1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Cho nhập khẩu xe cũ: VAMA lo lắng trước giờ "G"

Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô VN (VAMA) đã gửi thư tới Bộ Thương mại bày tỏ sự lo ngại về việc gian lận trong nhập khẩu xe cũ sẽ ảnh hưởng tới ngành công nghiệp trong nước.

Tuy nhiên, bản thân các thành viên không thể thống nhất cách thức ứng phó với diễn biến thị trường. 

Phần lớn liên doanh dường như lường trước được quyết định cho nhập khẩu xe đã qua sử dụng của Chính phủ từ cuối năm ngoái nên đã bắt đầu có các động thái giảm giá bán. Tuy nhiên, hầu hết tỏ ra khá bất ngờ trước thời điểm quyết định này được đưa ra, ngày 13/2.

Sau những xôn xao ban đầu, giờ đây cả người tiêu dùng và các công ty lắp ráp ôtô đã bắt đầu bình tĩnh hơn trong việc nhìn nhận ảnh hưởng của sự kiện này đối với thị trường trong nước. Toyota VN, đầu tàu của VAMA, cho biết không cảm thấy quá lo lắng và sẵn sàng tiếp nhận cạnh tranh một cách công bằng.

Vinastar e ngại khả năng VN trở thành bãi chứa các xe phế thải thế giới. "Nếu cho phép nhập khẩu xe đã qua sử dụng, điều rất cần thiết là phải thiết lập một hệ thống chính xác và nghiêm túc để đánh giá chất lượng hiện hữu của những chiếc xe cũ đó trước khi chúng lăn bánh trên những con đường công cộng", Vinastar kiến nghị.

Quan điểm của Toyota cũng như Vinastar trùng với những gì được nêu trong lá thư VAMA gửi Bộ Thương mại và các bộ liên quan hôm nay. Lá thư còn bày tỏ sự quan ngại về việc nhà nước sẽ thất thu ngân sách một khi giá xe nhập trên hóa đơn thấp hơn thực tế.

Tuy nhiên, đằng sau đó là nỗi lo xe cũ nhập khẩu được bán giá thấp sẽ gây ra cạnh tranh bất bình đẳng với xe lắp ráp nội địa.

"Ở nhiều nước, công nghiệp ôtô là ngành công nghiệp chính yếu có ảnh hưởng to lớn đến nền kinh tế đất nước, vì vậy các nhà sản xuất được khuyến khích tham gia, kiếm lãi, và tái đầu tư để đẩy mạnh nội địa hoá. Tại VN, công nghiệp ôtô vẫn còn trong giai đoạn bắt đầu, và việc cạnh tranh với xe nhập khẩu là không thể", Vinastar khẳng định.

Cuối tuần qua, Toyota đã tung ra chương trình khuyến mại "Mùa xuân" với các xe Altis, Vios và Zace, những mẫu xe trước đó đã được giảm giá bán so với năm 2005. Theo công ty, đợt khuyến mại này nhằm hạn chế sự "suy giảm của dòng xe du lịch bao gồm xe Corolla Altis và Vios" đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả kinh doanh.

Cùng đi theo xu hướng này là Ford. Công ty ôtô của Mỹ nhận định: "Về lâu dài, các nhà sản xuất có thể tính đến khả năng kết hợp các giải pháp giữa nhập khẩu sản phẩm nguyên chiếc và sản xuất trong nước tại thị trường VN".

Trong cuộc họp giữa các thành viên chủ chốt VAMA ngày 9-2 tại Hà Nội, cả Toyota và Ford, với hai vị tổng giám đốc, một hoàn toàn mới, một là chuyên gia kinh doanh, đều đã bày tỏ quan điểm cố gắng giữ vững thị phần.

Tuy nhiên, một thành viên giữ cương vị Phó chủ tịch VAMA đã đề nghị giữ giá xe ở mức cao và thậm chí còn đề xuất các biện pháp mạnh hơn như cho công nhân nghỉ việc. Quyết định đi ngược xu hướng này không hoàn toàn đơn độc.

Vinastar cho biết đang lên kế hoạch với tầm nhìn dài hạn và cho rằng "việc giảm giá của một vài đối thủ là không hợp lý và chúng tôi sẽ không theo việc định giá bất hợp lý đó". Đại diện của Mekong lại nhìn nhận những xe có giá trị cao trên 30.000 USD mới bị ảnh hưởng trực tiếp bởi xe nhập khẩu và thực chất "giá xe giảm chỉ áp dụng cho các model đang tồn kho nhiều".

Toyota và Ford giảm giá, một số liên doanh khác tỏ ra thận trọng. Isuzu thậm chí đã cho 300 công nhân nghỉ làm hưởng 70% lương. Các thành viên nội địa án binh bất động. VAMA đang phải đối mặt với những thách thức cả từ bên ngoài lẫn chính trong nội bộ.

Theo VnExpress

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm