN

Chuyên gia kinh tế - TS Vũ Đình Ánh cho biết, với 300.000 tỷ đồng nợ xấu không phải vấn đề lớn, khi các ngân hàng đã trích lập dự phòng rủi ro được 150.000 tỷ đồng, số còn lại VAMC có thể xử lý được.“Trong số 13.500 án dân sự liên quan tới tổ chức tín dụng, tới nay mới xử lý được 300 án. Nhiều lãnh đạo ngân hàng nói với tôi họ không sức đâu đi kiện tụng. Vì từ khi khởi kiện tới khi thi hành án cũng phải 1 - 2 năm, thậm chí 10 năm. Giờ chỉ cần xử được 1 nửa số án dân sự còn tồn đọng đã có thể xử lý được 1 nửa nợ xấu ngân hàng”, TS Ánh nói.

Bình luận về nợ xấu ngân hàng, ông Phạm Ngọc Long, Viện trưởng Viện Khoa học quản trị doanh nghiệp nhỏ và vừa cho rằng, nợ công và nợ xấu liên quan mật thiết với nhau. Ông lý giải, khi làm dự án doanh nghiệp phải vay tiền ngân hàng, nhưng khi quyết toán xong ngân sách nhà nước vẫn không chi trả, trong khi doanh nghiệp vẫn phải trả lãi ngân hàng. “Nợ xấu Việt Nam rất đặc thù, khi 80% nợ xấu rơi vào các doanh nghiệp nhà nước lớn, với các khoản đầu tư ngoài ngành không hiệu quả”, ông Long nói.

Với việc xử lý nợ xấu thông qua VAMC, ông Viện trưởng Viện Khoa học Quản trị doanh nghiệp Phạm Ngọc Long cho rằng, đó chỉ là cho tất cả vào kho, chưa theo nguyên tắc thị trường. “Nhưng đó là cách làm duy nhất, khi ngân sách không có để xử lý”, ông Long nói. Theo ông Long, hiện việc phân loại nợ xấu cũng chưa đảm bảo. Điểm nghẽn về mặt pháp lý bởi do văn bản pháp luật trong việc xử lý nợ xấu chưa hoàn thiện, thậm chí các quy định mâu thuẫn, khó áp dụng thực tế.

Chỉ ra vướng mắc với quá trình xử lý nợ xấu của VAMC, TS Nguyễn Quốc Hùng liệt kê tới 11 khó khăn, bất cập, như: Tiến hành cơ cấu nợ, giảm lãi còn nhiều hạn chế; có doanh nghiệp phát sinh nợ xấu tại nhiều tổ chức tín dụng; khách hàng không đồng ý bàn giao tài sản đảm bảo; VAMC không có quyền chủ động xử lý nợ xấu mua bằng tài sản đảm bảo…

 

 Với việc xử lý nợ xấu thông qua VAMC, Viện trưởng Viện Khoa học Quản trị doanh nghiệp Phạm Ngọc Long cho rằng, đó chỉ là cho tất cả vào kho, chưa theo nguyên tắc thị trường. “Nhưng đó là cách làm duy nhất, khi ngân sách không có để xử lý”, ông Long nói.

 
Theo Lê Hữu Việt - Tuấn Đức
Tiền Phong
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”