Cho nhập trăm nghìn con bò giết thịt: Rất hiếm nước như Việt Nam!

(Dân trí) - Chuyên gia cao cấp trong ngành nông nghiệp nhấn mạnh, từ xưa tới nay rất ít, rất hiếm có nước nào trên thế giới cho nhập khẩu hàng đàn vài trăm nghìn con trâu bò sống vào lãnh thổ nước mình để giết thịt.

TPP còn chưa có hiệu lực mà thịt ngoại đã xâm nhập vào từng bếp ăn trong các gia đình. 
TPP còn chưa có hiệu lực mà thịt ngoại đã xâm nhập vào từng bếp ăn trong các gia đình. 

Báo cáo tham luận tại Hội thảo “Phát triển chăn nuôi bên vững chủ động hội nhập”, chuyên gia nông nghiệp cao cấp Lê Bá Lịch - Chủ tịch hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam đánh giá, ngành chăn nuôi hàng năm sản xuất ra khối lượng sản phẩm thịt, trứng, sữa (2014) giá trị tương đương trên 10 tỷ USD, đủ nguồn thực phẩm tươi sống cung cấp cho hơn 90 triệu dân, tiện ích cho tập quán tiêu thụ nội địa của dân tộc hàng ngàn năm, giải quyết việc làm cho hàng triệu, hàng triệu lao động nông nghiệp. 

Tuy nhiên, đến năm 2014, sản xuất thịt của Việt Nam vẫn đứng sau nhiều nước trong khu vực. Cụ thể, Việt Nam đạt 34,2 kg thịt xẻ/người/năm, đứng sau Trung Quốc (55 kg), Brunei (50kg), Malaysia (58 kg); ngang với Thái Lan (34,6 kg); dưới mức bình quân thế giới: 42 kg/người/năm (FAO, 2011). 

Ông Lịch cũng dẫn thống kê của FAO năm 2011 cho thấy, cơ cấu tiêu thụ loại thịt đỏ (trâu, bò, dê, cừu…) của ta quá thiếu, chỉ có 9,3% tổng số thịt tiêu thụ trong nước; tiêu thụ thịt gia cầm 17,5%; Việt Nam chủ yếu tiêu thụ thịt lợn 73,3%, trong khi ở Lào tiêu thụ thịt trâu bò chiếm 33,6% tổng số thịt tiêu thụ. Tương tự ở Campuchia 32%, Myanmar 22,7%. Cũng như vậy, tiêu thụ thịt gia cầm ở Indonesia 55%, Malaysia 84%, Philippines 28,5%, Thái Lan 55,7%…

"Điều phải suy ngẫm là, mười lăm năm trở lại đây, việc chỉ đạo phát triển trâu bò thịt và phát triển đàn thủy cầm rơi vào quên lãng. Nghề nuôi ngan, vịt là nghề truyền thống mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất trong chăn nuôi nhưng không có chính sách khuyến khích phát triển lại bị đe dọa, hủy diệt, cấm đoán với lý do thiếu thuyết phục: “Nó là con vật mang và truyền mầm dịch cúm gia cầm””, ông Lịch nói. 

Theo ông Lịch, trong khi đó Việt Nam lại cho phép nhập vài trăm nghìn con bò sống từ Australia, Lào, Campuchia…giết mổ tại Việt Nam mà không sợ nó mang mầm bệnh lở mồm long móng, lợn tai xanh, dịch tả… vào Việt Nam. 

"Từ xưa tới nay rất ít, rất hiếm có nước nào trên thế giới cho nhập khẩu hàng đàn vài trăm nghìn con trâu bò sống vào lãnh thổ nước mình để giết thịt”, ông Lịch nhấn mạnh. 

Về tương lai cho ngành chăn nuôi, bà Trần Thị Thanh Tâm - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp vừa và nhỏ (VCCI) đánh giá, các hiệp định thương mại tự do, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hay Cộng đồng kinh tế Asean (AEC) sẽ có hiệu lực cuối năm 2015 cũng đặt ra rất nhiều thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt ngành chăn nuôi sẽ chịu áp lực cạnh tranh rất lớn từ thịt nhập khẩu.

Theo bà Tâm, cho đến nay đa số người Việt Nam vẫn tiêu dùng thịt tươi, trong khi sản phẩm thịt nhập khẩu chủ yếu là thịt đông lạnh. Thói quen tiêu dùng này sẽ là “lá chắn” giúp Việt Nam còn đủ thời gian để tái cơ cấu nhanh ngành chăn nuôi.

Tuy nhiên, một thực tế đáng lưu ý là sản phẩm chăn nuôi trong nước đang bị cạnh tranh bởi những sản phẩm chăn nuôi được nhập khẩu nhiều, tăng dần trong những năm vừa qua. Mặc dù hiện tại người tiêu dùng Việt Nam vẫn đang có thói quen sử dụng thịt nóng, tuy nhiên đây chỉ là vấn đề thời gian. Ngày càng có nhiều người mua thịt đông lạnh nhập khẩu.

Số liệu cụ thể cho thấy, hiện nay dù thuế nhập khẩu thịt gia súc, gia cầm vẫn còn thì ước tính trong năm 2014, Việt Nam đã nhập khẩu 400 triệu USD thịt các loại. Trong đó, có 250 triệu USD nhập khẩu bò sống về giết thịt, với 200 triệu USD nhập khẩu từ Úc và 50 triệu USD từ các nước còn lại. 

Nhập khẩu các loại thịt gia cầm và phụ phẩm gia cầm chiếm 120 triệu USD, còn lại là các loại thịt khác như heo, cừu, trâu,.…Riêng đối với nhập khẩu gia súc từ Úc để về nuôi, giết mổ trong niên vụ 2013-2014 đã đạt 131.367 đầu gia súc trị giá 124 triệu đô la Úc, tăng 8 lần so với niên vụ 2012-2013.

“Theo Hiệp hội chăn nuôi Việt Nam, Việt Nam nhập nhiều thịt không phải do chăn nuôi trong nước không đáp ứng được mà do giá thịt ngoại cạnh tranh hơn. TPP còn chưa có hiệu lực mà thịt ngoại đã xâm nhập vào từng bếp ăn trong các gia đình. Vậy, khi hiệp định TPP có hiệu lực, khi thuế nhập khẩu thịt giảm dần về 0%, các sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu sẽ ồn ạt tràn vào Việt Nam thì cả người chăn nuôi lẫn các doanh nghiệp chăn nuôi nhỏ, các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi nội đều sẽ khó tồn tại nếu không liên kết theo chuỗi sản xuất”, bà Tâm nói. 

 Phương Dung