Bác bỏ đề xuất giảm phí trước bạ, ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt xe nội
(Dân trí) - Bộ Tài Chính không đồng tình với đề xuất giảm 50% phí trước bạ, ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt xe nội như dự thảo Nghị quyết do Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra.
Chia sẻ với PV Dân trí, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, sáng nay (5/5) vấn đề này sẽ được bàn chính thức trong Chính phủ.
Tuy nhiên, trong bản góp ý vào Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Bộ Tài chính không đồng tình với đề xuất giảm 50% phí trước bạ và ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt với xe nội địa.
Bộ này cho rằng: "Ý kiến này vi phạm cam kết về không phân biệt đối xử giữa hàng sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu khi gia nhập tổ chức thương mại thế giới (WTO), do đó đề nghị không đưa vào dự thảo Nghị quyết".
Trước đó, trong dự thảo Nghị quyết do Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng trình Chính phủ, cơ quan này có đưa đề xuất giảm 50% phí trước bạ đối với người mua xe ô tô trong nước trong năm 2020 và chính sách ưu đãi về Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ngành ô tô nội. Các đề xuất này sẽ được báo cáo Chính phủ cho ý kiến và sau đó sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội quyết định.
Phản hồi ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dẫn ý kiến của Bộ Công Thương cho biết: "Đây là nội dung kiến nghị của Bộ Công Thương nhằm khuyến khích sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước. Đề nghị Bộ Công Thương rà soát, đảm bảo kiến nghị này không vi phạm các cam kết của Việt Nam về không phân biệt đối xử giữa hàng sản xuất trong nước với hàng nhập khẩu khi gia nhập tổ chức thương mại thế giới".
Trước đó trả lời báo Dân trí, ông Nguyễn Chí Dũng, - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, ngay trong sáng nay (5/5), Chính phủ sẽ bàn thảo các nội dung trong dự thảo Nghị quyết nói trên và những nội dung nào nằm trong thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng sẽ quyết định. Những nội dung nào thuộc thẩm quyền của Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, Chính phủ sẽ cho ý kiến, trình lên Quốc hội.
Theo quy định của WTO, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp thuộc các loại thuế nội địa. Các loại thuế này phải tuân thủ nguyên tắc đối xử quốc gia hay còn gọi là Tối huệ quốc (MFN) và chính sách về trợ cấp.
Nội dung của MFN là các nước thành viên có nghĩa vụ phải đối xử với hàng hóa, dịch vụ, nhà đầu tư nước ngoài không kém thuận lợi hơn so với đối xử với hàng hóa, dịch vụ, nhà đầu tư trong nước (về thủ tục, điều kiện, quy định…).
Trong đó, WTO quy định: Các nước thành viên "không đánh thuế nội địa đối với hàng nhập khẩu cao hơn mức áp dụng với hàng hóa tương tự sản xuất trong nước".
"Không phân biệt đối xử trong áp dụng thuế nội địa giữa hàng nhập khẩu và hàng nội địa nhằm mục đích bảo hộ những hàng hoá nội địa tương tự hoặc cạnh tranh trực tiếp hoặc có khả năng thay thế lẫn nhau với hàng nhập khẩu", quy định MFN của WTO nêu.
Bên cạnh đó, liên quan đến thuế nội địa, WTO yêu cầu các thành viên WTO không được sử dụng thuế nội địa nhằm mục tiêu bảo hộ, trợ cấp.
Như vậy, trường hợp muốn kích cầu thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp ô tô trong nước, Việt Nam sẽ phải giảm đồng thời 50% phí trước bạ và ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt đối với cả ô tô nhập khẩu và ô tô sản xuất trong nước. Điều này mới đảm bảo không bị các vụ kiện từ các nước khác trong WTO.
Hiện nay, thuế tiêu thụ đặc biệt đang bị đánh vào cả xe nhập, xe trong nước, các linh kiện nhập và linh kiện trong nước. Mức thuế đánh vào xe ô tô theo dung tích xy-lanh tối thiểu 35% và tối đa đến 150% tùy theo giá trị xe, tùy vào dung tích xy-lanh.
Nếu việc miễn giảm phí trước bạ và ưu đãi thuế ô tô đối với xe nội địa không được đưa ra bàn thảo và Chính phủ không quyết định sớm, chắc chắn đây là sự thất vọng lớn của các doanh nghiệp và cả người tiêu dùng xe hơi đang rất kỳ vọng giá xe giảm đi trong thời gian tới.
Nguyễn Tuyền