1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Chợ đóng cửa do Covid-19: Đề xuất mở lại khi 100% tiểu thương tiêm vắc xin

Nguyễn Khánh

(Dân trí) - Bộ Công Thương đề nghị xem xét mở lại các chợ có ca nhiễm Covid-19. Một trong những điều kiện đưa ra là 100% tổ chức, cá nhân quản lý chợ, người bán hàng phải tiêm ít nhất một mũi vắc xin.

Chợ đóng cửa do Covid-19: Đề xuất mở lại khi 100% tiểu thương tiêm vắc xin - 1

Chợ muốn mở trở lại cũng cần có biện pháp kiểm soát mật độ người mua bán tại, bảo đảm quy định phòng, chống dịch, giữ khoảng cách an toàn.

Chiều 5/8, Bộ Công Thương có công văn đề nghị UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục rà soát, đánh giá để mở trở lại các chợ đã đóng vì có ca nhiễm Covid-19.

Bộ lưu ý phải đảm bảo 100% tổ chức, cá nhân quản lý chợ, người bán hàng, người lao động tại chợ (người làm việc tại chợ) đã được tiêm ít nhất một mũi vắc xin; Người làm việc tại chợ (trước khi quay trở lại làm việc) phải được xét nghiệm (bằng phương pháp PCR) và có kết quả âm tính còn hiệu lực; được vệ sinh, khử khuẩn toàn bộ chợ và xung quanh chợ theo quy định.

Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương cho rằng các địa phương cần biện pháp kiểm soát tốt người làm việc tại chợ. Chẳng hạn, người làm việc tại chợ phải khai báo y tế hàng ngày; không đi làm việc nếu có một trong các triệu chứng như: mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng, khó thở hoặc đang trong thời gian cách ly tại nhà theo yêu cầu của cơ quan y tế.

Những người này cũng cần tự đo thân nhiệt, theo dõi sức khỏe tại nhà trước khi đến nơi làm việc. Nếu có các biểu hiện sốt, ho, đau họng, khó thở…, họ phải báo cho đơn vị quản lý chợ, y tế địa phương để được tư vấn và xử lý theo quy định.

Ngoài ra, các địa phương cũng cần tổ chức kiểm soát tốt người mua bán tại chợ như khai báo y tế trước khi vào chợ bằng mã QR code hoặc thẻ ra vào chợ…; tổ chức đo thân nhiệt tại khu vực cửa vào chợ; sát khuẩn tay; đeo khẩu trang và giữ khoảng cách theo quy định; bố trí biển báo quy định phòng, chống dịch đối với khách hàng, bố trí đầy đủ nước sát khuẩn tay; bố trí khu vực xếp hàng vào chợ có kẻ vạch giãn cách giữa các khách hàng theo quy định.

Bộ cũng cho rằng cần có biện pháp kiểm soát tốt mật độ người mua bán tại chợ như bảo đảm quy định phòng, chống dịch, giữ khoảng cách an toàn theo quy định. Tại các cửa hàng, gian hàng: kẻ vạch giãn cách giữa khách hàng với người bán hàng và giữa các khách hàng theo quy định.

Chợ muốn mở trở lại cũng cần có biện pháp kiểm soát mật độ người mua bán tại, bảo đảm quy định phòng, chống dịch, giữ khoảng cách an toàn. Xe vận chuyển hàng hóa ra vào chợ phải có nhật ký hành trình di chuyển, cài đặt phần mềm khai báo y tế, Bluezone.

Bộ Công Thương đề nghị các tỉnh, thành phố đánh giá lại và đạt xếp loại đánh giá nguy cơ thực hiện tốt, ít nguy cơ lây nhiễm (80-100 điểm) theo hướng dẫn phòng, chống Covid-19 tại chợ trong thời gian giãn cách theo Chỉ thị 16 của Bộ Y tế.

"Cơ quan có thẩm quyền có thể cho phép chợ mở cửa hoạt động trở lại nếu đáp ứng các yêu cầu nêu trên", Bộ Công Thương đề nghị.

Về việc bố trí địa điểm tạm thời thay thế các chợ bị đóng cửa do có ca nhiễm nhằm bảo đảm hoạt động cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân địa phương, Bộ Công Thương lưu ý các nội dung: Địa điểm bố trí bảo đảm công tác phòng chống dịch bệnh; chỉ kinh doanh hàng hóa thiết yếu theo quy định; có biện pháp kiểm soát tốt mật độ, tần suất người mua bán tại điểm bố trí tạm thời;

Ngoài ra, các nội dung khác gồm: Tổ chức mua bán theo nguyên tắc một chiều; Bảo đảm số lượng hộ kinh doanh phù hợp, bảo đảm giãn cách giữa các tiểu thương và khách mua hàng; thực hiện tốt thông điệp 5K và công tác phòng chống dịch trong quá trình mua bán hàng hóa tại địa điểm bố trí tạm thời. Tổ chức, cá nhân quản lý chợ, người bán hàng, lao động tại địa điểm bố trí tạm thời (người làm việc tại chợ) đã được tiêm ít nhất một mũi vắc xin. Người làm việc tại chợ thường xuyên được xét nghiệm để bảo đảm an toàn trong phòng chống dịch.