1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ
  3. Tư vấn tài chính cá nhân

Chính thức “đóng cửa”, cấm cầu Thăng Long từ ngày 8/8

(Dân trí) - Tổng Cục đường bộ Việt Nam cho biết, để sửa chữa cầu Thăng Long - Hà Nội, cơ quan này sẽ chính thức “đóng cửa” và cấm phương tiện đi lại từ ngày 8/8. Thời gian sửa chữa đến hết tháng 12/2020.

Chiều nay (20/7), Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã họp báo thông tin về việc cấm cầu Thăng Long để thực hiện sửa chữa.

Ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam - cho biết: Cầu Thăng Long bắc qua sông Hồng được xây dựng từ tháng11 năm 1974 và hoàn thành vào tháng 5/1985. Sau 35 năm khai thác, phần mặt đường trên cầu đã xuất hiện các hư hỏng.

Với đặc điểm kết cấu phức tạp (cầu dàn thép 2 tầng cho đường bộ và đường sắt, chiều dài nhịp lớn, dàn thép liên tục trên nhiều nhịp), mặt cầu đồng thời phải chịu các tải trọng xe chạy trên cầu, tải trọng tầu hỏa, lực gió ngang, nhiệt độ... tạo ra các dao động chuyển vị biến dạng, ứng suất lớn đồng thời theo các phương khác nhau.

Chính thức “đóng cửa”, cấm cầu Thăng Long từ ngày 8/8 - 1
Cầu Thăng Long sẽ chính thức “đóng cửa” và cấm phương tiện đi lại từ ngày 8/8

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục đường bộ, việc nghiên cứu sửa chữa mặt cầu Thăng Long một cách căn cơ để khai thác êm thuận, an toàn, bền vững lâu dài và khai thác đồng bộ với đường vành đai 3 là hết sức cần thiết và cấp bách.

Tổng mức đầu tư dự án sửa chữa cầu Thăng Long là 269,3 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư là kinh phí sự nghiệp chi hoạt động kinh tế đường bộ cho công tác quản lý bảo trì quốc lộ. Nhà thầu thi công là nhà thầu Việt Nam. Thời gian thực hiện sửa chữa là 150 ngày.

Để công tác thi công sửa chữa mặt cầu Thăng Long đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật, đặc biệt là lớp bê tông siêu tính năng (UHPC), Tổng cục này cho biết cần thiết phải tổ chức phân luồng giao thông và cấm các phương tiện lưu thông trên mặt cầu (tầng 2) và điều chỉnh lại tốc độ chạy tàu ở tầng 1 trong quá trình thi công xây dựng.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ phân luồng giao thông thử từ ngày 28/7/2020 - 8/8/2020 và chính thức cấm cầu từ ngày 8/8/2020.

Về lộ trình di chuyển của các phương tiện, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết đã thông tin rộng rãi, sẽ phân luồng từ xa và có biển chỉ dẫn cụ thể cho các lái xe điều khiển phương tiện di chuyển thuận lợi.

Cơ quan này dự kiến thực hiện các công tác chuẩn bị như sau: Huy động vật liệu, nhân lực, thiết bị thi công; thực hiện các thí nghiệm vật liệu: Từ 23/7/2020 - 8/8/2020. Triển khai thi công trên mặt cầu bắt đầu từ 8/8/2020 và hoàn thành trong quý 4 năm 2020.

Chính thức “đóng cửa”, cấm cầu Thăng Long từ ngày 8/8 - 2
Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết đã thông tin rộng rãi, sẽ phân luồng từ xa và có biển chỉ dẫn cụ thể cho các lái xe điều khiển phương tiện di chuyển thuận lợi.

Về giải pháp sửa chữa, theo ông Huyện, đơn vị thi công sẽ gia cường mặt cầu thép trực hướng hiện tại thành mặt cầu liên hợp nhẹ. Giải pháp công nghệ, ông Huyện thông tin dự án đã nghiên cứu và thử nghiệm thành công công nghệ mới. Theo đó, dự án cầu Thăng Long sẽ sử dụng công nghệ của châu Âu, công nghệ này được sử dụng nhiều ở Mỹ và Trung Quốc nhưng là lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam.

Cụ thể: Cào bóc lớp bê tông nhựa hiện hữu, làm sạch bản mặt thép; Hàn các đinh neo thép vào bản mặt thép và lắp đặt lưới thép D10; Lớp bê tông siêu tính năng (UHPC) có cường độ chịu nén tối thiểu bằng 120MPa, chịu kéo ≥ 7,0MPa, chiều dày tối thiểu 6cm; thảm bê tông nhựa polyme BTNP 12,5 dày 4,0cm; Thay thế các khe co giãn đã bị hư hỏng bằng khe co giãn ray dạng mô đun; Sửa chữa lề bộ hành, hệ thống thoát nước và hệ thống an toàn giao thông.

Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ cũng cho biết, để đảm bảo điều kiện thi công và tránh những vấn đề thời tiết mưa, nắng gây bất lợi trong quá trình thực hiện dự án, toàn bộ cầu Thăng Long sẽ được lập mái che bằng tôn.

Châu Như Quỳnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm